dbr2020-1-1632026619.jpg

1.
Thế giới có 2 định chế Tài chính đa phương lớn là Quỹ Tiền tệ Quốc tế - International Monetary Fund (IMF) - và Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB).

a. WB là một Ngân hàng Cổ phần thuộc Liên hợp quốc mà các cổ đông là 189 Quốc gia và khách hàng cũng là các Chính phủ. Khác nhau chỉ ở chỗ các nước nghèo là cổ đông nhỏ và con nợ lớn. Các nước giàu thì là cổ đông lớn nhưng là khách hàng nhỏ hay không vay.

Các khoản cho vay của WB thường dài hạn, lãi suất thấp và mục đích chính là thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở các nước đang phát triển. Một kiểu Bộ tài chính toàn cầu.

Cổ đông lớn nhất của WB là Mỹ (17.25%), thứ 2 là Nhật Bản (7.42%) và thứ 3 là Trung Quốc (4.78%). 
Là cổ đông lớn nhất Tổng thống Mỹ được quyền chỉ định Chủ tịch WB.

b. IMF cũng là một dạng Ngân hàng Cổ phần với 189 cổ đông. Nguồn vốn của IMF là do các nước đóng góp. 
Các khoản cho vay của IMF ngắn hạn hơn và phục vụ duy trì sự ổn định của hệ thống Tài chính - Tiền tệ thế giới và tái cơ cấu các nền kinh tế. Một kiểu NHTW toàn cầu.

Các cổ đông lớn của IMF là Mỹ (17,43%), Nhật bản (6,47%) và Trung Quốc (6.4%).

Châu Âu được chọn TGĐ IMF. 

c. Từ giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 cho đến khi bùng phát Covid, nhu cầu vay vốn từ WB của các quốc gia để phục vụ ổn định tài chính tiền tệ và đầu tư phát triển cũng bùng nổ.

Để có tiền cho vay WB và IMF phải yêu cầu các cổ đông rót thêm vốn. Khủng hoảng, dịch dã thì ai chả khó khăn, kể cả các nền kinh tế lớn, nên các cổ đông đang chần chừ góp vốn.

Trừ Trung Quốc, gã nhà giàu mới nổi hưởng lợi từ khủng hoảng tài chính và có vẻ bây giờ là phục hồi sau Covid. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang nóng lòng muốn chiếm vị trí thứ 2 của Nhật Bản (có vẻ sắp được tại IMF) và sau đó tất nhiên là vị trí số 1 của nước Mỹ (cái này khó hơn nhiều do Mỹ có quyền phủ quyết tại cả 2 tổ chức) tại 2 định chế tài chính đầy quyền lực này.

2.
a. Doing Business là một loại Báo cáo được coi là có trị hàng đầu của WB. Báo cáo được WB phát hành thường niên này xếp hạng môi trường kinh doanh các quốc gia, đưa ra các đánh giá mang tính định lượng đo lường hiệu quả môi trường pháp lý của các quốc gia trong việc hỗ trợ cũng như hạn chế hoạt động kinh doanh — từ Afghanistan đến Zimbabwe.

Doing Business đóng một vai trò khá quan trọng tại các thị trường đang phát triển và các chính phủ thường cố gắng tăng thứ hạng để thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi các đánh giá của Doing Business thường là điều đầu tiên các nhà đầu tư xem xét khi đưa ra quyết định đầu tư vào một quốc gia nào đó.

Vậy mà vừa mới đây ngày 16/09/2021 Ngân hàng Thế giới thông báo sẽ ngừng hẳn việc phát hành báo cáo Doing Business.

Bên cạnh đó WB hiểu rằng việc đánh giá toàn diện môi trường kinh doanh của các quốc gia là cần thiết đối với các nhà đầu tư nên WB vẫn dự kiến sẽ phát triển một cách tiếp cận mới về vấn đề này.

b. Lý do?

WB vừa công bố tài liệu của một cuộc điều tra nội bộ do công ty luật WilmerHale thực hiện.

Theo đó, khi thực hiện xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018, Trung Quốc đã gây sức ép lên những người biên soạn xếp hạng của Doing Business để họ “nâng đỡ không trong sáng” Trung Quốc đang từ vị trí đáng lẽ là 85 lên còn 78. 

Việc tác động được thực hiện theo 2 hướng. 

Hướng thứ nhất là Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã yêu cầu các nhà biên soạn thay đổi phương pháp luận theo hướng có lợi cho Trung Quốc. 

Hướng thứ hai là Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của WB, đã gây áp lực lên những người biên soạn xếp hạng để thực hiện những thay đổi cụ thể trong thông tin dữ liệu của Trung Quốc nhằm cải thiện vị thế của quốc gia này trong bảng xếp hạng của Doing Business.

Năm 2018, do bất đồng với phương pháp đánh giá xếp hạng, nhà kinh tế trưởng của WB Paul Romer - người nhận giải Nobel kinh tế cùng năm- đã rời WB.

Do vậy sau khi xem xét tất cả các thông tin thu thập được từ quá trình điều tra WB đã quyết định ngừng phát hành báo cáo Doing Business. 

c. Thế mới biết Trung Quốc cũng rất cần PR bản thân để thu hút dòng vốn đầu tư, xây dựng hình ảnh một thủ lĩnh mới không chỉ “con nhà giàu” và “học giỏi” mà lại “đẹp trai”. Nhưng tất nhiên không chỉ thế.

3.
a. Kristalina Georgieva - bà là ai?

Bà là người quốc tịch Bulgaria. Đã từng được đề cử tranh chức TTK Liên hợp quốc. Là CEO -Giám đốc Điều hành- của WB từ 1/2017 đến 9/2019. Ngay sau khi ông Jim Yong Kim nguyên chủ tịch nghỉ ngày 01/01/2019 bà đã được chỉ định giữ chức Quyền Chủ tịch WB đến 9/2019. 09/2019 bà được bổ nhiệm làm TGĐ IMF cho đến nay.

cuu-giam-doc-wb-jpeg-4157-1632017313-m-460x0-1632025990.jpg
Cựu Giám đốc Điều hành- của WB  Kristalina Georgieva


Cả WB và IMF đều có vai trò lớn trong giải quyết các vấn đề về Đầu tư-Phát triển và Tài chính-Tiền tệ toàn cầu, nhất là vào các thời điểm khủng hoảng, nên tầm ảnh hướng của các nhà lãnh đạo các định chế này rất rộng. Do vậy việc lựa chọn các nhân sự chủ chốt và các diễn biến cung quanh 2 tổ chức này luôn đậm màu sắc chính trị và đầy thuyết âm mưu với sự tham gia của các quốc gia lớn.

b. Nhớ lại ngay sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008, tháng 5 năm 2011 Dominique Strauss-Kahn (DSK) một chính trị gia thành đạt: Đã là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (1991-1993) và Bộ trưởng Bộ Tài chính (1997-1999) của Pháp, TGĐ IMF, giàu có, ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống Pháp và lẫy lừng các cuộc tình với các mỹ nhân (người Pháp mà) đã bị kết án tội hãm hiếp một… nữ hầu phòng khách sạn 32 tuổi với các tình tiết đầy tranh cãi và gay cấn!!!

Ai đó bảo đó là bàn tay của Sarkozy muốn xử đối thủ cạnh tranh chức Tổng thống của mình.

Nguyên nhân chính, người khác bảo, nằm ở việc nước Mỹ rất quan ngại với chính sách khá độc lập của IMF dưới thời DSK trong việc giải ngân cho các nước con nợ. Căn nguyên là DSK ủng hộ sự can thiệp sâu của nhà nước vào Kinh tế Tài chính, nhất là lúc khủng hoảng. Như vậy DSK đã vi phạm cái gọi là “Đồng thuận Washington - Washington Consensus”. Đồng thuận này là một gói yêu cầu tiêu chuẩn mà các con nợ phải đáp ứng mới được vay theo thoả thuận giữa WB, IMF và các nền kinh tế lớn do Mỹ chủ soái xây dựng. Gói tiêu chuẩn đầy tranh cãi này về bản chất là yêu cầu tự do hoá nền kinh tế dựa trên 3 trụ cột: a. Kiểm soát lạm phát và giảm thâm hụt ngân sách b. Tự do hoá thương mại và tỷ giá hối đoái c. Tự do hoá thị trường, bỏ trợ cấp chính phủ cho doanh nghiệp, cổ phần hoá DNNN.

Giọt nước tràn ly là năm 2009 DSK đã lặp đi lặp lại luận điểm rằng cần chấm dứt việc USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu duy nhất bởi sự ổn định tài chính của nền kinh tế thế giới không thể được đảm bảo bằng chỉ một loại tiền tệ.  Do đó cần phải phát triển một hệ thống đa dạng hóa các loại tiền dự trữ  bao gồm USD, EUR, Yên Nhật và… Nhân dân tệ, tất nhiên, cũng như SDR (quyền rút vốn đặc biệt của IMF).

DSK, với tư duy như vậy, chạy đua và khả năng cao trở thành Tổng thống Pháp còn làm nước Mỹ quan ngại hơn.
Có thể còn bởi ông ta phạm sai lầm ngu ngốc. 

Tóm lại, ngoài Trung Quốc ra, có vẻ các cổ đông lớn khác không mấy ai hài lòng về DSK. Nên xảy ra vụ hiếp dâm kỳ lạ ấy. Sự nghiệp chính trị DSK chấm dứt.

c. Năm 2021 trong tâm điểm dịch Covid xảy ra vụ Doing Business ở trên. Chắc cũng chả phải tình cờ.

Nếu vụ DSK bóng dáng Trung Quốc rất mờ. Thì vụ Doing Business này sự hiện diện của Trung Quốc đã là trực diện.
Đằng sau nó là gì? Nước Mỹ, với tư cách cổ đông lớn nhất và duy nhất có quyền phủ quyết với “Super-Majority Shareholder’s Right”, làm sao có thể chấp nhận việc ai đó thao túng hai sân sau WB và IMF đầy quyền lực của mình?

Trong chiến tranh lạnh Xô-Mỹ yếu tố ý thức hệ được đưa lên hàng đầu và xây dựng các liên minh chính trị trên nền tảng ý thức hệ đối đầu rõ rệt.

Đối đầu Trung-Mỹ, với quan điểm mèo trắng mèo đen của Đặng Tiểu Bình, tiền đưa lên hàng đầu. Trung Quốc không chủ động gây hấn, không có ý định xuất khẩu ý thức hệ chỉ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, không (chưa?) thành lập các liên minh đối kháng mà thọc thẳng vào các lãnh địa, sân sau của Mỹ. Nhìn cách Trung Quốc chia rẽ châu Âu với Mỹ thì thấy. Và không bỏ qua cả IMF lẫn WB.


Vui phết!

Tác giả: Lý Xuân Hải