Trong buổi chia sẻ online với các anh chị cấp quản lý của một doanh nghiệp tuần trước, Đông từng nói thế này: 

Cuộc đọ sức giữa doanh nghiệp và covid - 19 như một trận đấu boxing mà càng về cuối trận lại càng gay cấn, cam go. Cú nốc ao có thể được tung ra bất cứ lúc nào nhưng chỉ cần đứng dậy trước khi đếm đến 3 thì sức ta còn chịu được. 

Giờ này, các anh chị CEO doanh nghiệp và các cấp quản lý đã bắt đầu thấm cú nốc ao đầu tiên. 

Covid lần thứ 4. Nhiều người trong chúng ta rơi vào trạng thái “tê liệt toàn bộ”, như ông em làm bất động sản tâm sự : “Giờ em thở mạnh thôi cũng sợ chứ chưa nói gì đến vẫy vùng làm này làm kia được”. 

covid-vs-doanh-nghiep-1628925175.jpg
 

 

Công nhận. Tuần trước vẫn còn lạc quan lắm nhưng chỉ thị 16 càng kéo dài ra thì cú đấm càng mạnh. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực thì mỗi thời điểm, giai đoạn, những điều xảy đến đều có sứ mệnh riêng của nó. Điều quan trọng là hành động của chúng ta đối diện với hoàn cảnh đó như thế nào. 

 

Nếu ta biết cách thì “tê liệt” vẫn có giá trị của “tê liệt" như kiểu gấu ngủ đông để bảo toàn năng lực và…mút ngón chân. Cụ thể giai đoạn này chẳng hạn, không đánh được ra bên ngoài thị trường thì có 4 việc có thể đánh ngay ở bên trong để “ngủ động” nhưng ta cũng thấy mình không lãng phí một giờ nào.

1. Nếu quỹ dự phòng rủi ro của không có quá nhiều. Sản phẩm dịch vụ không thể bán ra ngoài. Doanh thu về 0. Thì hãy

Thiết kế các hoạt động từ xa để kết nối nhân sự đang làm việc tại nhà của công ty và kể cả những người nghỉ việc không lương. 

- Hãy tạo ra các nhóm chat, chuyện trò thường xuyên, giữ liên lạc và tinh thần lạc quan cho mọi người, luôn khiến nhân sự các cấp cảm thấy dù họ ở đâu, đang làm gì, họ đều là một phần của cty và duy trì niềm tin là chỉ cần sau khi dịch ổn định thì mọi thứ tiếp tục trở lại bình thường. Đây là cơ hội rất tốt để truyền tải những thông điệp giá trị về sứ mệnh, tầm nhìn, văn hóa doanh nghiệp và tinh thần đội nhóm bằng những cách vô cùng hiệu quả, tiết kiệm mà lại tác động mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

- Hơn ai hết, lúc này các nhân viên rất cần một chỗ dựa về tinh thần để có thể ổn định tâm lý, sự lo lắng về công việc, trang trải cho cuộc sống, viễn cảnh về thất nghiệp, bị sa thải… sẽ là những năng lượng không tích cực và không có lợi cho cả tập thể. Và nhân viên trong hoàn cảnh nào vẫn luôn follow the leader, nên các anh chị CEO lại càng cần phải đứng ra để làm gương và tổ chức hoạt động này.

Xem lại tất cả báo cáo kinh doanh trong 3 năm (2 năm covid và 1 năm trước đó)

- Các thông tin bán hàng, các cuộc hội thoại trò chuyện với khách hàng, các chiến dịch truyền thông đã triển khai, các động thái thích ứng trước và trong covid đến thời điểm hiện tại. Xem trực tiếp các số liệu, các đồ thị, các hội thoại chứ không phải chỉ xem lại “cảm tính”. Khi xem lại dữ liệu, kèm theo đó là tư duy phân tích số liệu để có thể chắt lọc ra được các thông tin hữu ích. Trong các dữ liệu luôn luôn có nhiều bí mật muốn nói, và chỉ có cách phân tích và đọc dữ liệu một cách khoa học, logic, ta mới tìm ra được các bí mật đó.

- Tự mình ngồi xem lại quy trình làm việc của toàn bộ công ty, của từng phòng ban, của từng nhóm chức năng. Trực quan hết ra trước mắt để quan sát, xem xét, nếu được thì vẽ luôn thành sơ đồ chuỗi giá trị - value stream mapping. Xong nhìn xem có chỗ nào bất hợp lý, lãng phí không, cái nào có thể cắt đi cho đỡ rườm rà còn cái nào cần thêm vào cho nó hệ thống, chuyển từ cái khâu nọ sang khâu kia như thế nào cho hiệu quả?   

Anh chị CEO cứ thử nghĩ xem, bình thường áp lực vận hành công ty và đuổi doanh số, cứ “thức dậy là chạy” thì lấy đâu ra thời gian mà hệ thống hóa các thứ lại được với nhau, lấy đâu thời gian như vậy để mình rõ ràng như ngắm bản đồ, có góc nhìn chủ quan, nhưng cũng khách quan, đa chiều, chân thực, sắc nét. Sau đó từ các dữ liệu thật này đi kèm với sự nhạy bén thị trường sẽ ra được câu chuyện ta cần làm gì và làm gì tiếp theo? 

- Thiết kế ngay các chương trình truyền thông, re-marketing thật tiết kiệm, tập trung vào 2 nhóm khách hàng - nhóm các khách hàng cũ và nhóm khách hàng tiềm năng (mỗi nhóm một chương trình, kịch bản khác nhau) để luôn chủ động tạo kết nối với khách hàng để khách hàng không quên mình. Sau dịch không phải xóa game đi chơi lại từ đầu. 

- Liên tục quan sát sự thay đổi, diễn biến tâm lý, hành vi của khách hàng mục tiêu và xã hội để nhìn nhận các dấu hiệu cần thay đổi sản phẩm, dịch vụ và định hướng lại cách thức làm sản phẩm, cung cấp sản phẩm dịch vụ, hoặc tạo ra sản phẩm mới dựa trên những cái có sẵn để phục vụ nhu cầu mới của khách hàng khi covid -19 đi qua. 

2. Trường hợp quỹ dự phỏng rủi ro vừa ổn, công ty vẫn cầm chừng, trả đủ lương cho nhân viên trong vòng 6 tháng tới dù chỉ là 50% lương thì đây là cơ hội vàng để triển khai các hoạt động học hỏi và phát triển. 

- Thực ra nhắc đến đào tạo, học hỏi và phát triển, rất nhiều anh chị CEO bảo là giờ này còn tâm trí đâu nữa mà học với hỏi. Đó là một việc rất đáng tiếc nếu cách lãnh đạo không tranh thủ cơ hội này để tập trung đào tạo. Việc này cũng dễ hiểu vì khi nói đến đào tạo, tất cả lại nghĩ đến bối cảnh tổ chức một lớp học tập trung, nghe một ông trainer giảng về một nội dung gì đó. Điều đó khẳng định ngay là một sự lãng phí và xa xỉ trong lúc này. 

- Các giải pháp học tập tốt nhất là theo hình thức project based learning. Các project chính là các vấn đề mà các anh chị CEO đã xác định được các điểm GAP khi quan sát chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ, rồi từ đó lập các team dự án làm cải tiến để khắc phục hay giải quyết các GAP đó cho doanh nghiệp. Thông quan việc này, một mũi tên sẽ trúng 02 đích, thông qua project - dự án để cho chính đội ngũ của công ty biết mình thiếu và yếu ở điểm nào khi giài quyết các vấn đề, và thứ nữa là dự án sẽ giải quyết luôn các vấn đề mà CEO đã nhận diện sau khi tĩnh tâm ngồi quan sát lại hết một lượt.

- Không có bất kỳ cơ hội nào trước covid mà cả công ty không phải chạy số mà được ngồi lại với nhau để biến thành một “team cải tiến” siêu to khổng lồ như vậy. Ý nghĩa của hoạt động học hỏi và phát triển theo dự án trong bối cảnh Covid19 là như vậy.

3. Trường hợp mà quỹ dự phòng ở mức rất ổn, hoàn toàn có thể triển khai kết hợp cả kịch bản 1 và kịch bản 2 ở trên. Tức là vừa ra soát lại 1 lượt chuỗi giá trị của doanh nghiệp, vừa tổ chức thành các nhóm dự án cải tiến để giải quyết các GAP trong quá trình vận hành.

Và thêm một ý nữa, có thể có cơ hội đi M&A - mua bán sát nhập thêm các công ty của đối thủ hoạt động tương tự trong lĩnh vực của doanh nghiệp. Sau đó triển khai các hoạt động cải tiến lại hệ thống quản trị và vận hành để công ty đó tinh gọn hơn, có nội lực để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chơi mới sau dịch. 
Theo đúng kểu chiến lược trên thị trường chứng khoán, khi chỉ số thị trường VNINDEX càng đỏ, thì lại càng phải mua vào :) Nói vui vậy thôi, nhưng cũng không phải là ý tưởng tồi nếu như phân tích cơ bản về doanh nghiệp tốt và cần mở rộng thị trường, doanh thu sau thời kỳ “reset to zero” kết thúc.

Muốn kiếm cái ảnh ông nào mặc comple lên sàn đấu với Covid19 mà không có, nên thôi mượn tạm cái ảnh như vậy, xem chừng vẫn có tẹo liên quan.

Chúc các anh chị CEO vững tay chèo.

Tác giả: Nguyễn Tiến Đông - Giám đốc Chiến lược Tập đoàn giáo dục EQuest