Thứ 3 ngày 24 đẫm máu của thị trường vàng và những chỉ dấu của cuộc khủng hoảng kinh tế mới

Thế giới đang bước vào cuộc khủng hoảng mới. Khủng hoảng lần này khác 2008 chỉ là kinh tế, lần này là con người , tiền mặt thì thời điểm này ngân hàng đang thừa, vàng thì khi khủng hoảng ai cũng nghĩ đến nó, nhưng mọi hoạt động tê liệt vàng cũng như đồng, bất động sản thời điểm này không ai dám đầu tư.

Ngày đẫm máu của thị trường vàng
1. Thị trường vàng, nơi yếu tố đầu cơ cao và phơi bày khá rõ tâm trạng nhà đầu tư, có điều gì đó kỳ lạ đang diễn ra. Ngày 24/03 giá vàng tài khoản Spot đang ở mức giá 1.560$/Oz, ngày 25/3 nhảy vọt lên mức lên 1.640$ tăng 80$/Oz và đóng ở mức 1.614$. Giá vàng nhảy nhót khá điên làm thị trường hoảng loạn: Giá mua - giá bán chênh lệch nhau có lúc 16$/Oz trong khi thông thường chỉ 0,5-1$. Có thời điểm: Giá vàng Spot Mua 1.596 bán 1.612, giá vàng Future Hợp đồng tháng 4/2020 lên 1.668$! Cảm giác đầu tiên: Bán Short Future và Mua Long Spot hưởng lợi 40%/năm tức gần 3,5%/tháng. Một con số trong mơ!!!
Nhưng không… một rào cản kỳ lạ đã dựng lên: hầu như tất cả các hợp đồng Future đều yêu cầu giao hàng vật chất. Điều chưa bao giờ có! Thông thường tỷ lệ này là 1%. Diễn biến này có thể làm sập thị trường toàn cầu.
Các sàn giao dịch vàng đã khẩn cấp thay đổi luật giao hàng, kéo dài thời gian nhưng cũng không cứu được: giá vàng vật chất nhảy lên mức 1.760$/Oz và hiện là khoảng 1.672$/Oz (Thông thường giá vàng vật chất chỉ cách biệt giá vàng Spot 1-2$).
Thị trường vàng hoảng loạn đến mức một số sàn giao dịch ngưng cấp (quote) giá luôn!
Sự kiện vô tiền khoáng hậu.
Chắc chắn ngày 24/3 vừa qua là một ngày thị trường vàng đẫm máu nhiều traders/speculators.
Lý do vì sao? Người thì bảo bởi London, trung tâm vàng thế giới, đóng cửa (Lockdown) do Covid-19. Kẻ thì nói do kinh tế khủng hoảng bởi Covid-19 nên vàng vật chất thành nơi trú ẩn lý tưởng làm tăng cầu đột ngột. Chỗ thì nói do bàn tay lông lá của ai đó nhân lúc loài người bận rộn vì Covid-19 tranh thủ khuấy đảo. Nơi thì đồn bởi những con số QE khủng bố chống Covid-19 của các nền kinh tế lớn và cuộc chiến tranh tiền tệ. Chốn thì bởi các lý do địa chính trị của thuyết âm mưu mượn bàn tay Covid-19.
Kể lại câu chuyện mới xảy ra này để thấy:
a. Thị trường tài chính tiền tệ và hàng hoá đang rung động bởi con Covid-19. Dù căn nguyên không chỉ nó gây nên.
b. Chúng ta đang dành quan tâm cho Covid-19 rất nhiều. Rất nhiều thứ có thể sẽ được đổ lên đầu con Covid-19 hay ai đó “hùn gió bẻ măng” lẳng lặng đục nước béo cò nhờ con Covid-19 thực hiện hay che dấu. Câu chuyện trên nếu của ngày thường chắc sẽ là tin nóng toàn cầu.
c. Chúng ta đang là chứng nhân của lịch sử. Sau đại dịch nhiều thứ sẽ thay đổi trong trật tự thế giới, cách thức quản trị của các chính phủ và hành vi tiêu dùng, sinh hoạt của người tiêu dùng.
2. Một số nhận xét – mỗi nhận xét là đề tài của câu chuyện dài – ghi ra để nhớ:
a. Khủng hoảng 2008 là khủng hoảng tài chính, tội đồ là thị trường tiền tệ: cho vay mua nhà dưới chuẩn. Sự bùng phát của Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng (Supply Chain), thay đổi hành vi tiêu dùng (Consumption) khởi tạo khủng hoảng 2020. Điểm chung của 2 cuộc khủng hoảng là sự bất định cấp độ 3-4 và sự thay đổi khá căn cơ của thị trường sau đó.
b. Suy thoái kinh tế là chắc chắn. Vấn đề chỉ là sâu hay không và kéo dài bao lâu? Lạc quan nhất là hồi phục từ 2021. Có vẻ như mọi người gắn với diễn biến của dịch Covid-19. Không chỉ và không hẳn! Hãy cầu mong để suy thoái kinh tế không kéo theo khủng hoảng hệ thống tài chính tiền tệ vốn bị thổi phồng thành quả bong bóng bởi chính sách nới lỏng kéo dài suốt hơn 10 năm qua, đặc biệt là Bảng TKTS các NNTW. Nếu điều ấy xảy ra không khác gì đã bị kiết lị lại thêm thương hàn.
c. Chúng ta đang và sẽ chứng kiến thiếu hụt thanh khoản USD. Toàn cầu đã Short-Sell USD. Bây giờ đang cuống cuồng thu về đóng trạng thái. Không phải tình cờ FED mới cấp swap line UNLIMITED cho 5 ngân hàng trung ương vốn có hạn mức lâu năm là BoE, ECB, BoJ, SNB và BoC và cấp thêm hạn mức 450 tỷ cho 9 ngân hàng Trung ương khác. Bản thân FED cũng đã thực hiện “nới lỏng định lượng” (tức là phát hành thêm tiền) 700 tỷ USD, gói cứu trợ 2.000 tỷ USD và tuyên bố sẵn sàng thực hiện mua lại các loại tài sản như trái phiếu chính phủ, đô thị và doanh nghiệp, MBS, thương phiếu, ETF v.v KHÔNG GIỚI HẠN HẠN MỨC tại Mỹ. Hành động này lần đầu thực hiện năm 2008 đã được coi là vô tiền khoáng hậu khi FED trực tiếp “truyền máu” vào thị trường vốn thì nay có vẻ như là bình thường. Ý tưởng v.v FED có nên mua cả các tài sản ngoài nước để tạo thanh khoản bên ngoài nước Mỹ đang làm thuyết âm mưu lan truyền.
d. Những cải cách hệ thống ngân hàng thương mại toàn cầu sau 2008 theo hướng siết chặt hơn đã làm tác dụng truyền dẫn chính sách tiền tệ của các ngân hàng kém hẳn đi, các NHTM không những hoàn toàn bất lực và không động lực trong đảm bảo thanh khoản cho chính thị trường tiền tệ và thị trường tài chính mà còn tạo thêm rủi ro. Đây là hiện tượng rất nghiêm trọng, thay đổi mang tính bản chất.
e. Bên cạnh hệ thống ngân hàng đang hình thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả dưới chuẩn, và các nhà đầu tư nhỏ không chuyên nghiệp. Điều này tốt hay xấu… hãy chờ xem, dù cảm nhận lành ít rủi nhiều.
f. Doanh nghiệp nạn nhân của khủng hoảng Covid-19 là ai? Liệt kê theo ngành không đúng bản chất. Những doanh nghiệp bị nặng nhất sẽ là những đơn vị có các loại chi phí cố định bằng tiền cao theo thứ tự nguy hiểm giảm dần như sau:
- Chi phí trả lãi, trả gốc.
- Chi phí thuê mặt bằng, nhà xưởng, kho bãi, duy trì vận hành hệ thống.
- Chi phí nhân công và liên quan với DN nhiều lao động.
Những khoản chi này vẫn phà hơi thở nóng hổi vào gáy bạn mỗi ngày dù bạn “đóng băng” hoạt động kinh doanh.
Và hệ quả là dòng tiền âm => nợ xấu tăng => ngân hàng không dám cho vay => dòng tiền vẫn âm… Dòng vốn sẽ tắc. Giải pháp sẽ là câu chuyện của giải pháp phi chuẩn mực và cơ hội tái cơ cấu.
Các loại chi phí như phân bổ, khấu hao… có thể gây lỗ nặng nhưng không gây cháy nhà chết doanh nghiệp vì không làm thiếu hụt dòng tiền. Đừng sợ nó. Lúc này các doanh nghiệp phải quản lý tốt dòng tiền (Cash flow).
3. Tiền mặt trả ngay!
Làm kinh doanh chớ có quên luật chơi khắc nghiệt này.
Bao anh hùng đã xanh cỏ vì quên điều luật ấy!
Nếu bạn quản lý dòng tiền tốt thì bây giờ hãy chờ cơ hội đến
 

Tác giả: Lý Xuân Hải - Cựu CEO ngân hàng ACB

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/thu-3-ngay-24-dam-mau-cua-thi-truong-vang-va-nhung-chi-dau-cua-cuoc-khung-hoang-moi-a774.html