Tào Tháo: Làm năng thần hay gian hùng? (phần 2)

Trở thành nhân vật, là tố chất; ở vào thời nào lại là vận khí. Vận khí Tào Tháo không tốt, Tào Tháo ở vào thời loạn, là gian hùng, e đó là điều định sẵn.

10-cau-noi-cua-tao-thao-606x405-1618326889.jpg

Phần 1: Tào Tháo: Làm năng thần hay gian hùng?

Thực tình thì ngay từ đầu, Tào Tháo đã muốn là năng thần. Năm 174 Công nguyên, hai mươi tuổi, Tào Tháo được cứ là hiểu liêm. Hiểu là hiểu tứ, liêm là liêm sỉ, có được xưng hiệu đó là có được bước thứ nhất vào chốn quan trường, giống ngày nay có bằng cấp là có khả năng thi làm quan chức. Ít lâu sau, Tào Tháo được bổ nhiệm làm Bắc bộ uý thành Lạc Dương, phụ trách trị an phía bắc thành Lạc Dương. Là chức quan không to (bổng lộc 400 thạch), quyền không lớn, nhưng trách nhiệm lại rất nặng, rất nhiều phiền hà. Dưới chân thiên tử, quyền quý đông đúc, đố ai dám đụng tới họ!


Nhưng công việc trị an trên phần đất kinh đô không thể không duy trì. Nên vừa tới nhiệm sở, Tào Tháo đã thay mới toàn bộ viên chức nơi nha môn, cho làm nhiều chiếc gậy năm mầu, treo ở mỗi bên cửa lớn mười chiếc. “Ai phạm lệnh cấm, kể cả cường hào, đều bị đánh chết”. Sau đó mấy tháng, quả nhiên có người tìm đến xin chết. Đó là chú của hoạn quan Kiển Thạc được Linh đế sủng tín. Ỷ thế có đứa cháu miệng thét ra lửa, hắn không thèm để ý tới lệnh cấm của Tào Tháo, ngang nhiên vi phạm lệnh cấm đi đêm. Tào Tháo rất tỉnh táo, lập tức cho lấy gậy năm màu đánh chết hắn. Đúng là giết một, hàng trăm người phải sợ, “kinh đô thu mình lại yên ổn không ai dám phạm”, tình hình trị an chuyển biến tốt, Tào Tháo làm chấn động cả trong triều ngoài dã.


Chừng từ năm 174 xuống núi, năm 189 khởi binh, trong vòng mười lăm năm, Tào Tháo vẫn còn muốn là năng thần. Tào Tháo từng là Bắc bộ uý Lạc Dương, Tế Nam tướng (thành cổ ở phía đông huyện Lịch Thành, Sơn Đông ngày nay), Điển quân Hiệu uý… Trong đó, một lần bị miễn chức, hai lần từ quan, ba lần bị triệu làm Nghị lang.
Trong chốn quan trường chìm nổi, Tào Tháo đã hiểu rõ mọi chuyện trong triều và quan viên. Tào Tháo thấy rõ, vương triều Đông Hán đã hết thuốc chữa, thiên hạ đại loạn không thể thay chuyển. Và dù không loạn lạc, thì triều đình và quan trường hủ bại kia cũng không cần có “năng thần trị thế”. Tào Tháo từng dâng thư lên triều đình, nói hết mọi điều tệ hại, nhưng như cát lún xuống không có hồi âm. Là Lạc Dương uý, Tào Tháo hành luật nghiêm minh, đả kích cường hào; là Tế Nam tướng, Tào Tháo trị quan sạch dân, địa phương yên bình. Tất cả những điều đó, vẫn chưa đủ để có thể chỉnh đốn triều cường, thay đổi tình thế, cũng chưa thể có nhiều ảnh hưởng.


Mọi cố gắng của Tào Tháo cho vương triều sắp tàn lụi, đều như muối bỏ biển, chẳng nên công cán gì, đối với bọn quyền thần hoành hành bá đạo thì chỉ như châu chấu đá voi, trứng chọi với đá. Sở dĩ Tào Tháo còn chưa bị hoạ sát thân vì đằng sau còn có Tào Đầng chống đỡ. Lúc này triều đình lại mượn cớ Tào Tháo “thông tỏ cổ học” nên nhiều lần để Tào Tháo nhận chức Nghị lang, nhàn rỗi có chức không quyền, triều đình không trọng dụng.


Một lần nữa, Tào Tháo không thể không nghĩ lại về chọn lựa con đường của đời mình.
Xem ra, không thể là năng thần trị thế, đành phải là gian hùng vậy…


Kỳ thực, là gian hùng sẽ càng “dễ nghiện” hơn là năng thần. Trung mà vô năng là ngu tối, năng mà không trung là gian, đều không là năng thần. Nhưng chỉ là vừa trung vừa năng, thì chưa đủ, còn phải được mọi người thừa nhận. Rất khó để có được điều kiện thứ ba. Vì vậy, nghi ngờ năng lực của người khác là thứ bệnh thông thường của quan trường; nghi ngờ bề tôi không trung là căn bệnh thông thường của đế vương. Vì vậy năng thần có kết cục tốt trong lịch sử là không nhiều. Khi sống không bị giáng chức thì khi chết cũng bị chửi, là năng thần mà khi sống lẫn khi chết đều không bị người đời đàm tiếu, e chỉ có mình Gia Cát Lượng…

(Trích từ “Luận anh hùng” – tác giả Dịch Trung Thiên).

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/tao-thao-lam-nang-than-hay-gian-hung-phan-2-a7829.html