Mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố báo cáo cập nhật ngành ngân hàng và hé lộ thông tin top 10 ngân hàng có doanh số bảo hiểm mới cao nhất năm 2022.

Theo đó, các ngân hàng có động lực đẩy mạnh nguồn thu từ bán chéo bảo hiểm trong điều kiện room tín dụng hạn chế. Trong 2022, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance tăng 45% so với năm 2021 và tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết tăng 16,4%. Các ngân hàng dẫn đầu về doanh số bán bảo hiểm bao gồm MBB, VIB, STB, ACB, VCB.

Theo VCBS, ngân hàng dẫn đầu về doanh số bán bảo hiểm năm 2022 là MBBank với 2.143 tỷ đồng. Vị trí thứ 2 thuộc về VIB với doanh số đạt 1.868 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 3 là Sacombank với doanh số ghi nhận 1.817 tỷ đồng.

top-10-ngan-hang-doanh-so-bao-hiem-cao-nhat-2023-1680515586.PNG
Top 10 ngân hàng có doanh số bảo hiểm mới cao nhất năm 2022. Nguồn: VCBS

VCBS cho biết một số ngân hàng chuyển từ mô hình giới thiệu bảo hiểm sang bán hàng trực tiếp với tỷ lệ hoa hồng cao hơn. Các ngân hàng như MBB, TCB, VIB,… đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm.

Trong 2022, các ngân hàng Vietcombank, ACB, VietinBank, Sacombank, VPBank ghi nhận 1 phần phí Upfront (phí trả cho các hợp đồng hợp tác độc quyền với ngân hàng trong năm đầu tiên) cho hợp đồng bancassurance độc quyền đã ký kết. Thị trường ghi nhân hợp đồng bancassurance của LienVietPostBank trong quý 4/2022 và có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các thương vụ ký kết mới của HDBank và VIB trong 2023.

Theo VCBS, việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra ngân hàng ép khách mua bảo hiểm có thể khiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng gặp khó khăn hơn các năm trước đây.

Bancassurance không còn là “con gà đẻ trứng vàng”

Đây là nhận định của VNDirect trong một báo cáo về ngành ngân hàng công bố mới đây.

Do đó, theo VNDirect kỳ vọng tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động bancassurance của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay. Nguyên nhân là bởi do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng và kéo theo đó là nhu cầu mua bảo hiểm.

Song song đó, các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc thanh tra hoạt động bancassurance giữa những thông tin về việc người vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm hay khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, khiến khách hàng tưởng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm.

top-10-ngan-hang-doanh-so-bao-hiem-cao-nhat-2023-1-1680537920.PNG

VNDirect nhận định rằng đa phần các ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng mạnh phí dịch vụ từ hoạt động bancassurance trong giai đoạn 2020-2022 khi mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đã liên tục đẩy mạnh hoạt động bán chéo sản phẩm qua ngân hàng.

Đối với mảng nhân thọ (phần lớn phí bancassurance của ngân hàng đến từ mảng này), doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đã tăng theo cấp số nhân trong vài năm qua, từ 20% tổng phí khai thác mới trong năm 2018 lên đến 40% vào năm 2021.