Chân dung ái nữ của bà Cao Thị Ngọc Dung – người vừa được bầu vào ban lãnh đạo PNJ

Bên cạnh lý lịch học vấn siêu khủng, hiện con gái Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung cũng sở hữu 5,7 triệu cổ phần PNJ, tương đương 2,5% vốn của doanh nghiệp trang sức lớn nhất Việt Nam.
Trong kỳ đại hội cổ đông mới đây của PNJ, bà Trần Phương Ngọc Thảo, cùng Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải, CEO Talenet Tiêu Yến Trinh đã được bầu vào ban lãnh đạo của PNJ. Đáng chú ý bà Trần Phương Ngọc Thảo chính là con gái của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ.
Không sở hữu vẻ ngoài nổi bật như nhiều kiều nữ khác, song cô gái sinh năm 1984 này lại gây được sự chú ý lớn của dư luận bởi chính khả năng, trí tuệ và sự tài giỏi của mình. Mặc dù sinh ra và lớn lên trong gia đình bề thế, nhưng Ngọc Thảo vẫn khiến người khác phải nể phục bởi bảng thành tích "khủng" mà ít ái nữ nhà đại gia Việt nào đạt được.
Ít người biết, Trần Phương Ngọc Thảo là sinh viên Việt Nam đầu tiên được kết nạp Đảng tại Mỹ.

Trần Phương Ngọc Thảo là sinh viên Việt Nam đầu tiên được kết nạp Đảng tại Mỹ.
Năm 1999, Trần Phương Ngọc Thảo sang New Zealand du học khi vừa tốt nghiệp lớp 9. Không giống bạn bè cùng trang lứa, Ngọc Thảo lập tức đăng ký theo học từ học kỳ 2 của lớp 10, sau đó sang lớp 11 lại đăng lý học dồn lớp 12. Kết quả là Ngọc Thảo chỉ mất 1,5 năm để hoàn thành 3 bậc học THPT thay vì 3 năm như những người khác.
Không chỉ dừng lại ở đó, Ngọc Thảo còn đứng thứ 7 trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia toàn New Zealand và cô được tuyển thẳng vào Đại học Oxford - ngôi trường đại học vô cùng danh giá ở Anh.

Trần Phương Ngọc Thảo trong lễ nhận bằng tốt nghiệp Tiến sĩ tại đại học Havard
Tại đây, Trần Phương Ngọc Thảo tiếp tục tốt nghiệp loại ưu và lọt top 5 sinh viên xuất sắc của trường. Cô cũng là một trong những sinh viên hiếm hoi được các giáo sư tại Đại học Oxford viết thư giới thiệu vào học tại Harvard - trường học danh tiếng nhất tại Mỹ.
Bên cạnh đó, Ngọc Thảo còn được 5 trường chấp nhận tuyển thẳng làm nghiên cứu tiến sĩ. Đó là các trường Harvard, North Westhern (Mỹ), Cambridge, London Economic School và Oxford (Anh). Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đồng ý tài trợ học bổng toàn khóa học cho Ngọc Thảo.
Sau đó, ái nữ nhà ông Trần Phương Bình tiếp tục sang Mỹ để học tiến sĩ tại Đại học Havard. Ở đây, cô không chỉ tiếp tục khẳng định tên tuổi của mình bằng thành tích học tập mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là tham gia các Hội thanh niên, sinh viên Việt. Ngọc Thảo trở thành niềm tự hào và tấm gương sáng cho các du học sinh Việt.
Trở về Việt Nam, Thảo từng có hai năm làm giảng viên tại Đại học Kinh tế TP. HCM, sau đó đảm nhiệm chức quản lý tại Ngân hàng Đông Á và ANZ Banking Group (Úc). Hiện tại, bà Thảo cũng đang nắm giữ 5,74 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương 2,5% cổ phần đang lưu hành.
Khi trở về PNJ, công việc đầu tiên của bà Thảo là làm trợ lý tổng giám đốc cho ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc PNJ, sau đó chuyên trách tham mưu, thực hiện và quản lý việc thực thi quá trình chuyển đổi số.
Hiện bà Thảo đảm nhiện vị trí Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số hóa PNJ và mới đây trúng cử Hội đồng quản trị PNJ.
Chia sẻ với báo chí về quyết định trở lại Việt Nam và gia nhập PNJ, bà Thảo cho biết năm 2017 bà nhận thấy hoạt động và môi trường kinh doanh của PNJ chưa đủ cuốn hút nhưng sau 3 năm cân nhắc bà quyết định về Việt Nam và gia nhập vào PNJ từ tháng 11/2019.
"Một phần quyết định này đến từ việc tôi đánh giá cơ hội bản thân có thể tạo ra tác động ở Việt Nam sẽ lớn hơn ở nước ngoài", bà Thảo nói.
Bà Thảo cũng cho biết thời gian ở Australia, bà từng tìm hiểu về chuyển đổi số và nhận định đây là một làn sóng lớn, ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp. Việt Nam là thị trường phát triển sau nhưng quyết tâm lẫn tốc độ chuyển đổi lại rất nhanh.
Bà cho rằng với quy mô lớn cùng độ linh hoạt và nhân sự trẻ của PNJ sẽ cực kỳ thích hợp với quá trình chuyển đổi số này.
"Tôi vào công ty vì cho rằng đây thời điểm thích hợp, hơn nữa cũng là môi trường thích hợp cho mình thực hiện những ước mơ lớn hơn", bà Thảo cho hay.
Chia sẻ thêm về vị trí Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số hoá và mới đây là Thành viên HĐQT PNJ, bà Thảo tiết lộ đã có sự chuẩn bị nhất định cho vị trí này, và nhấn mạnh cả hai vị trí đều là bước tiến đáng kể trong sự nghiệp của bà.
“Nhận công việc nào tôi cũng làm hết mình nên áp lực là đương nhiên, bởi thế rất khó so sánh khối lượng, áp lực giữa tổ chức này với tổ chức kia. Tuy nhiên tôi học được cách cân bằng và quản lý quỹ thời gian để mình lúc nào cũng giữ được tâm thế thong dong nhất”, bà Trần Phương Ngọc Thảo cho biết.
Với những bước tiến nhanh tại PNJ, bà Thảo phủ nhận việc “mẹ truyền con nối” vì nếu có thì bà hẳn đã phải trở về Việt Nam từ 3 năm trước.
Là người trẻ nhất trong HĐQT của PNJ, bà Thảo cho biết bà không cảm thấy áp lực về vấn đề tuổi tác mà chỉ lo lắng về kinh nghiệm và hiểu biết về đặc thù ngành kinh doanh trang sức.
Ngoài bà Thảo, HĐQT của PNJ hiện gồm có: Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT; ông Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch HĐQT PNJ; ông Lê Hữu Hạnh, Thành viên HĐQT; bà Đặng Thị Lài - thành viên HĐQT; bà Huỳnh Thị Xuân Liên, thành viên HĐQT độc lập; ông Lê Quang Phúc, thành viên HĐQT độc lập.
 

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/chan-dung-ai-nu-cua-ba-cao-thi-ngoc-dung-nguoi-vua-duoc-bau-vao-ban-lanh-dao-pnj-a5403.html