Hàng loạt bê bối khiến tham vọng bá chủ mạng xã hội của Facebook ngày càng xa vời…

Ngày 04/10 vừa qua, gần 2 tỷ người dùng Facebook, Instagram và WhatsApp trên thế gới đều không thể truy cập được trong 8 giờ đồng hồ. Sự kiện ngay lập tức làm tài sản của CEO Facebook, Mark Zuckerberg “bay” 6 tỷ USD. Qua đó, chúng ta có thể thấy ảnh hưởng khủng khiếp của nền tảng này lên đời sống. Vậy rốt cuộc, Facebook đã làm thế nào để các “user” phụ thuộc vào họ?

facebook-buy-instagram-and-whatsapp-2-1634112253.jpg
CEO Facebook -  Mark Zuckerberg

Từ ký túc xá Harvard đến IPO trị giá 104 tỷ USD

Ý tưởng xây dựng Facebook ra đời khi Mark còn đang là sinh viên năm 2 Đại học Harvard. Ban đầu, anh lập ra “Face mash” - nền tảng hoạt động dựa trên nguồn tài nguyên là các hình ảnh sinh viên Harvard hack được từ ký túc xá nhà trường. Như một hiệu ứng, website đã thu hút 22.000 lượt xem chỉ trong 450 giờ đầu tiên. Dĩ nhiên Harvard đã kỷ luật Mark, và yêu cầu anh gỡ xuống vì lý do an ninh và lo ngại bảo mật.

Ngày 04/02/2004, Mark lập ra TheFacebook. Thị phi ngay lập tức bủa vây, khi 2 sinh viên khóa sau tuyên bố sẽ kiện Mark. Nguyên nhân do hai người họ (Tyler Winklevoss và Divya Narendra) đã đặt hàng Mark xây dựng một Website nhưng đã bỏ ngang, và lấy ý tưởng này để tạo Thefacebook. Năm 2008, vụ kiện diễn ra, cả hai đã nhận được 1,2 triệu cổ phiếu Facebook khi IPO, trị giá khoảng 300 triệu USD.

song-sinh-1634112413.jpg
Anh em nhà Winklevoss

Lần gọi vốn vào tháng 5 năm 2005 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Facebook khi 13,7 triệu USD được đầu tư. Đó là nền tảng để tính năng Newsfeed ra đời năm 2006, cho phép user cập nhật các hoạt động của mọi người một cách nhanh chóng. 2009, mạng xã hội này khai sinh ra nút Thích/Like. 2010, với tốc độ tăng trưởng thần kỳ, Facebook đã có đến 1 tỷ lượt truy cập hàng tháng, CEO Mark bắt đầu có tầm ảnh hưởng và được mời đến gặp các chính trị gia của Mỹ.

104 tỷ đô – là định giá của Facebook khi IPO với mức chào bán 38 USD/cổ phiếu ngày 18/5/2012. Công ty lên sàn khi đó sở hữu 900 triệu người dùng. Trong lần IPO lịch sử này, “đứa con tinh thần” của Mark đã bán được 5 tỷ USD cổ phiếu, chính thức khẳng định vị thế mạng xã hội lớn nhất thế giới, “kỳ lân khởi nghiệp” huyền thoại của làng công nghệ sau 8 năm phát triển.

Chiến lược “cá lớn nuốt cá bé”

facebook-1634112213.jpg
Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD

Để tồn tại trên thương trường, một số công ty chọn cách tập trung vào lợi thế cạnh tranh, khía cạnh độc đáo của sản phẩm, lại có số khác marketing rầm rộ tiếp cận với nhiều tập khách hàng. Tuy nhiên, với những ông lớn như Facebook, khi có mối đe dọa tiềm tàng đến vị trí của mình, họ sẽ… thâu tóm luôn những đối thủ ấy.

Đó là lý do vì sao Facebook mua lại Instagram và WhatsApp, với giá lần lượt là 1 tỷ và 19 tỷ USD. Mark luôn trong tâm thế lo ngại về các đối thủ cạnh tranh với FB, anh sẵn sàng bỏ hàng tỷ USD để mua lại những công ty này. Trong email gửi nhân viên, CEO này đã nói Instagram “là mối đe dọa lớn nhất của tập đoàn trong 5 năm qua”.

So sánh một chút giữa Instagram và Facebook. Trong khi “con cưng” của Mark chú trọng vào chia sẻ thông tin nhanh giữa những user thì Instagram, ứng dụng do Kevin Systrom sáng lập tập trung vào trải nghiệm thật sự của người dùng, qua việc chia sẻ hình ảnh. Thứ mà Kevin tạo ra, rõ ràng không phải là một mạng xã hội khi nó là nơi để chia sẻ trải nghiệm và cảm xúc qua những bức ảnh. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn khác so với Facebook và đánh đúng vào yếu điểm của họ

facebook-buy-instagram-and-whatsapp-4-1634112213.jpg
Mua Instragram đang là thương vụ thành công nhất của Facebook

Instagram - Một ứng dụng chỉ có 13 nhận sự nhưng lại thu hút 30 triệu người dùng sau 2 năm – rõ ràng là một mối lo đối với Mark, khi vào thời điểm đó các thiết bị di động hệ điều hành Android và IOS bùng nổ, và lượng người tham gia Instagram tăng chóng mặt. Do đó, Facebook quyết định “mua lại Instagram bằng bất cứ giá nào”. Họ gửi lời đề nghị 1 tỷ đô – gấp 10 lần định giá của Instagram khi đó. Đến ngày 4/12/2012, Instagram chính thức trở thành một phần của Facebook và hiện đang là thương vụ thành công nhất lịch sử mà Mark và cộng sự thực hiện.

Điều tương tự cũng diễn ra với WhatsApp và Oculus VR, khi các công ty này được thượng tầng Facebook đánh giá là “mối đe dọa với ảnh hưởng của Facebook trên toàn cầu”. Việc mua lại các ứng dụng trên cũng là bước đi nằm trong kế hoạch tạo nên hệ sinh thái khổng lồ, thay đổi thói quen dùng mạng xã hội của hàng tỷ người trên thế giới.

Và những vụ bê bối chấn động

gettyimages-944424152-15235052558281215845425-169-0-1293-2000-crop-15235052635131968870591-1634112886.jpg
Mark trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ

Lần sập Facebook gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng trên thế giới. Tuy nhiên nó chưa là gì so với các bê bối nghiêm trọng của công ty này trong quá khứ. Những vụ việc đó đã và đang làm uy tín của Facebook giảm thấp chưa từng có, giúp người dùng nhận ra rằng họ “bị theo dõi ngay cả lúc ngủ”.

Vụ bê bối lớn nhất xảy ra vào tháng 3/2018, khi đối tác của Facebook là Cambridge Analytica tiếp cận bất hợp pháp dữ liêu từ 87 triệu người dùng, với mục đích chính trị phục vụ cho bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Đáng nói trong vụ bê bối này, công ty Cambridge Analytica không hề vi phạm chính sách nào của Facebook cả, chứng tỏ đã có sự thỏa thuận giữa 2 bên. Bê bối đã khiến CEO Mark Zuckerberg phải điều trần trước quốc hội Mỹ, uy tín của ông lớn công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề.

1280px-facebooks-estimates-on-users-affected-by-cambridge-analyticasvg-1634112213.png
Thống kê số người ảnh hưởng bởi bê bối Cambridge Analytica

Cuối tháng 9/2018, nhiều hacker lợi dụng lỗi bảo mật từ tính năng View as để truy cập và sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản. 90 triệu tài khoản phải đăng nhập lại vào hệ thống. Trong phát ngôn liên quan, Facebook cho biết “không nắm rõ liệu hacker có sử dụng các thông tin đánh cắp này hay không”.

Vào tháng 1/2019, trong một đợt kiểm tra bảo mật, các kỹ sư Facebook đã phát hiện ra mật khẩu của 600 triệu user được lưu ở dạng văn bản và có thể đọc bằng…mắt thường. Tuy nhiên, công ty công nghệ này khẳng định những mật khẩu trên “hoàn toàn được giữ kín với người ngoài”, “không vì mục đích xấu”.

Các vụ bê bối trên một lần nữa khiến niềm tin của công chúng với Mark ngày càng ít, số lượng người sử dụng các ứng dụng “không có yếu tố Facebook” như Telegram, TikTok ngày càng tăng.

Chí Thanh - Vietnam Business Insider

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/hang-loat-be-boi-khien-tham-vong-ba-chu-mang-xa-hoi-cua-facebook-ngay-cang-xa-voi-a24091.html