Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 2,5%

Tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của Việt Nam dự kiến chỉ tăng khoảng 2-2,5%, theo bản tin cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 10 do World Bank (WB) công bố hôm nay 13.10. "GDP quý IV sẽ phục thuộc vào quá trình phục hồi kinh tế, khi hai trung tâm TP.HCM và Hà Nội đang dần gỡ bỏ các hạn chế", theo nhóm nghiên cứu WB.

Tổ chức này theo đó hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống mức 2-2,5%, so với dự báo tăng 4,8% họ từng đưa ra hồi tháng 8. Sau khi đạt kết quả tương đối khả quan trong nửa đầu năm, mức suy giảm 6,2% của GDP quý III so với cùng kỳ năm trước là mức thấp nhất từ thời điểm Việt Nam bắt đầu tính toán và công bố dữ liệu GDP theo quý. 

Đợt cách ly xã hội tạo ra những hệ quả tiêu cực, đặc biệt là trên thị trường lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý III giảm 2,6 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cũng tăng lần lượt 1 và 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ đạt 40,2 trong tháng 9, phản ánh điều kiện kinh doanh tiếp tục khó khăn, trong đó có gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng trở lại trong tháng 9 với mức 6,5% - lần đầu tiên sau bốn tháng liên tục giảm. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận tăng gấp bốn lần mức tăng của tổng bán lẻ hàng hoá. Mức tăng này được cho nhờ nới lỏng giãn cách xã hội và giải phóng nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén trong suốt giai đoạn thực hiện giãn cách. 

WB đánh giá tăng trưởng tín dụng và tiền gửi đều chững lại. Tăng trưởng tín dụng tháng 9 tiếp tục giảm thêm 1,6% so với tháng trước khi nhu cầu suy yếu vì hoạt động kinh tế bị đóng băng. Dù vậy, tốc độ này vẫn tương đương với mức trước đại dịch. Tăng trưởng tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng cũng tiếp tục chậm lại, giảm thêm 2% so với tháng trước, vì lãi suất huy động giảm ở một số ngân hàng. 

fb-img-1634176780535-1634176978.jpg

WB cho biết cân đối ngân sách nhà nước vẫn bội thu trong chín tháng dù ghi nhận bội chi trong tháng 9. Cụ thể, ngân sách bội thu 46.600 tỉ đồng do tổng chi giảm hơn 7% và tổng thu tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Dù tăng chi để kiểm soát đợt dịch thứ tư và hỗ trợ thu tháng 10 năm nay, nhưng mức chi ngân sách thường xuyên vẫn giảm liên tục trong tháng 8 và tháng 9. Lý giải, WB chỉ ra do chính sách tài khoá thắt chặt, thể hiện qua giảm chi thường xuyên do những cứng nhắc trong quy trình, không cho phép điều chuyển nguồn lực nhanh chóng trong khủng hoảng. 

Tổ chức này đưa ra một số vấn đề tiếp tục theo dõi. Cụ thể, phải nhanh chóng gỡ các nút thắt về logistics và ưu tiên việc dịch chuyển lao động. Thứ hai, các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc việc áp dụng chính sách tài khoá mở rộng, sử dụng các công cụ tài khoá để hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt là giảm sự cứng nhắc trong thủ tục chi. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đề xuất chính phủ có những hỗ trợ mở rộng cho doanh nghiệp và người lao động ở cả khu vực chính thức, phi chính thức và hộ gia đình, giúp họ vượt qua những khó khăn có thể xảy ra nếu quay trở lại làm việc. 

 

Linh Lan

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/ngan-hang-the-gioi-ha-du-bao-tang-truong-viet-nam-xuong-25-a24098.html