le-manh-thuong-fortex-1233-1630558731.jpg
Ông Lê Mạnh Thường – Nguyên chủ tịch HĐQT Fortex.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt 1,2 tỷ đồng đối với ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân (Fortex).

Theo quyết định xử phạt, ông Lê Mạnh Thường – Nguyên chủ tịch HĐQT Fortex và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM.

Căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của 2 cá nhân nêu trên gây ra xác định theo quy định tại Điều 211 - Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của 2 cá nhân này.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 6, các cổ đông Fortex đã thông qua tờ trình miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT của ông Lê Mạnh Thường. Tuy nhiên, ông Thường đã được bầu lại làm Thành viên HĐQT ngay sau đó.

Cổ phiếu FTM đã gây xôn xao thị trường khi lập kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" với 30 phiên nằm sàn liên tục kể từ ngày 15/8 đến 26/9/2019. Kết quả, giá cổ phiếu FTM đã lao dốc từ mức gần 24.000 đồng/cp xuống còn hơn 3.000 đồng/cp.

z2729594616617-17aa742737d0a74952a23f8a33df7052-1630563440.jpg
Diễn biến cổ phiếu FTM. (Nguồn: Tradingview)

Trước sự lao dốc của cổ phiếu, ban lãnh đạo FTM đã 2 lần đưa ra thông cáo, cho biết việc giảm giá của cổ phiếu do "thị trường xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến Fortex và cổ phiếu FTM" và khẳng định công ty hiện vẫn đang hoạt động bình thường. 

Vào thời điểm đó, một số công ty chứng khoán cho biết có dư nợ margin cao bất thường tại FTM. Theo các công ty chứng khoán, một số cá nhân mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường. Các tài khoản này có hiện tượng bị kiểm soát giao dịch, giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo với cổ phiếu FTM.

Trao đổi với báo Nhà đầu tư  về vấn đề trên, ông Lê Mạnh Thường từng khẳng định: “Bản thân tôi rất bất ngờ khi có những thông tin như vậy. tôi khẳng định hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến làm giá chứng khoán hay tác động đến giá cổ phiếu”.

Ông Thường nhấn mạnh: “Bản thân tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin từ đơn vị nào đứng ra tố như các tin đồn bên ngoài. Do ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tôi sẽ cho xác minh, làm rõ về những tin tức này”.  

Ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) và các đơn vị chức năng liên quan cho biết đã tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin. 

Ông Lê Mạnh Thường sinh năm 1975, có trình độ Thạc sỹ quản trị kinh doanh. Ông Thường được biết đến là “thuyền trưởng” của Fortex khi đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty trong giai đoạn 6/2016 - 4/2019. 

Sau khi ông Nguyễn Hoàng Giang xin từ chức Chủ tịch HĐQT vào giữa tháng 9/2019, ông Thường tiếp tục được bổ nhiệm làm chủ tịch Fortex trong cuộc họp cổ đông bất thường sau đó. Tại FTM, ông Thường là cổ đông lớn khi nắm giữ 5,1 triệu cổ phiếu FTM, tương ứng với sở hữu 10,2% vốn công ty.

Ngoài FTM, ông Thường còn đang là Phó chủ tịch CTCP Long Hậu (HoSE: LHG), Phó chủ tịch CTCP Chiếu sáng Công cộng TP HCM (UPCoM: CHS) và Chủ tịch CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (UPCoM: SPD). 

Về Fortex, công ty này được thành lập từ năm 2002 tại tỉnh Thái Bình, sản xuất kinh doanh các sản phẩm sợi bông. Fortex sở hữu ba nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh Và Khu công nghiệp Tiền Hải với 108.700 cọc sợi, công suất hàng năm khoảng 17.000 tấn.

Những năm gần đây, hhoạt động kinh doanh của công ty liên tục đi xuống với doanh thu giảm từ 1.221 tỷ đồng trong năm 2017 xuống còn 81 tỷ vào năm 2020. Công ty ghi nhận lỗ lần lượt 94 tỷ đồng 200 tỷ đồng trong năm 2019 và 2020.

Nửa đầu năm 2021, doanh thu Fortex đạt 66 tỷ đồng và lỗ gần 47 tỷ. Tổng tài sản vào cuối quý II ở mức 1.589 tỷ đồng với vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 219 tỷ.