Những ông trùm tài chính Việt Nam (phần 8): bí ẩn Đỗ Anh Dũng - Tân Hoàng Minh

Đang ở ‘ngôi vương” kinh doanh taxi V20, Tân Hoàng Minh bất ngờ chuyển sang đầu tư bất động sản siêu sang và thâu tóm nhiều dự án mới. Chừng đó khiến dư luận càng tò mò, tìm hiểu năng lực bí ẩn của Tân Hoàng Minh.
Khi đã nổi danh, thậm chí còn được gọi là “ông hoàng” của bất động sản hạng sang, nhưng Tân Hoàng Minh dường như vẫn là một ẩn số với rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: làm thế nào Tân Hoàng Minh có thể sở hữu nhiều khu đất ở vị trí đắc địa nhất Thủ đô? Liệu Tân Hoàng Minh có đủ năng lực tài chính để triển khai các dự án như vậy không? Thậm chí, khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, dự án siêu sang đầu tay là D’. Palais de Louis phải tạm gác lại kế hoạch kinh doanh thì ngay cả người lạc quan nhất cũng không khỏi quan ngại liệu tập đoàn có thể trụ lại được hay không?
Nhưng kinh doanh bất động sản thì chỉ vốn tự có thôi chưa đủ. Phải có “hậu thuẫn”, đó là ngân hàng, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư và đặc biệt là từ khách hàng. Ông có bí quyết gì để thu hút các nhà đầu tư và ngân hàng cùng rót vốn? Hỏi cắc cớ vậy, nhưng ông Dũng chỉ mỉm cười: “Đơn giản là vì họ thấy dự án sẽ thành công”. Là nói vậy, chứ những ai kinh doanh đều hiểu ông Dũng hẳn phải có năng lực khác biệt lắm mới thuyết phục được các ngân hàng và nhà đầu tư dốc hầu bao cho mình. Ngân hàng thẩm định kỹ càng lắm và nếu không có thực lực, ông Dũng chẳng thể bắt tay những nhà đầu tư và nhà tài chính sừng sỏ như SHB hay Techcombank.
“Người thợ may” khéo léo
Ông Dũng nói kinh doanh bất động sản mà chỉ có vốn mạnh, đất đẹp thôi thì chưa đủ. “Nhà phát triển dự án giỏi là làm sao tối đa hóa được giá trị và lợi ích của khu đất,” ông Dũng chia sẻ. Điều này đòi hỏi phải có kinh nghiệm và tầm nhìn xa. Ví như khu đất ở Quảng An trước đây có kế hoạch xây khách sạn nên giá khá rẻ, nhưng khi chuyển đổi xây căn hộ để bán thì giá trị tăng lên nhiều lần. “Tôi cũng giống như một người thợ may”, ông Dũng ví von.
Cũng phải. Mảnh vải là những khu đất. Với mỗi mảnh vải có chất liệu khác nhau, cái tài của người thợ may là làm sao may được chiếc áo đẹp nhất. Còn cái tài của ông Dũng chính là biết cách biến các dự án của mình trở thành những sản phẩm độc đáo, mang hồn cốt riêng và giá trị tăng lên tối đa. Chẳng hạn, D’. Le Pont D’or có giá bán trên 41 triệu đồng/m2, nhưng D’. Le Roi Soleil có giá gấp đôi, còn D’. Palais de Louis thì lại gấp tới ba lần.
Nhưng dù ở mức giá nào, thì các dự án của Tân Hoàng Minh đều để lại những dấu ấn khác biệt với kiến trúc độc đáo, thiết kế công năng phù hợp và được hoàn thiện tỉ mỉ đến từng chi tiết. Với ông, mỗi bất động sản gắn với chữ “D” phải vừa đẹp, vừa bền vững, như những “kiệt tác vượt thời gian”. Coteccons là nhà thầu xây dựng lớn nhất và có uy tín nhất Việt Nam hiện nay nên thường chỉ chọn đối tác là các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh. Việc Tân Hoàng Minh hợp tác với Coteccons đã chứng minh “tầm” của Tân Hoàng Minh lớn thế nào.
“Tôi không quá quan tâm đến giá trị gói thầu này lớn hay nhỏ, mà tôi rất ấn tượng với những những ý tưởng khác biệt của Tân Hoàng Minh,” ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Coteccons đã nói như vậy tại lễ ký kết tổng thầu xây dựng dự án D’. Capitale do Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư.
Làm cách mạng để…cất cánh
Ông Dũng là người “bảo thủ”, không phải người khác nói xấu mà ông tự nhận. “Bảo thủ” vì suốt một thời gian dài, ông Dũng chỉ đầu tư những dự án ở nội đô Hà Nội. Nhưng bất ngờ vì mới đây, Tân Hoàng Minh đầu tư dự án D’. Capitale và tiếp tục mua một dự án rộng 200ha ở khu vực phía Tây thành phố. Ông cũng rời bỏ “lối mòn” là chỉ đầu tư dự án quy mô nhỏ và vừa mà thay vào đó, D’. Capitale là một tổ hợp lớn với hơn 2.000 căn hộ, officetel, trung tâm thương mại, trường học, phòng khám. Đồng thời, Tân Hoàng Minh còn hướng đến phân khúc nhà ở cao cấp diện tích nhỏ có giá bán vừa phải. Như tại D’. Capitale, giá căn hộ có thể chỉ từ 2 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với 5-7 tỷ đồng, mức giá thấp nhất ở các dự án nội đô cũng do Tân Hoàng Minh xây dựng. Thậm chí, ông Dũng cho biết, giá bán căn hộ tại những dự án quy mô lớn và xa trung tâm hơn có thể thấp hơn nữa.
“Đó có phải là một cuộc cách mạng với Tân Hoàng Minh?”. Câu hỏi được đặt ra như vậy và lần này thì ông Dũng chẳng cần phải ý nhị mà thẳng thắn thừa nhận, cách mạng quá đi chứ, vì bao năm qua, trong khi các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư ra vùng ven thì Tân Hoàng Minh vẫn chỉ bám trụ ở khu vực nội đô dù biết đầu tư ở nội đô thì giá thành cao và kén khách. Thậm chí, nhiều người khuyên Tân Hoàng Minh nên hạ thấp chất lượng dự án D’. Palais de Louis để hạ giá bán, ông Dũng vẫn nhất quyết không từ bỏ “ước mơ” ấp ủ từ thời trai trẻ là biến các dự án của mình thành những kiệt tác nghệ thuật. Bởi thế, ông Dũng đã xoay xở đủ kiểu để không những giữ lại “đứa con tinh thần” mà còn cầu kỳ, chăm chút kỹ lưỡng từng chi tiết. Từ mặt ngoài toàn bộ tòa nhà được ốp đá granite, đến những bức tranh vẽ tay bởi nghệ nhân Italia trên trần đại sảnh, rồi cả nội thất nhập khẩu xa hoa… được hoàn thiện một cách hoàn hảo nhất mà ông Dũng tin rằng, chỉ có tại châu u mới có những tòa nhà nào đẹp như D’. Palais de Louis. Đó đúng là một kiệt tác nghệ thuật vượt thời gian.
Nhưng vốn là nhà kinh doanh nhạy bén, ông Dũng hiểu rằng, muốn cất cánh nhanh hơn, Tân Hoàng Minh không thể chỉ đầu tư dự án hạng sang, kén khách mà phải xây cả cả các dự án xa trung tâm thành phố hơn để giảm chi phí, từ đó giảm được giá thành sản phẩm. Quan trọng hơn, sẽ xây dựng những căn hộ nhỏ hơn, chỉ từ 35m2, so với tối thiểu 70-80m2 ở những dự án trước đây. Thậm chí, tại một dự án cực kỳ sang trọng và độc đáo mà Tân Hoàng Minh chuẩn bị trình làng ở trung tâm Hà Nội, vẫn có nhiều căn hộ nhỏ. Nhờ đó, thay vì chỉ thỏa mãn nhu cầu của giới nhà giàu, lượng khách hàng của Tân Hoàng Minh giờ đây rất đa dạng, từ những cặp vợ chồng trẻ, những người mới khởi nghiệp đến những hộ gia đình lớn, giàu có. Đặc biệt, với sự hợp tác chặt chẽ của các ngân hàng, giờ đây chỉ cần vài trăm triệu đồng là khách hàng có thể sở hữu được căn hộ của Tân Hoàng Minh.
Cách mạng là ở chỗ đó, nhưng hóa ra ông Dũng vẫn là người… “bảo thủ”. Ông vẫn kiên quyết rằng, dù là căn hộ nhỏ hay giá bán có rẻ hơn thì vẫn phải thiết kế đẹp, tối ưu hóa về công năng sử dụng và vẫn sẽ phải ở những vị trí thuận tiện về giao thông, gần công viên, nhiều tiện ích, được quy hoạch đồng bộ và dịch vụ quản lý chuyên nghiệp… Để làm được điều này, Tân Hoàng Minh đã bắt tay với Vingroup để mang những tiện ích dịch vụ vượt trội cho cư dân, như phát triển trung tâm thương mại Vincom, phòng khám Vinmec và gói dịch vụ quản lý Vinhomes trong các dự án của mình. Cách làm này đã mang lại thành công ngoạn mục cho Tân Hoàng Minh. Dự án D’. Capitale đang bán rất chạy mặc dù giá cao hơn những dự án lân cận.
Vẫn giữ tinh thần đam mê và hoàn hảo, nhưng giờ đây những dự án của Tân Hoàng Minh sẽ được triển khai với tốc độ nhanh hơn. Chỉ trong thời gian ngắn nữa, D’. Le Pont D’or sẽ trở thành dự án đầu tiên của Tân Hoàng Minh chính thức đưa vào sử dụng. D’. Palais de Louis cũng đang được hoàn thiện và chuẩn bị tái chào bán. Còn D’. Capitale dù mới khởi công được vài tháng nhưng đã xong phần móng và dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian kỷ lục 30 tháng.
Khi đó, chắc hẳn sẽ không còn ai nghi ngờ về năng lực của Tân Hoàng Minh. Bức màn bí ẩn của Tân Hoàng Minh sẽ được giải mã…

Tác giả: Nam Nguyên

Phần 1: Những người mở đường
Phần 2: (1984-1994) Tuổi trẻ sau cách mạng
Phần 3: Lập thân, Tề Gia,…(1994-2004)
Phần 4: Họ đã kiếm 1 triệu usd đầu tiên như thế nào?
Phần 5: Mì ăn liền cho hàng trăm triệu người
Phần 6: Thế chân kiềng của 3 tỷ phú việt từ mối quan hệ của vingroup, masan và techcombank
Phần 7: Bố già chứng khoán Việt Nam - Nguyễn Duy Hưng SSI

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/nhung-ong-trum-tai-chinh-viet-nam-nhom-dong-au-phan-8-bi-an-do-anh-dung-tan-hoang-minh-a2759.html