Tin đồn: Mối lương duyên Lộc Trời và Syngenta kết thúc sau 30 năm?

Tin đồn! Vài ngày nay trên thị trường xuất hiện và chia sẻ một tin đồn về mối lương duyên giữa Lộc Trời và Syngenta độ vỡ sau 30 năm. Vậy hai bên sẽ được mất ra sao khi kết thúc mối quan hệ này? Một case rất hay để theo dõi

 

out-s2-1637293398.jpg
 

Tôi vừa chia sẻ cho các bạn các tin đồn liên quan đến Lộc Trời rằng mối quan hệ 30 năm giữa Syngenta và LTG đã kết thúc. Rất nhiều bạn hỏi tôi về vấn đề này, còn những antifan thì cho rằng tôi chim lợn khi share bài này. Thật sự tôi cũng chỉ mới biết đây, và đã là tin đồn thì nó đi luôn rất nhanh, tôi chỉ là người nhận sau cùng. Bản thân tôi vẫn còn giữ hàng triệu cp LTG và chưa rơi cổ nào nên đương nhiên tôi chả ngu dại mà chim lợn cp mình nắm giữ, nên các antifan có muốn khịa thì cũng nên dùng não để khịa. Còn về tin đồn tôi xin đưa ra nhận định như sau:

1. Tôi không biết chính xác đó có phải thật hay không thật và toàn bộ câu chuyện đó thực hư ra sao. Cái thông tin mà chúng ta tiếp nhận là thông tin một chiều và không đầy đủ điều này cho thấy mục đích của thông tin là làm người đọc suy luận theo hướng có chủ đích. Do vậy, điều tốt nhất là chờ thông tin chính thức từ LTG hoặc ít nhất là Syngenta. Nhiều người cho rằng nó có thể quá muộn, do đó quyết định là tùy nơi mỗi người. 

2. Giả sử thông tin là sự thật thì chúng ta cũng phải nhận định và phân tích nó một cách thấu đáo nhất các khả năng có thể xảy ra chứ không phải cứ tin đồn ra là chúng ta vội vàng kết luận. 

Sau đây là các phân tích của cá nhân tôi, có thể đúng, có thể sai, hoặc đúng một phần, sai một phần, các bạn có thể tham khảo. 

a. Nếu quan hệ kinh doanh 30 năm chính thức kết thúc thì nó không thể là một sự kiện BẤT NGỜ được. Nó cũng như cuộc ly hôn giữa hai vợ chồng đã chung sống với nhau trong 30 năm nay. Đó phải là một mối quan hệ đã rạn nứt trong nhiều năm trời và không thể chịu đựng nhau nữa. Do đó, nếu nó xảy ra thì chắc chắn rạn nứt này đã diễn ra trong quá khứ nhiều năm, qua nhiều năm chịu đựng, thương lượng, hàn gắn, làm ngọt, làm nóng các thể loại nhưng vẫn không thể cứu vãn nổi. Đến cuối cùng mới dẫn đến sự chấm dứt. Và điều đó có nghĩa là CẢ HAI đều đã có những phương án phòng bị của riêng mình để khi đặt bút ký vào đơn ly hôn, cả hai sẽ cùng GIẢI THOÁT cho nhau, không phụ thuộc vào nhau hơn là cái cách mà những tin đồn trên mạng dẫn dắt lối suy luận của người đọc rằng "Syngenta ĐÁ ĐÍT Lộc Trời" 

b. Cả hai CÙNG MẤT: 
Nếu điều này diễn ra, thì ai được và ai mất? Có vẻ như tin đồn cố ý lôi kéo suy luận của chúng ta rằng, kẻ mất đương nhiên là LTG, chứ Syngenta là tập đoàn đa quốc gia, điều này chả ăn nhằm gì. Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ khi điều này xảy ra thì CẢ HAI ĐỀU MẤT. 

Cái mất của Syngenta:
Syngenta là tập đoàn hóa chất nông nghiệp đứng thứ 5 trên thế giới với doanh thu hàng năm khoảng 13 tỷ $. Tại Việt Nam, thì Syngenta đứng thứ nhất với khoảng >50% doanh thu được bán thông qua Lộc Trời. Điều này có nghĩa là nếu hợp đồng này chấm dứt thì ngay lập tức 50% doanh thu của Syngenta có thể mất đi từ LTG. Khi đó Syngenta sẽ phải tìm một đối tác khác thay cho LTG, đó có thể là VFG, là ADC... Nhưng quy mô cả 2 công ty này đều chỉ bằng khoảng 50% của LTG mà thôi, do đó doanh thu của Syngenta cũng sẽ giảm mạnh. Ngoài ra, Syngenta đã âm thầm xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình trong suốt hơn 30 năm qua, nhưng nó không đủ mạnh như Syngenta nghĩ. Bởi vì vậy mà doanh thu chủ yếu của Syngenta vẫn là qua LTG và VFG. Do đó, nếu hợp đồng này chấm dứt, thì doanh thu của Syngenta có thể giảm ngay 25-30% là chuyện bình thường. Ngoài ra bản thân Syngenta cũng biết rằng, nếu không là bạn thì khả năng cao sẽ là đối thủ của nhau. Khi đó Syngenta cũng phải giành giựt thị phần với LTG bởi Lộc Trời cũng không ngồi yên chờ chết được. Nhưng bất chấp khó khăn có thể diễn ra, họ vẫn rứt áo ra đi, chấp nhận mất mát. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi thì các tập đoàn đa quốc gia ngoại trừ Unilever, P&G, Cocacola ... thì rất nhiều trong số họ gặp thất bại trong việc kinh doanh tại Việt Nam khi khác biệt về tư duy, về văn hóa... Đơn cử như Mondelez mua lại mảng bánh kẹo và hệ thống phân phối của Kinh Do, nhưng sau hơn 5 năm thì họ không những gặp khó khăn mà giờ đây có thể lại phải cạnh tranh với chính Kinh Do. Hay Thai Brew mua lại Sabeco được xem là con  hổ mọc thêm cánh nhưng khi gặp họa covid 19 và nghị định 100, thì nó bắt đầu bộc lộ liên tiếp những sai lầm về văn hóa trong phương thức điều hành cũng như quyết định kinh doanh của Thai Brew. Do đó, cũng sẽ không dễ dàng cho Syngenta tự xây dựng mạng lưới phân phối cho riêng mình. 

Cái mất của Lộc Trời
Có thể nói Syngenta được như hôm nay với vị thế đứng đầu Việt Nam là nhờ vào Lộc Trời, đây là SỰ THẬT. Bởi nếu cắt đi 50% doanh thu thì Syngenta đương nhiên ngay lập tức mất liền thị phần. Lộc Trời cũng thế, bởi Lộc Trời đã bỏ ra 30 năm đi xây dựng thương hiệu cho Syngenta và biến sản phẩm của Syngenta trở nên thông dụng và được ưa chuộng là bởi mối quan hệ của người nông dân với Lộc Trời và bởi  niềm tin mà người nông dân chính là khách hàng cuối cùng đặt vào Lộc Trời. Do đó, khi sự thông dụng đã thâm nhập vào thị trường thì nếu mất đi danh mục sản phẩm chủ chốt (chiếm khoảng >50% lợi nhuận) thì Lộc Trời cũng bị ảnh hưởng một cách đáng kể. Nhưng như tôi đã phân tích ở trên, đây là sự rạn nứt diễn ra nhiều năm do đó một điều chúng ta hoàn toàn quả quyết rằng Lộc Trời cũng đã chuẩn bị cho riêng mình. 

Ngoài Syngenta, thì cũng còn tới 4 tập đoàn hóa chất nông nghiệp lớn khác trên thế giới như Deere (18.5 tỷ$), DowDupont (15.7 tỷ$), Agrium (13.6 tỷ $) và Monsanto (13.5 tỷ $). Và cá nhân tôi tin rằng họ sẵn sàng bắt tay với LTG một công ty hàng đầu về hóa chất nông nghiệp tại Việt Nam. Họ không mạnh tại Việt Nam như Syngenta cũng bởi LTG, vì LTG đã làm quá tốt công việc đó. Người nông dân tin vào sản phẩm là bởi họ tin vào LTG. Do đó nếu LTG chấm dứt quan hệ kinh doanh với Syngenta thì sẽ có hàng loạt các tập đoàn khác muốn bắt tay với LTG để có một miếng bánh hấp dẫn tại đất nước nông nghiệp này. Tuy nhiên, cho dù LTG có bắt tay với tập đoàn nào đi nữa thì cũng không thể tránh khỏi một phần doanh thu sẽ bị giảm đi bởi LTG cũng phải tốn công sức gày dựng chuỗi sản phẩm lại. Nhưng lợi thế của LTG chính là hệ thống phân phối và niềm tin của người nông dân. Với lợi thế này họ sẽ dần dần lấy lại và thậm chí vượt qua mốc cũ một cách nhanh chóng thôi. 

Anyway, thì cho dù mất hay được thì nó cũng là sự ảnh hưởng trong 2022 trở đi và thực chất nó sẽ ảnh hưởng bao nhiêu và bao lâu thì chỉ có công ty mới có thể nhận định được. Tôi thì không rõ các bạn thế nào chứ tôi thì vẫn chờ đợi tin chính thức từ phía công ty. Nên nhớ rằng LTG đã rất thành công trong việc tái cơ cấu hệ thống phân phối (đầu ra) trong năm 2020, họ thậm chí chấp nhận lỗ trong Q1.2020 để rồi thành công vượt bậc trong 2021. Có thể sau thành công đó, thì bước tiếp theo chính là tái cơ cấu đầu vào (nhà cung cấp), bởi đầu ra bao giờ cũng khó hơn đầu vào cả. Đi mua sản phẩm thì có vẻ luôn dễ hơn là đi bán sản phẩm đó. 

Tiền của các bạn, quyết định cũng của các bạn. Hãy tự quyết định cho số phận của mình. 

 

Vincente Nguyen

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/tin-don-moi-luong-duyen-loc-troi-va-syngenta-ket-thuc-sau-30-nam-a24493.html