Tới thời điểm hiện tại, 28 ngân hàng đã có báo cáo tài chính quý 1/2024. Tổng lợi nhuận trước thuế quý 1/2024 của 28 ngân hàng đạt hơn 72.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính này là có 3 cái tên xuất hiện với dư lượng tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước tại đây lên đến gần 100.000 tỷ đồng.

Cụ thể,  tại BIDV, Kho bạc Nhà nước có số dư tiền gửi là 40.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và hơn 5.500 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn. Con số này tăng gấp đôi so với số dư hơn 19.000 tỷ đồng gửi vào cuối năm 2023.

Tại VietinBank, Kho bạc Nhà nước có số dư tiền gửi đến cuối quý 1/2024 là 45.445 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với cuối năm 2023.

Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank thấp nhất trong 3 ngân hàng quốc doanh, chỉ hơn 3.300 tỷ đồng, nhưng con số này cũng gấp hơn 4 lần so với cuối 2023.

Tổng số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng trên đạt trên 94.000 tỷ đồng. Trước đây, lượng lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng nằm dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn với số dư thường xuyên duy trì ở mức cả trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại như trước đây.

222528-01-1714306469.jpg

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV: HoSE: BID) tính đến hết quý 1/2024 có lợi nhuận trước thuế BIDV đạt trên 7.390 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. 

Tổng tài sản trên 2,28 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng hơn 1,76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; huy động vốn đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Năm 2024, BIDV đề xuất phát hành tổng cộng hơn 1.36 tỷ cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng.

Theo công bố Báo cáo Tài chính Quý 1/2024, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã đạt được kết quả tích cực về quy mô và hiệu quả hoạt động. Tổng tài sản hợp nhất tăng 2,2% so với đầu năm.

Cho vay khách hàng tăng 2,8% so với đầu năm, phù hợp với diễn biến chung toàn Ngành và nền kinh tế. Tiền gửi của khách hàng tăng 1,2% so với đầu năm phù hợp định hướng cân đối vốn, đáp ứng thanh khoản và tuân thủ các tỷ lệ an toàn hoạt động của VietinBank. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,3%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho vay là 151%.

Dù tiền gửi của Kho bạc Nhà nước thấp nhất trong 3 ngân hàng nhưng Vietcombank tiếp tục là "quán quân" toàn ngành về lợi nhuận. Thu nhập lãi thuần và thu từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank lần lượt đạt 14.078 tỷ và 1.441 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý I năm trước. Trong khi đó, kinh doanh ngoại hối – mảng thế mạnh của Vietcombank còn 1.200 tỷ đồng, giảm 29%.

Lãi thuần từ hoạt động khác cũng thu hẹp một nửa. Kết quả là lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng này hạ hơn 7%, còn 12.226 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ chi phí trích dự phòng giảm 25% cùng kỳ năm trước, nhà băng này ghi nhận lãi trước thuế 10.700 tỷ đồng, giảm chưa tới 5%.

Trong 28 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1, hầu hết ngân hàng đều có tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Có 8 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.

Trong nhóm ngân hàng tầm trung, ngân hàng lớn, LPBank có tăng trưởng cao nhất khi lợi nhuận tăng đến 84% và đạt 2.886 tỷ đồng.

Đa số ngân hàng nhỏ ghi nhận lợi nhuận đi ngang hoặc sụt giảm so với quý 1/2023, như ABBank giảm 71%, VietBank giảm 63%,...Trong khi đó, BVBank lại chứng kiến tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận đạt 69 tỷ, tăng 165% so với cùng kỳ.