Vụ nổ địa chấn xé ​​tan Beirut hôm thứ Ba đã để lại những hệ quả tàn khốc cho Lebanon, một quốc gia vốn đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng tài chính.
Vụ nổ khiến hơn 100 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương, xảy ra tại một nhà kho ở khu vực cảng của Beirut, nơi gần 3000 tấn vật liệu nổ đang được cất giữ. Đồng thời, vụ nổ này phá hủy cơ sở lưu trữ ngũ cốc lớn nhất trên toàn quốc, gây nên mất mát nặng nề cho lượng ngũ cốc dự trữ còn lại tại Lebanon. Có thể nói, vụ nổ xảy ra vào đúng thời điểm tồi tệ nhất của đất nước này khi mà nhiều người dân thậm chí còn không đủ khả năng chi trả thức ăn để sống qua ngày.
Theo Tamara Alrifai, phát ngôn viên của Cơ quan Cứu trợ và Công trình LHQ cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông: “Lebanon hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế, một cuộc khủng hoảng tài chính, một cuộc khủng hoảng chính trị, một cuộc khủng hoảng sức khỏe và giờ là sự bùng nổ khủng khiếp này."
Trên khắp Lebanon, hàng chục ngàn người đã phải xuống đường kể từ tháng 10 năm 2019 khi đồng bảng Lebanon bắt đầu lao dốc. Điều này gây ra bởi sự suy đồi trong hệ thống chính phủ và khả năng quản lý nợ một cách tồi tệ. Giá cả các mặt hàng theo đó đã tăng lên đáng kể, từ thực phẩm, thịt cho đến bánh mì. Lạm phát đang là một đòn giáng mạnh vào Lebanon, quốc gia có hơn 45% dân số sống dưới mức nghèo khổ, khoảng 33% dân số không có việc làm, và gần một nửa dân số phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực.

Giờ đây, với sự nổ tung của các cảng tại Beirut và kho ngũ cốc chính của đất nước, nhiều chuyên gia lo rằng hậu quả của vụ nổ sẽ khó mà kiểm soát được. Hans Bederski, giám đốc quốc gia của nhóm viện trợ tị nạn World Vision cho biết: "Vụ nổ này có tác động nghiêm trọng tới không chỉ người dân ở Beirut mà toàn bộ đất nước Lebanon". 80% những gì người dân Lebanon tiêu thụ là từ xuất khẩu, phần lớn là lúa mì để sản xuất bánh mì dẹt, loại lương thực có mặt trong hầu hết các hộ gia đình tại Lebanon. Chỉ trong tháng trước, giá bánh mì đã tăng lần đầu tiên trong tám năm để điều chỉnh lạm phát.
Thống đốc Beirut cho biết vụ nổ đã khiến gần 300.000 người mất nhà cửa. Khu vực cảng của thủ đô đã bị thu hẹp thành đống đổ nát, với đường phố bị hư hại nghiêm trọng và mặt tiền của các tòa nhà bị phá vỡ. Các quan chức không cho biết nguyên nhân gây ra vụ cháy gây ra vụ nổ, nhưng Tổng thống Michel Aoun nói rằng hàng ngàn tấn Amoni Nitrat (thường được dùng trong nông nghiệp để làm phân bón hay làm chất oxi hóa trong thuốc nổ), đã được lưu trữ trong sáu năm tại cảng mà không có biện pháp bảo vệ hay sử dụng an toàn.
Thị trưởng Beirut Jamal Itani cho biết việc khôi phục thành phố sẽ tiêu tốn "hàng tỷ đô la". Và mặc dù ông ca ngợi sự kiên cường của người dân Lebanon, sự tàn phá này là quá lớn và sẽ khiến vô vàn người phải vật lộn. "Tôi đã sống qua chiến tranh và những hoàn cảnh khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế này trước đây. Chúng ta sẽ đi đâu? Beirut đã bị phá hủy hoàn toàn ngay lập tức", theo một người dân tại Beirut. Các bệnh viện gần đó cũng bị thiệt hại nặng nề trong vụ nổ. Những bệnh viện không bị ảnh hưởng thì lại trở nên quá tải với số lượng bệnh nhân khi mà số ca nhiễm coronavirus đang gia tăng đột biến.

Các chuyên gia nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là mối đe dọa tồi tệ nhất đối với sự ổn định của Lebanon kể từ cuộc nội chiến tàn phá đất nước từ năm 1975 đến năm 1990. Nhưng ngay cả khi nguồn lực tài chính của Lebanon đã bị vắt cạn kiệt, chạm đến ngưỡng giới hạn và đất nước thì bên bờ vực sụp đổ, vụ nổ lại xảy ra, khiến cho toàn quốc gia phải đối mặt thêm với một khó khăn khổng lồ khác, là xây dựng lại thành phố thủ đô của mình.

Theo Business Insider