John Le - Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Propzy đã xác nhận với Tech in Asia rằng startup này đã sa thải 50% nhân viên bắt đầu từ tháng 9/2021 trong bối cảnh tái cấu trúc mô hình kinh doanh.
Theo ông John Le, hầu hết các nhân viên cắt giảm đều thuộc bộ phận bán hàng. Propzy hiện đang đẩy mạnh việc tự động hóa các dịch vụ môi giới trực tiếp thông qua công nghệ, vì vậy các vị trí này không còn cần thiết nữa.
Trước đó, Propzy tự định vị mình là một nền tảng end-to-end (đầu cuối), cung cấp một môi trường an toàn để mua, bán và cho thuê bất động sản.
Vào năm 2020, Propzy đã huy động được 25 triệu USD trong một vòng gọi vốn Series A do Gaw Capital Partners và SoftBank Ventures Asia dẫn đầu. Các nhà đầu tư khác bao gồm Next Billion Ventures, RHL Ventures, Breeze, FEBE Ventures, RSquare và Insignia.
Propzy là một startup trong lĩnh vực proptech (ứng dụng công nghệ vào bất động sản) và được thành lập vào năm 2015. Theo giới thiệu, nhà sáng lập ông John Le là người Mỹ gốc Việt. Ông tốt nghiệp ngành Toán học và Khoa học thống kê tại Đại học California (UCLA) và có hơn 25 kinh nghiệm làm việc tại nhiều ngân hàng lớn. Tính đến tháng 6/2021, công ty này đã huy động được 37 triệu USD.
Làn sóng sa thải nhân viên ồ ạt của các startup công nghệ toàn cầu
Theo Nikkei Asia, trong 2 năm qua, làn sóng sa thải nhân sự đang lan rộng trong các startup công nghệ, cho thấy việc gọi vốn trong lĩnh vực này không còn dễ dàng như những năm trước đó.
Dữ liệu từ Layoffs.fyi cho thấy có 20.514 người tại các startup công nghệ trên toàn cầu đã bị sa thải kể từ tháng 4. Con số này dựa trên thông tin công khai tính tới ngày 31/5, chủ yếu diễn ra tại Mỹ. Con số này đã tăng gấp đôi trong hai tuần qua, cho thấy thị trường lao động trong lĩnh vực này đã diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.
Layoffs.fyi liên tục cập nhật số lượng nhân viên bị cắt giảm từ tháng 3/2020 – khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Tính theo quý, số lượng nhân viên bị sa thải chỉ thấp hơn con số 60.000 người mất việc trong giai đoạn quý 2/2020.
Theo Nikkei Asia, nhiều startup "kỳ lân" đang chịu áp lực chi phí lớn, chủ yếu là do việc tuyển dụng nhân sự ồ ạt. Với việc các nhà đầu tư lớn đang thắt chặt hầu bao, các startup đang cảm thấy áp lực trong việc kiểm soát chi tiêu.
Tuy nhiên, không phải tất cả startup "kỳ lân" đều gặp vấn đề về kinh phí. Một số startup đã huy động đủ vốn trong thời kỳ bùng nổ. Song song đó, các cổ đông dài hạn đã giúp nhiều công ty đầu tư mạo hiểm có khả năng tiếp cận những cơ hội đầu tư mới.
Theo PitchBook, tính tới cuối tháng 3/2022, các quỹ mạo hiểm của Mỹ có tổng cộng 70 tỷ USD để đầu tư mới, nhiều hơn mức đã thấy so với giai đoạn 2008-2010, thời điểm trước và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này cho thấy rằng một công ty khởi nghiệp tiềm năng vẫn có cơ hội huy động được vốn đầu tư.