“Lúc kiếm mặt bằng mình cũng vạch ra nhiều kế hoạch, nào là đông người qua lại, nhà mặt tiền… nhưng cuối cùng đâu có đủ nhiều tiền để thuê đâu. Rốt cuộc lại chọn một con hẻm nhỏ để tiết kiệm được chi phí những ngày đầu khởi nghiệp…”, anh Thuận nhớ về khó khăn thuở ban đầu, vào khoảng 6 năm trước.
Trải dọc theo dải đất miền Trung Việt Nam có một tỉnh nhỏ mang tên Quảng Trị, vùng đất mà chiến tranh xưa đã ghi lại nhiều dấu ấn không thể nào quên đối với những ai đã ra đi, hay người còn ở lại.
Người ta vẫn hay kể với nhau rằng người Quảng Trị chịu thương, chịu khó, gian nan vất vả có lẽ ai cũng đã trải qua. Để rồi những lớp trẻ sau này cảm thấu được đức hy sinh, cần cù và mạnh mẽ của thế hệ cha ông, mang những ước mơ đâu đó còn nhen nhóm trong lòng, đưa những nét đẹp quê hương ra vẫy vùng với thế giới.
Cà Mèn - một thương hiệu thân quen của người dân Quảng Trị. Có lẽ đối với những người bạn láng giềng khác, Cà Mèn cũng đã đang mặc nhiên lưu lại nhiều ký ức, phải chăng ký ức nào cũng tốt đẹp, chân thành.
Kể về ông chủ Cà Mèn - anh Nguyễn Đức Nhật Thuận, một chàng trai trẻ sinh năm 1991 đã bỏ lại sau lưng nhiều cơ hội lớn để một lòng với những đam mê, anh xem đó như một sứ mệnh của đời mình.
“Thật ra, chuyện về mình không có gì để kể hết. Mình chỉ có mỗi khát khao là mang đặc sản quê hương ra nước ngoài. Mình và Cà Mèn đang nỗ lực rất lớn để biến giấc mơ đó thành hiện thực.”, Anh Thuận khiêm tốn chia sẻ. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng đã có cuộc trò chuyện hơn 2 giờ đồng hồ để rồi cuốn vào câu chuyện khát khao đó của anh tự lúc nào không hay.
Cà Mèn: Cái tên nghe lạ tai này có ý nghĩa gì?
Những ai lần đầu biết đến hẳn sẽ có sự tò mò như trên, rằng Cà Mèn là tên một vật dụng, tên một con đường ở đâu đó hay là một biệt danh mà người sáng lập thương hiệu đặt nên?
Cà Mèn chính xác là một dụng cụ có thể đựng đồ ăn, một “vật chuyên dụng” cho những đứa con mang cơm ra đồng cho bố mẹ. Đây cũng là hình ảnh quen thuộc đối với người con Quảng Trị, tuổi thơ chắc ai cũng đã từng.
Lấy tên Cà Mèn để đặt cho thương hiệu, bởi lẽ anh Nguyễn Đức Nhật Thuận luôn nung nấu hoài bão lớn lao về đặc sản quê hương.
Ngày xưa người ta cứ hỏi: 'Quảng Trị có phải Huế không?'
Khi được hỏi về lý do cho ra đời một thương hiệu rất được quan tâm và thành công như hiện nay, anh Thuận kể:
“Trước đây, khi trò chuyện với người bạn ở một tỉnh khác, bạn hỏi Quảng Trị có phải là Huế không, lúc đó mình rất buồn vì nhiều người chưa biết đến Quảng Trị. Đi dọc đường Sài Gòn, thấy rất nhiều món đặc sản của các nơi khác như: bún bò Huế, phở Hà Nội, cháo lươn Nghệ An,... nhưng lại rất hiếm có bảng hiệu nào đặc sản Quảng Trị. Vậy nên, đến năm 2015, mình đã quyết định nghỉ công ty và lập ra thương hiệu Cà Mèn, đi cùng với Cà Mèn.”
Bên cạnh sự thôi thúc đó, việc ông chủ Cà Mèn gầy dựng nên thương hiệu này cũng liên quan tới công việc cũ. Trước đây, anh Thuận tốt nghiệp ngành xuất nhập khẩu và đã cống hiến nhiều năm cho một công ty cùng ngành.
Mức thu nhập trên 20 triệu vào thời điểm năm 2015 là một con số đáng khen. Tuy vậy, anh vẫn bỏ lại công việc này và chạy theo đam mê của mình. Nguyên do chỉ bởi một câu nói bâng quơ của người cậu ruột, rằng: "Thuận học xuất nhập khẩu, vậy Thuận xem ở quê mình (Quảng Trị) có cái gì đem xuất khẩu được không? Nếu được thì mới tài giỏi."
Từ đó, anh Thuận nung nấu giấc mơ xây dựng một thương hiệu đặc sản quê hương Quảng Trị, nhằm giải quyết vấn đề "thèm bữa cơm nhà" cho những người con sống xa quê, quảng bá đặc sản Quảng Trị và tiến gần hơn với công cuộc xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm của Cà Mèn ra thế giới.
Người tiên phong đưa bánh ướt - Đặc sản Quảng Trị vào Sài Gòn
"Khi mình bảo với bạn bè rằng sẽ bán bánh ướt, bạn bè bảo khùng hả, đi 2 mét là có 1 xe bánh ướt rồi, bán sao được, lại đem từ Quảng Trị xa xôi vào chi phí đắt đỏ, liệu có gì khác biệt không?", ông chủ Cà Mèn nhớ lại.
Vậy mà cho đến nay, chặng đường 6 năm đó cũng đã giúp anh Thuận và bạn bè anh trở thành đối tác, hay là những khách hàng thân thiết, thậm chí kiêm luôn "sale" của Cà Mèn. Giải thích về điều này, anh Thuận cho hay từ những giá trị chân thành mà Cà Mèn bỏ ra, những sản phẩm chất lượng mà thương hiệu này mang tới cho khách hàng, phần nào đã tạo được niềm tin lớn. Các khách hàng bên cạnh việc thưởng thức món ăn ngon, đều vui vẻ mà quảng bá cho Cà Mèn.
Khó khăn rong ruổi chặng đường dài
*Hiện tại và có thể là từ trước tới nay, Cà Mèn đã tạo nhiều ấn tượng tốt với khách hàng, vậy đằng sau sự thành công đó có khó khăn nào mà anh hay Cà Mèn đã gặp phải không?
"Những ngày đầu mở rất là đông, trong hẻm bên Gò Dầu, Tân Phú. Lúc kiếm mặt bằng cũng vạch ra nhiều kế hoạch nào là đông người qua lại, nhà mặt tiền… nhưng cuối cùng Cà Mèn đâu có đủ nhiều tiền để thuê đâu. Chốt lại, mình phải chọn kinh doanh trong hẻm để tiết kiệm được phần nào chi phí.
Thời điểm đó, Cà Mèn đã có tháng đầu tiên ra mắt hoành tráng, lượt khách đến nhiều đến nỗi hàng xóm tưởng nhà có mở tiệc tùng. Tuy vậy, hàng xóm cũng cho mình một lời nhận xét thực tế rằng "sao lại chọn trong hẻm thế này ai biết mà ghé để ăn."
Vậy là sau tháng khai trương, khách cũng thưa dần vì địa điểm khó tìm, chưa gây được hiệu ứng tốt."
*Vậy đâu là bước ngoặt của Cà Mèn để có được kết quả như hiện tại?
"Cũng là một bước ngoặt, nhưng vẫn chưa thực sự đã vượt qua được khó khăn.
Tháng 11/2017, mình được một người bạn giới thiệu và quyết định chuyển vị trí sang Quận Phú Nhuận, khách hàng đông hơn, đó là điều đáng mừng. Thừa thắng xông lên nên mình mở thêm chi nhánh ở Thủ Đức.
Năm 2018, Cà Mèn có tổng cộng 3 chi nhánh, nhưng vấn đề đã xảy ra khi bản thân mình chưa nắm nhiều về quản trị mà mở nhiều quán quá, nhiều lỗ hổng về quản lý đã xuất hiện.
Cuối năm 2018, giai đoạn trả lương cho nhân viên và mặt bằng, vợ chồng mình chỉ còn vỏn vẹn 500 nghìn đồng. Còn nhớ, hôm đó hai vợ chồng ôm nhau khóc vì thấy khổ quá. Bởi người ta làm việc công ty thì thứ 7, chủ nhật được nghỉ, mình thì cày ngày đêm. Thêm vào những lần khách hàng phàn nàn về sơ suất phát sinh, những điều đấy tạo nên áp lực."
Kể thêm về giai đoạn này, anh Thuận cho biết: "Đang khóc thì có 1 người nhắn tin đòi tiền nợ. Lúc đó phải lấy laptop của vợ mình đi cầm, được 4 triệu. Bình thường vợ mình hiền lắm, mua hàng không bao giờ trả giá gì nhưng lúc đó vợ mình lại năn nỉ quán cho được giá 5 triệu để trả đủ nợ người bạn kia. Lúc đó, mình thấy đau kinh khủng, với người ta chồng là chỗ dựa tinh thần, giờ mình còn phải lấy laptop của vợ để cầm...."
*Người ta vẫn hay nhận định rằng một người phụ nữ cùng đi lên với bạn lúc khó khăn thì tình cảm giữa cả hai sẽ vững bền hơn, anh nghĩ sao về điều này?
"Đối với câu chuyện của mình thì mọi thứ đã khác rồi. Tình yêu giữa mình và vợ vốn dĩ đã quá lớn, yêu nhau từ khi mình chưa bắt đầu khởi nghiệp, cả hai luôn hy sinh và nghĩ cho nhau. Vợ mình là một cô gái đã mạnh dạn dành cả thanh xuân bên mình khi mình chọn bước vào con đường kinh doanh đầy mạo hiểm đó. Mình rất trân quý và yêu thương cô ấy về tất cả mọi mặt.
Bố mẹ, vợ con, anh chị, người thân chính là nguồn đồng lực lớn và luôn đồng hành cùng mình trên chặng đường ấy. Mình biết ơn vì tất cả."
Có lẽ bất kỳ ai khi rơi vào cùng cực của khó khăn, sẽ thoáng trong đầu những suy nghĩ quẩn. Anh Thuận cũng đã từng bất giác muốn nhảy cầu để kết thúc mọi thứ. Nhưng may mắn đã mỉm cười khi động lực trong anh là quá lớn, nghĩ đến lý do bắt đầu để tiếp tục với hành trình, tìm phương án cho mọi trở ngại trước mắt anh.
Sau đó, anh nhìn lại và nhận ra mình cần tối ưu trước một cơ sở duy nhất. Cho đến hiện tại, mặc dù dịch bệnh vẫn đang làm ảnh hưởng nhiều đến công tác kinh doanh của Cà Mèn, nhưng hiệu quả thực tế cho thấy anh Thuận và Cà Mèn đang ngày một đi đúng hướng hơn.
Với Cà Mèn, sự đồng hành và ủng hộ tinh thần luôn là động lực lớn. Hình chụp tại lễ Kỉ niệm 5 năm sinh nhật Cà Mèn, tổ chức năm 2020.
Theo lời ông chủ Cà Mèn, để có được ngày hôm nay, Cà Mèn may mắn vì luôn được mọi người cùng đồng hành, tin tưởng, yêu thương và ủng hộ. Điều này thể hiện rõ hơn qua đợt đại dịch Covid-19 bùng phát vừa rồi.
Tháng 7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu lo toan với hàng loạt chỉ thị nối tiếp nhau. Đội ngũ Cà Mèn khi đó đã cùng ở lại quán và tận dụng những thứ có sẵn để nấu cơm yêu thương. Ban đầu là gửi cho các hoàn cảnh khó khăn trong hẻm gần quán, đến khi chi phí cạn dần thì Cà Mèn được gợi ý nấu cơm hỗ trợ bệnh viện. Các mạnh thường quân bắt đầu xuất hiện và gửi tới nhiều đóng góp về vật chất lẫn tinh thần, dù rằng Cà Mèn chưa từng đứng ra kêu gọi.
Kết quả đáng ngưỡng mộ khi Cà Mèn và đội ngũ đã hoàn thành khoảng 700 phần cơm mỗi ngày, trong suốt 3 tháng liên tiếp chỉ để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, những y bác sĩ, bệnh nhân trong bệnh viện đang gồng mình mỗi ngày vượt qua cơn đại dịch quái ác.
Cũng theo anh Thuận, bởi tình yêu quê hương và cảm giác như có một món nợ ân tình với Quảng Trị, anh sẽ vững tâm với những kế hoạch đưa đặc sản Quảng Trị đi thật xa. Bước chân ra khỏi quê nhà để rồi vẫy vùng với thế giới. Trước mắt là với món đặc sản mang tên "Cháo bột cá lóc Cà Mèn" ở phiên bản đóng gói, hút chân không, được đánh giá là khá tiện lợi cho người dùng. Hiện tại, anh đã gửi đi gần 700 phần đến các tỉnh thành lớn.
"Luôn suy nghĩ tích cực, luôn năng lượng, dù khó khăn trăm bề nhưng anh em sẽ chắc chắn vượt qua!", anh Thuận trải lòng.
Cảm ơn những chia sẻ quý báu của anh Nguyễn Đức Nhật Thuận. Chúc cho thương hiệu Cà Mèn sẽ hoàn thành sứ mệnh đại diện cho ẩm thực vùng đất Quảng Trị, để quảng bá đặc sản quê nhà đến với thế giới một cách thành công và ý nghĩa nhất!
Nội dung & Thiết kế: Farrah Nguyen - Vietnam Business Insider
*Bài viết không được phép trích dẫn về website khác, ngoại trừ có sự đồng ý trực tiếp của tác giả
LH: quysocial@gmail.com