Ngành nông nghiệp có gì mà thu hút "các ông lớn" đầu tư đến vậy?

Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông… và mới đây, Hòa Phát, Thế Giới Di Động cũng gia nhập và đầu tư vào mảng nông nghiệp công nghệ cao. 

Biến "khó khăn" thành "cơ hội"
Đặt trong bối cảnh chung hiện nay thì Việt Nam vẫn đang là nước duy trì tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, chính điều này đã tạo ra lợi thế giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, và cung ứng nông sản không chỉ riêng cho thị trường Việt Nam mà còn cho thị trường thế giới. 
Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp có nhiều thế mạnh về khí hậu, các giống cây trồng, vật nuôi. Thậm chí, có nhiều nông sản mà nhiều quốc gia không có. Tuy nhiên, ​do cách làm manh mún, thiếu hiệu quả trong suốt bao nhiêu năm qua, dẫn đến ngành nông nghiệp nước nhà vẫn đang loay hoay với bài toán về chất lượng thực phẩm đảm bảo sạch, an toàn, cho năng suất cao và tạo chỗ đứng cho sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới. 
Ở thị trường trong nước, người tiêu dùng ngày càng lo ngại về chất lượng thực phẩm, do đó nhu cầu thực phẩm sạch cũng trở nên cao hơn bao giờ hết. 
"Hãy nghĩ đến viễn cảnh mà chúng ta có thể dễ dàng mua được những thực phẩm tươi mới, có xuất xứ rõ ràng, thông tin đầy đủ ngay từ trên mạng, được phân phối trong những hệ thống bán hàng rộng khắp của công ty hoặc giao tận nhà để có thể chuẩn bị các bữa ăn thơm ngon, đầy chất dinh dưỡng…",  theo như ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Di Động chia sẻ.

Đây chính là thời điểm mà nông nghiệp Việt Nam cần một diện mạo mới, đòi hỏi cần có sự đổi mới trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để làm ra sản phẩm an toàn, năng suất cao để cung cấp ra thị trường.
Theo như đề xuất của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, thì đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể triển khai nhanh chóng công nghệ số; tái cấu trúc sản xuất, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số như: số hóa nông nghiệp, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, mã vùng... Để nắm lấy "cơ hội" cũng như vượt qua khó khăn do tác động từ dịch Covid-19, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, đây là lúc thích hợp nhất để số hóa nông nghiệp. Số hóa nông nghiệp giúp cơ quan nhà nước kiểm soát sản xuất, xuất khẩu, cân đối cung cầu, truy xuất nguồn gốc bằng số hóa...
Mặc dù có những khó khăn, thách thức khi mới gia nhập vào ngành nông nghiệp nhưng những cơ hội mà ngành mang lại cộng với sức hút về sự phát triển bền vững trong dài hạn đã khiến “các ông lớn” cùng đồng loạt xắn tay xây dựng các dự án nông nghiệp với quy trình công nghệ cao. 
Trong quá khứ, Hòa Phát đã thành công vang dội khi rẽ ngang từ doanh nghiệp sản xuất máy xây dựng sang sản xuất thép. Còn về mảng nông nghiệp, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT  CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng tạo dựng nên một niềm tin vững chắc: “Về lĩnh vực nông nghiệp, tôi có thể tổng kết ngắn gọn, chúng ta không đặt mục tiêu lợi nhuận trước mắt, nhưng mọi việc vẫn đang triển khai đúng kế hoạch. Mong các nhà đầu tư yên tâm, bình tĩnh vì mọi việc đã nằm trong định hướng, kế hoạch, chiến lược của tập đoàn”, ông Long từng bày tỏ.
Trong những năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên 11.800 đơn vị. Hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đều góp mặt và đầu tư trải dài khắp vùng miền, tạo động lực lớn trong phát triển nông nghiệp. Đây cũng là động cơ thúc đẩy nhà nước ta xây dựng và hoàn thiện các chính sách, khung cơ chế nhằm mục đích khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Nhờ có sự hỗ trợ từ Chính phủ đưa ra nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy “các ông lớn” dấn thân và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết, hiện đã đưa ra các chương trình hành động và giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, giúp tăng cường kết nối với nhà mua trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà mua lớn như Central Group, AEON, Vincommerce thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước. Cùng với đó, hợp tác với một số sàn thương mại điện tử (Sendo) cung cấp giải pháp tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng offline. Đồng thời, tăng cường vai trò kết nối, cung cấp thông tin thị trường trong nước và quốc tế đầy đủ, nhanh, chính xác để thành viên chủ động khai thác thị trường tiềm năng…

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/nganh-nong-nghiep-co-gi-ma-thu-hut-cac-ong-lon-dau-tu-den-vay-a7765.html