Chỉ trong 5 tháng đầu năm, nước ta đã xảy ra 2 đợt dịch liên tiếp làm đảo lộn bao nhiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như các kế hoạch cá nhân khác đành phải tạm gác lại. 

nguyen-huong-ceo-dai-phuc-land-1623478382.png
 

Trong các đợt dịch đầu nhờ việc kiểm soát dịch khá tốt nên sau mỗi đợt dịch người dân, doanh nghiệp lại bật dậy phục hồi, tăng tốc để bắt nhịp lại với nhịp sống thường ngày. Khó khăn là không kể xiết nhưng vẫn cố gắng chạy nhanh hơn nữa, nỗ lực gấp nhiều lần hơn nữa để bù lại các khoảng thiệt hại cũng như thời gian đã mất do dịch bệnh.

Tuy nhiên đến đợt dịch thứ 4 lần này xảy ra nhanh hơn và kéo dài hơn dự định. Các điểm dịch bùng mạnh ở 2 đầu thành phố lớn nhất cả nước kéo theo đó là cả một hệ thống kinh tế dường như ngừng trệ. Nhìn đường xá vắng teo, công ty thì chỉ còn lèo tèo vài nhân sự cốt lõi vẫn phải đi làm để duy trì hoạt động thiết yếu.

Rất nhiều doanh nghiệp buộc phải bật chế độ làm việc từ xa để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Quán xá, dịch vụ đóng cửa hàng loạt, đìu hiu. Một tình trạng yên ắng bao trùm, nó như một khoảng lặng khiến mọi việc phải dừng lại, nín thở và chờ đợi.

Dân tình bảo nhau giờ ở nhà hết sợ nạn kẹt xe nhưng lại khổ vì kẹt tiền. Người lao động đang vất vả lao đao, còn doanh nghiệp thì chật vật xoay sở và dần đuối sức vì nguồn lực đang dần cạn kiệt. Con số doanh nghiệp phá sản hay tạm dừng hoạt động rồi sẽ tiếp tục tăng cao hơn bao giờ hết sau mỗi đợt dịch qua đi. 6 tháng đầu năm sắp qua đi một cách nặng nề và đầy lo lắng.

Vậy 6 tháng cuối năm rồi sẽ ra sao nếu chúng ta tiếp tục ngồi chờ hay tìm giải pháp để cải thiện và vượt qua nó. Bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm có sáng sủa hơn hay không phụ thuộc vào những giải pháp thiết thực sẽ được thực hiện trong tình huống cấp bách hiện nay.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các ngành nghề kinh tế. Vì vậy các giải pháp hỗ trợ cũng cần suy tính một cách toàn diện và lâu dài hơn. Kịch bản tốt là chúng ta có thể kiểm soát dịch đợt 4 trong quý 2 và triển khai tiêm vaccine toàn dân trong quý 3 và quý 4. Tuy nhiên nhiều khả năng là đợt dịch lần này sẽ kéo dài sang quý 3 do hiện nay vẫn tiếp tục xuất hiện thêm nhiều điểm dịch mới và tình hình nhập vaccine về có thể chậm hơn so với kế hoạch để có thể tiêm đại trà toàn dân. Vì vậy ngay lúc này cấp thiết cần các giải pháp để ổn định an sinh xã hội và trợ lực cho doanh nghiệp đang bị yếu sức có cơ hội phục hồi sau đại dịch.

Nhóm giải pháp đầu tiên nên dành hỗ trợ cho người lao động. Đây là lực lượng nòng cốt đảm bảo các hoạt động của nền kinh tế. Ngoài gói hỗ trợ cho người yếu thế thì nên xem xét một cách đầy đủ và điều chỉnh lại mức thuế thu nhập cá nhân đang trở nên bất cập sau một thời gian dài áp dụng.

Lạm phát đang ở mức rất cao và gánh nặng về vật giá leo thang đang đè lên đôi vai người lao động. Mức thu nhập khởi điểm tính thuế từ 5 triệu đồng đã không còn hợp lý mà cần tăng lên mức 10-15 triệu đồng. Khoảng cách giữa mức thu nhập tính thuế quá ngắn cần phải giãn ra thêm cho phù hợp với thực tế.

Mức khấu trừ gia cảnh cần tăng thêm thay vì mức 11 triệu đồng như hiện tại và cần thay đổi mức khấu trừ tăng thêm ở những mức thu nhập cao do chi phí sinh hoạt cao hơn tương ứng. Đây là giải pháp căn cơ giúp tăng thêm thu nhập cho người lao động và giảm ngân sách cho các doanh nghiệp.

Một thực tế khá bất cập là trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, đời sống khó khăn thì báo cáo tổng kết khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng lên đáng kể.

Nhóm giải pháp thứ 2 nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn là cơ hội để phát triển và có công ăn việc làm cho người lao động. Cần thiết có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong ngắn hạn để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tái đầu tư và bù đắp các khoản thiệt hại do dịch bệnh.

Bên cạnh đó việc giảm/hoãn các khoản đóng BHXH tùy theo quy mô số lượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp cũng sẽ giúp duy trì được hoạt động của doanh nghiệp sau thời gian gắng gượng và yếu sức.

Cùng đó, chính phủ có thể xem xét các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp có doanh thu lớn, số lượng lao động nhiều để có thêm nguồn vốn tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh và chi trả lương cho người lao động.

Chúng ta phải xác định là hỗ trợ doanh nghiệp một đồng bây giờ, giúp doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn thì doanh nghiệp sẽ trả lại 3 đồng thậm chí là 5 đồng cho ngân sách trong tương lai nếu vẫn duy trì được hoạt động thay vì phá sản hay đóng cửa tạm dừng.

Nhóm thứ 3 là các đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện về cơ chế chính sách để giải phóng nguồn lực đang bị ách tắc, kìm hãm. Trong các tâm thư cầu cứu hiệp hội doanh nghiệp vẫn luôn khẳng định doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin cơ chế.

Chỉ có cơ chế thông thoáng, linh hoạt, tự chủ cao thì mới phát huy được nguồn lực của địa phương, của doanh nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực, thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước một cách hiệu quả và thuyết phục. Đây là giải pháp căn cơ giúp thúc đẩy nền kinh tế tiến nhanh về phía trước, nắm bắt được các cơ hội phát triển và nâng tầm cạnh tranh quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Thành phố mới Thủ Đức được thành lập trong sự kỳ vọng rất lớn của chính quyền và người dân thành phố với các mục tiêu phát triển rất lớn và thử thách. Tuy nhiên đã gần 6 tháng trôi qua kể từ khi có quyết đinh thành lập, quá trình thực thi vẫn còn khá chậm và chờ đợi những cơ chế đặc thù mới để TP. Thủ Đức có thể tăng tốc và bứt phá như kỳ vọng.

Cuộc chiến chống dịch và việc hồi phục kinh tế là cuộc chiến song hành cần sự đồng lòng, chung sức của cả một hệ thống từ chính phủ đến doanh nghiệp và người dân. Phải cùng nhau hướng đến mục tiêu chung toàn dân an toàn, doanh nghiệp được duy trì, chính phủ ổn định. Chỉ khi người dân mạnh khỏe, doanh nghiệp có cơ hội phát triển, nền kinh tế mới có khả năng bật dậy và hồi phục sau dịch một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Nguyễn Hương - CEO Đại Phúc Land