Lẽ ra khu vực dải đất hẹp miền Trung phải là nơi những cánh rừng phòng hộ được bảo vệ và giữ gìn như các tấm chắn mưa lũ nhanh chóng đổ xuống hạ lưu vì đặc trưng địa hình dốc và ngắn ở đây.
Nhưng không. Các quy hoạch thủy điện nhỏ, hạng ruồi, hạng cóc, đã băm nát nhiều cánh rừng từ Quảng Nam ra đến Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Người ta xây thủy điện với lý do điều tiết lũ, nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lợi từ cây rừng bị chặt phá là chính, rồi sau đó có thể là năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Nhưng vô hình chung, khi họ phá rừng thì cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước.

Đây là bài viết của ông Trần Quốc Thành - GĐ Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An - nói thẳng nói thật về vấn đề này:

Thủy điện cóc là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này các doanh nghiệp rất ham và kéo theo một số lãnh đạo có quyền rất mê!
Nhưng nếu đầu tư ở khu vực miền Trung nhất là Bắc Trung bộ thì đúng là lợi bất cập hại! Vì rằng đây là khu vực có địa hình độ dốc lớn, sông ngắn lại là nơi tập trung vào nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên! Hơn nữa địa chất ở vùng này phần lớn thuộc nhóm đất dễ sạt lở!
Việc đầu tư ở đây vừa góp phần phá rừng hợp pháp lại ở nơi đầu nguồn là chính! Hơn nữa, lại góp phần gây ngập lụt và thiếu nước ở hạ du! Vì mùa khô hạ du cần nước thì thủy điện lại tích, mùa lụt hạ du thừa nước thì lại xả vì dung tích thấp không thể tích!
Bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW tiêu tốn 1 ha rừng đầu nguồn. Ví dụ dự án Rào Trăng 3 công suất 11 MW chiếm mất 11 ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên Huyện Phong Điền và đầu tư hết 290 tỷ VND ( theo báo cáo đăng ký).
So với điện mặt trời thì sao nhỉ?
Để xây dựng nhà máy điện 1 MW điện mặt trời cần khoảng 0,6 ha. Giả sử công suất hữu ích khoảng 50% thì cũng chỉ mất 1,2 ha đất! Như vậy so với thủy điện là tương đương vì thủy điện công suất hữu ích cũng khoảng 70% là quá oách! Mà đất giá trị canh tác nông nghiệp thấp ở vùng miền Trung cũng như Bắc trung bộ đầy! Suất đầu tư của hai hình thức này cũng ngang nhau!
Sao cứ phải nhăm nhe lên rú?! Hay ngoài xả nước hái tiền thì còn có thứ đàng sau dự án là tận dụng gỗ rừng khi tích nước?! Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 11 dự án thủy điện cóc tổng công suất chỉ 105 MW! Rất cần rà lại để loại bỏ không chỉ ở tỉnh này mà tất cả!
Nghệ An, thời gian qua nhờ sự phản biện của các nhà khoa học mà đã loại bỏ tối đa các dự án thủy điện cóc thể hiện sự tiếp thu, cầu thị của lãnh đạo tỉnh!
Tác giả: Trần Quốc Thành - GĐ Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An