Hội viên quá “chăm" tập gym có đủ khiến Wefit phá sản?

Câu chuyện về sự sụp đổ của nền tảng WeWoW - WeFit đã diễn ra được hơn một tháng với nhiều nguyên nhân như COVID-19 hay khách hàng quá “siêng năng” liệu đã đủ khiến cho WeFit sớm phá sản? Sự lôi kéo khách hàng của các đối tác cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của WeFit.
Ngày 11/5 đánh dấu một ngày buồn của Founder Nguyễn Khôi khi doanh nghiệp vận hành ứng dụng liên kết WeWoW gửi thông báo đến người dùng và hệ thống đối tác là vốn hoạt động của họ đã cạn kiệt và buộc phải tuyên bố phá sản. Bức thư WeWow gửi người dùng viết: "Vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn, do đó không thể duy trì hoạt động kinh doanh và sản phẩm của mình. WeWow buộc phải dừng hoạt động tất cả các sản phẩm (WeFit/WeFit Point/WeFit Pago/WeJoy) từ 8h00 ngày 11/5/2020".
 
Wefit-pha-san

Cả đối tác và khách hàng không quá bàng hoàng khi sự sụp đổ của WeFit đã có dấu hiệu từ trước. 

Dưới đây là 3 nguyên nhân chính dẫn đến cái chết yểu của doanh nghiệp này?
Trước tiên, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là COVID-19 - nỗi sợ của bao doanh nghiệp. Dịch bệnh đến, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, việc đi làm công sở còn khó khăn nói chi là tập luyện. Người dùng không đến phòng tập gần 2 tháng trong khi chi phí vẫn tăng đều đặn. Dòng tiền lớn đã vượt quá khả năng vận hành và quản trị tài chính của đội ngũ điều hành khiến COVID-19 trở thành bão tố thật sự đối với WeFit. Cùng với hơn 34.900 doanh nghiệp thì WeFit cũng bị cuốn theo vòng xoáy này.
Tuy nhiên không phải dịch bệnh thì doanh nghiệp này cũng bị đánh sập. Nguyên nhân sụp đổ của WeFit đa phần xuất phát từ chính cách thức kinh doanh của họ. 
Mô hình kinh doanh của WeFit là kinh tế chia sẻ dạng “buffet phòng tập", nghĩa là người dùng được tập KHÔNG GIỚI HẠN số lần trong tháng khiến người dùng thấy “quá hời". Tuy nhiên yếu điểm của mô hình này là WeFit lại trả tiền THEO LƯỢT cho các phòng tập đối tác. Điều này có nghĩa là người dùng càng chăm chỉ tập luyện thì WeFit càng lời ít, thậm chí phải bù lỗ để sinh tồn. Mô hình này về mặt lý thuyết thì giúp tối ưu chi phí vận hành nhưng với những khách hàng “yêu thể thao vô độ" như tại thị trường Việt Nam thì ưu điểm này lại là cái thóp của doanh nghiệp. CEO của WeFit chia sẻ bên cạnh những khách hàng tập có chừng mực thì cũng có trường hợp nhiều người dùng chung một tài khoản, có những tài khoản đạt hơn 100 lượt tập mỗi tháng, cao nhất là 202 lần/ tháng. Đối phó với tình trạng này, WeFit đã cắt giảm số buổi giới hạn trong tháng đối với các phòng tập bằng cách quy sang trừ điểm cho mỗi lượt tập. Còn đối với các phòng tập thì WeFit phải thanh toán công nợ chậm hơn bình thường để cân đối tài chính. 
Việc trả tiền tập kiểu buffet nhưng thực tế lại tập buổi nào tính tiền buổi đó, hàng loạt phòng tập xịn xò cũng ngừng liên kết với WeFit khiến khách hàng phẫn nộ. WeFit ôm cả rổ gạch đá trên các diễn đàn, mạng xã hội. 
 Wefit-tap-luyen-moi-luc-moi-noi

WeFit bắt đầu gặp những vấn đề trong cách thức vận hành và gặp phải sự phản ứng từ người dùng cũng như đối tác.

Một nguyên nhân cũng khá quan trọng, nhưng ít ai quan tâm đó là WeFit bị “cướp khách” hàng từ chính các đối tác. Thông thường khi hội viên muốn tập một môn thể thao nào đó thì ngoài đăng ký lịch tập trên ứng dụng WeWoW, họ còn phải để lại thông tin cá nhân ở phòng tập trước mỗi buổi tập.
Ung dung WeWoW

Người tập phải để lại thông tin cá nhân nếu phòng tập đối tác WeFit yêu cầu

Nhiều người bạn của tôi sau vài tháng trải nghiệm dịch vụ buffet phòng tập của WeFit thì nhận được nhiều cuộc gọi mời chào gói tập từ các bên phòng tập đối tác của Wefit. Với lợi thế phòng tập hiện đại, sang chảnh phù hợp với người trẻ lại còn mức giá rẻ hơn WeFit, các đối tác này nhanh chóng chiếm được cảm tình với nhiều hội viên của WeFit. 
Bên cạnh đó, vòng lặp truy cập ứng dụng WeWoW để chọn phòng tập rồi lại thất vọng phòng mình ưng ý đã hết lượt tập cho phép khiến người dùng không còn mặn mà. Ngay lúc này, lợi thế  linh hoạt “Tập luyện mọi lúc mọi nơi” của WeFit đã không thắng nổi lợi thế ổn định với phòng tập hiện đại, giá rẻ của nhiều phòng tập khác. Điều gì đến cũng đến, nhiều người nhanh chóng chuyển từ hội viên của WeFit sang hội viên của một phòng tập cố định nào đó. Điều này góp phần không nhỏ khiến WeFit nhanh đến ngày phá sản.
Như vậy, tóm lại có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của WeFit là COVID-19, mô hình kinh doanh chưa chặt chẽ cộng với quản lý khách hàng lỏng lẻo. COVID-19 là điều khó tránh khỏi nhưng với 2 nguyên nhân vì yếu thế của buffet phòng tập và việc khách hàng bị lôi kéo là điều các startup nên lưu tâm trong công tác quản trị. Những biện pháp thêm hình ảnh chủ thẻ trên thẻ tập cứng để dễ dàng kiểm soát ra vào phòng tập hay tạo lợi thế cạnh tranh độc đáo để khách hàng không dễ dàng từ bỏ chỉ vì giá cả là những điều mà các startup nên tính toán kỹ hơn nữa.

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/hoi-vien-qua-cham-tap-gym-co-du-khien-wefit-pha-san-a6254.html