“Cuộc chiến” chống hàng giả nhiều cam go của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam

Một trong những lo ngại dẫn đến việc cân nhắc đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện nhan nhản ngoài thị trường.

Thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi

Ở Việt Nam, vô cùng dễ dàng khi bạn nhìn thấy sản phẩm hàng giả, hàng nhái của các thương hiệu Nhật Bản từ lớn tới nhỏ như: Canon, Honda, Panasonic, Yonex, Fast Retailing với thương hiệu Uniqlo…  được buôn bán tràn lan cả online lẫn offline.

Tại hội thảo trực tuyến “Nâng cao năng lực nhận diện hàng thật - hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ cho lực lượng chức năng và doanh nghiệp” do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức diễn ra vào ngày 24/11, Nhật Bản đã thể hiện sự quan ngại trước tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh thực trạng các sản phẩm thương hiệu của Nhật Bản bị làm giả, mạo danh thương hiệu ở Việt Nam diễn ra phức tạp, với các thủ đoạn ngày một tinh vi.

Ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết: “Nhiều hàng hóa Nhật Bản được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, từ thực phẩm đến các sản phẩm tiêu dùng. Lợi dụng vấn đề này, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng giả, hàng nhái để bán, đánh lừa người tiêu dùng”.

Nguyên tắc chung của sản xuất hàng giả, hàng nhái khá đơn giản là ăn theo những mặt hàng bán chạy. Tại Việt Nam, những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất có thể kể đến là: quần áo, phụ tùng xe máy và các sản phẩm gia dụng điện tử.

Nói đến quần áo, vẫn là tâm lý sinh ngoại của người tiêu dùng nên các sản phẩm thời trang giả vẫn rất phổ biến hiện nay. Điển hình như Uniqlo – thương hiệu thời trang nổi tiếng đến từ Nhật Bản - dù đã chính thức khai trương cửa hàng ở Việt Nam, nhưng sản phẩm Uniqlo ‘nhái’ vẫn được bán đầy ở thị trường, nhất là mặt hàng áo khoác chống nắng.

ha-giang-1-1637820004.PNG
Áo khoác giả của Uniqlo

Về phụ tùng xe máy, nguyên nhân là do xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu của người Việt, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện đi lại của người dân. Ăn theo thị trường xe máy đầy sôi động, hoạt động làm giả, làm nhái các thiết bị phụ tùng xe máy cũng phát triển theo, trong đó: căm xe (nan hoa), lọc gió, má phanh, đĩa phanh, dây cu roa… được xếp vào danh sách những phụ tùng được làm giả nhiều nhất.

ha-giang-2-1637820016.PNG
Lịch sử xử lý hàng giả của Honda

Còn những mặt hàng gia dụng điện tử, một phần do tâm lý ham đồ rẻ nên người tiêu dùng vẫn vô tư mua và dùng sản phẩm kém chất lượng mà không lường hết hậu quả từ những thiết bị này. Tại Việt Nam, dù có rất nhiều thương hiệu lớn uy tín về đồ điện gia dụng nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng nhưng cũng không tránh khỏi hàng giả, hàng nhái.

ha-giang-3-1637820024.PNG

2 mẫu ấm đun nước siêu tốc hàng chính hãng của Panasonic

Điều đáng nói là hàng nhái, hàng giả được sản xuất ngày càng tinh vi và rất giống hàng thật, kể cả nhãn mác, bao bì sản phẩm. Với kỹ thuật in ấn phát triển như hiện nay, việc sao chép trở nên đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều. Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng tin tưởng tem chống hàng giả thì nhiều nơi làm giả luôn tem chống giả.

ha-giang-4-1637820031.PNG
Logo Honda trên nhãn phụ tùng hàng thật (bên trái), hàng giả (bên phải)

Hàng giả, hàng nhái tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử

Các sàn TMĐT ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tìm được nơi tiêu thụ sản phẩm đúng chuẩn thời công nghệ nhưng đồng thời cũng kéo theo nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Bởi đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng chọn làm nơi kinh doanh hàng giả, hàng nhái một cách vô tội vạ.

Thông thường các đối tượng buôn bán hàng giả trên các sàn TMĐT thường sử dụng các hình ảnh hàng chính hãng để quảng cáo nhằm thu hút người tiêu dùng.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc mua sắm thông qua các sàn TMĐT ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, việc kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT hiện nay còn nhiều vướng mắc, bởi phương thức bán hàng ngày càng tinh vi, người bán thường chia nhỏ hàng hóa hay thường xuyên thay đổi tài khoản bán hàng… nên khó bị phát hiện.

“Chính phủ Nhật Bản cũng lo ngại sự phát triển của thương mại điện tử sẽ là "cánh tay nối dài" cho hàng giả, hàng nhái phát triển”, ông Nitta Minoru - trưởng phòng phòng chống hàng giả, Ban hợp tác quốc tế, Văn phòng Sáng chế Nhật Bản - cho biết tại hội thảo trực tuyến “Nâng cao năng lực nhận diện hàng thật - hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ cho lực lượng chức năng và doanh nghiệp”.

Trong thời gian qua, trước khiếu nại của các thương hiệu lớn các sàn TMĐT cũng thường xuyên có những đợt “quét từ khóa” để nhằm hạn chế bớt tình trạng hàng giả, hàng nhái nhưng tình hình rồi đâu lại vào đó.

 “Tổng cục QLTT đã kiến nghị, tham mưu các đơn vị trong Bộ Công thương chuẩn bị trình Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 52 về thương mại điện tử.

Bộ Công thương đã có dự thảo cuối cùng nghị định mới hoàn toàn về quản lý thương mại điện tử chuẩn bị trình Chính phủ. Dự thảo mới đã quy định bình đẳng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Bên cạnh đó, các mô hình thương mại điện tử cũng sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn”, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, cho biết trong một bài phỏng vấn với Báo Tin tức.

Với những biện pháp cứng rắn trong thời gian tới, hy vọng cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam sẽ có những bước tiến đáng kể thay vì cứ “dậm chân tại chỗ” như hiện nay.

 

Hà Hà

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/cuoc-chien-chong-hang-gia-nhieu-cam-go-cua-doanh-nghiep-nhat-tai-viet-nam-a24559.html