1,5 triệu tài khoản mở mới trong năm 2021, Việt Nam đang đi vào trạng thái xã hội hóa đầu tư chứng khoán?

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh trong năm 2021 đã phần nào phản ánh tâm lý người dùng không còn phụ thuộc vào ngân hàng như một kênh sinh lời duy nhất như nhiều năm trước.

Số lượng tài khoản chứng khoán tăng đột biến

Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy đến 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới trong năm 2021. Đây là con số kỷ lục và cao gấp rưỡi tổng số mở mới của 4 năm liền trước.

Riêng tháng 12, số lượng tài khoản mở mới là 226.580. Trong đó, nhóm cá nhân mở mới đến 226.390 tài khoản và các tổ chức mở thêm 190 tài khoản.

Đây là tháng có số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới cao nhất lịch sử, tăng hơn 6.000 tài khoản so với tháng kỷ lục trước đó. Đây cũng là tháng thứ 10 liên tiếp số tài khoản mở mới của cá nhân trong nước trên 100.000 mỗi tháng và là tháng thứ 2 liên tiếp có trên 200.000 tài khoản được mở mới.

Như vậy, luỹ kế cả năm 2021 ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán mở mới lên đến 1,5 triệu, gấp rưỡi số tài khoản mở mới trong giai đoạn 2017-2020 (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).

tkck-1641789671.jpeg

Chứng khoán với ưu điểm thanh khoản cao nhanh chóng hút dòng tiền và trở thành kênh đầu tư hiệu quả hàng đầu cho dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh khác đang bị ngưng trệ do dịch bệnh.

Làn sóng gia nhập thị trường vốn đã góp phần mở rộng quy mô ngành chứng khoán nội địa. Năm 2021, VN-Index tăng 36%, lọt top 7 thị trường tăng mạnh thế giới và để kết thúc năm quanh điểm 1.500 điểm.

Thanh khoản thị trường cũng cao đột biến với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt gần 26.600 tỷ đồng/phiên (1.16 tỷ đô la Mỹ/phiên), gấp 3,6 lần năm liền trước. Trong đó giá trị khớp lệnh bình quân cũng gấp đến 4 lần lên đến 24.500 tỷ đồng/phiên.

Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán tại thời điểm cuối năm đạt 7,77 triệu tỷ đồng (338 tỷ đô la Mỹ) và chiếm 99% GDP. Đây là mức tăng khoảng 2,47% triệu tỷ đồng (107 tỷ đô la Mỹ hay 47%) so với cuối năm 2020. Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030.

Nhiều chuyên gia chứng khoán dự báo thị trường vẫn còn thu hút nhà đầu tư mới trong năm 2022 nhưng mức độ sẵn sàng tham gia sẽ giảm dần, không còn bùng nổ mà sẽ ổn định ở một mức nhất định, nhất là khi chính sách tiền tệ đã nới lỏng khá nhiều và nền kinh tế hồi phục rõ nét.

Giám đốc Mirae Asset Huỳnh Minh Tuấn cho biết dòng tiền tìm tới kênh đầu tư chứng khoán vẫn sẽ gia tăng khi ý thức về một lớp tài sản chất lượng và thanh khoản cao như chứng khoán đã được nhìn nhận. Có thể nói Việt Nam đã và đang đi vào trạng thái xã hội hóa đầu tư chứng khoán, vì vậy làn sóng nhà đầu tư mới vẫn sẽ tiếp diễn.

Gửi tiết kiệm ngân hàng giảm mạnh

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của người dân tại các ngân hàng đã giảm hai tháng liên tiếp (tháng 8 và tháng 9 năm ngoái), trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp. Thời điểm cuối tháng 9, số dư tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các tổ chức tín dụng đạt mức 5,29 triệu tỷ đồng, tăng 2,92%, thấp hơn mức tăng 3% vào cuối tháng 7.

Điều đáng nói là, tiền gửi tiết kiết kiệm của dân giảm trong 5 năm gần đây. Năm 2016, tăng trưởng tiền gửi là 17,4% thì đến năm 2017 là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó, chỉ còn 6,46% vào năm 2020.

lai-suat-giam-manh-co-tien-ty-ngoi-nha-van-huong-loi-cao-2-1596250684260-1600468458607549479355-162201141578684613998-16251980213731880892567-1641789746.jpeg

Riêng trong 2 tháng liên tiếp 8 và 9/2021, tiền gửi của người dân sụt giảm. Cụ thể, trong tháng 8, tiền gửi của người dân đã giảm gần 1.000 tỷ đồng, tháng 9 sụt giảm tới gần 1.500 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến diễn biến trên là do mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường thấp. So với trước dịch, lãi suất huy động đã giảm 1,5-2 điểm phần trăm.

Trao đổi tại buổi họp báo Ngân hàng Nhà nước năm 2021, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận định mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã xuống rất thấp. Tăng trưởng tiền gửi thấp hơn tăng trưởng tín dụng cùng giai đoạn.

Kênh nào an toàn hơn?

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, so với các kênh sinh lời như chứng khoán và bất động sản, gửi tiết kiệm ngân hàng giúp người dùng tránh được nhiều rủi ro không đáng có. Chứng khoán và bất động sản là những kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao, tuy nhiên kèm theo đó là những dấu hiệu đáng lo ngại.

Ví dụ, với kênh đầu tư bất động sản, việc người dân đổ tiền vào kênh này với kỳ vọng giá lên có điểm tích cực là giúp bất động sản tăng giá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngành bất động sản phục hồi, từ đó kích thích nền kinh tế phát triển.

Về chứng khoán, lượng tài khoản cá nhân đầu tư chứng khoán thời gian qua đã tăng vọt, đây có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán đã phát triển. Tuy vậy, theo vị chuyên gia này, không nên khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán. Vấn đề ở đây là phải hướng người dân tham gia đầu tư chứng khoán một cách có tổ chức, bài bản.

Có doanh nghiệp kinh doanh không tốt, nhưng nhiều cá nhân tham gia vào cổ phiếu của doanh nghiệp đó thì sẽ lên giá, sau đó lại xuống giá nhanh chóng, thiếu bền vững.           

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/15-trieu-tai-khoan-mo-moi-trong-nam-2021-viet-nam-dang-di-vao-trang-thai-xa-hoi-hoa-dau-tu-chung-khoan-a25000.html