C.P - 'ông trùm' Thái Lan toan tính gì khi muốn niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam?

Theo thông tin từ Doanh nghiệp & Tiếp thị, C.P. Việt Nam – một trong những công ty chăn nuôi hàng đầu, đang có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán trong nước.

Thông tin trên ngay lập tức nhận được sự chú ý vì đây là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp đứng đầu thị trường trong nước và đồng thời là một doanh nghiệp FDI tầm cỡ từ Thái Lan.

C.P hiện đang thống trị mảng chăn nuôi Việt Nam, cụ thể là với thịt heo và thịt gà. Về cơ cấu, hơn 70% doanh thu của công ty đều đến từ mảng chăn nuôi và thực phẩm, phần còn lại chủ yếu từ thức ăn chăn nuôi (tỷ trọng đóng góp theo thứ tự là thức ăn thuỷ sản, thức ăn cho heo, và thức ăn gia cầm).

Trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện đang có hai doanh nghiệp có mô hình kinh doanh khá tương đồng với C.P là Masan MEATLife và Dabaco với giá trị vốn hoá lần lượt là 22.889 tỷ đồng và 8.182 tỷ đồng. Như vậy, C.P với quy mô lớn hơn rất nhiều, có thể sẽ có mức định giá cao hơn hẳn trong trường hợp họ chính thức niêm yết.

1437-cover-app-1642133994.jpeg

Được biết, tổng giá trị vốn hoá của CP Pokphand (CPP – công ty phụ trách hoạt động kinh doanh của C.P Việt Nam)  trên sàn chứng khoán Hong Kong đạt đến 3,5 tỷ USD.

Hồi đầu tháng 10 năm ngoái, CP Pokphand đã lên kế hoạch huỷ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong. Trong báo lên Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET), Charoen Pokphand Foods (CPF), công ty mẹ của CPP cho biết, “Việc huỷ niêm yết sẽ cho phép CPP đưa ra các quyết định chiến lược tập trung vào tăng trưởng và lợi ích dài hạn, không bị áp lực bởi kỳ vọng thị trường và giá cổ phiếu phát sinh từ việc là một công ty đại chúng.”

Kế hoạch này cũng được cho là sẽ giảm bớt chi phí quản lý liên quan đến việc duy trì trạng thái niêm yết của CPP và tuân thủ các quy định niêm yết, do đó cho phép CPP có sự linh hoạt trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của mình cũng như các công ty con.

Trong năm 2021, C.P cũng liên tục đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam khi chi đến 800 tỷ đồng để sở hữu 25% cổ phần của Sao Ta – doanh nghiệp tôm lớn thứ hai cuả Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN – cổ đông lớn nhất của Sao Ta, C.P. Việt Nam nổi tiếng về mảng con giống và thức ăn cho tôm, trong khi Fimex rất thành công về nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Việc C.P. Việt Nam đầu tư cùng với PAN không chỉ đơn thuần là phân chia lợi nhuận từ Fimex, mà cái họ muốn là kết hợp với PAN mở rộng Fimex.”

Tôm là một trong những ngành tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, đạt hai chữ số hàng năm. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Phía C.P. Việt Nam từng tuyên bố đầu tư mạnh tay vào mảng tôm kể từ năm 2018.

Việc C.P Việt Nam chính thức niêm yết sẽ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm một doanh nghiệp FDI tầm cỡ. Với quy mô của mình, công ty có thể sẽ nâng tỷ trọng đóng góp của các công ty FDI trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên đáng kể. Đó là còn chưa kể sự kiện này có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho các công ty FDI khác muốn niêm yết trên sàn chứng khoán, một số đã mắc kẹt nhiều năm. 

Ngoài C.P. Việt Nam, một FDI lớn là Aeon Việt Nam cũng có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán trong tương lai. 

Đến nay mới có 11 doanh nghiệp FDI chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và niêm yết. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 8 công ty FDI đang giao dịch trên sàn chứng khoán, 3 công ty đã huỷ niêm yết do hoạt động kinh doanh thua lỗ (2 trong số đó đang đăng ký giao dịch trên UPCoM). So sánh trên thị trường, vốn hoá doanh nghiệp FDI chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 0,3%).

Trên thực tế, các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng không xuất hiện nhiều trên sàn chứng khoán. 

 

 

 

 

 

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/cp-ong-trum-thai-lan-toan-tinh-gi-khi-muon-niem-yet-tren-san-chung-khoan-viet-nam-a25040.html