Chuyên gia hết đất dụng võ

Từ lâu các chuyên gia kinh tế cứ chắc mẩm một số nguyên lý kinh tế vĩ mô như nếu mọi người lo sợ lạm phát thì trước sau gì lạm phát cũng xảy ra; hay có một sự đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát, tức chống lạm phát mạnh tay thì dân thất nghiệp, tăng công ăn việc làm dễ dẫn tới lạm phát… Thế nhưng một nghiên cứu vừa công bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đảo ngược các nguyên lý này và đang gây xôn xao cộng đồng các nhà kinh tế học.

chuyen-gia-1633929223.jpg
 

Nội dung chính của nghiên cứu dài 27 trang này do một cố vấn cao cấp của Fed là ông Jeremy B. Rudd viết, phản bác quan điểm cho rằng kỳ vọng lạm phát trong tương lai của mọi người tác động lớn lên mức độ lạm phát hiện tại.

Đây là một nguyên lý quan trọng trong thời điểm hiện nay, vì mấy tháng qua mọi người cứ bàn tán lo ngại lạm phát do tiền tung ra giải cứu quá nhiều, giá vận tải, giá nhiên liệu, giá nông sản và nguyên vật liệu khác tăng vọt trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nhiều nơi gây nên tình trạng thiếu đủ loại hàng hóa.

Thập niên 1970 gánh chịu bóng ma lạm phát lởn vởn vì ai nấy đều tin sẽ có lạm phát. Lúc giá xăng tăng mọi người cho đó là dấu hiệu mặt bằng giá cả sẽ tăng nên ai nấy đều đòi giá cao hơn cho sản phẩm hay dịch vụ của họ. Thành tựu lớn nhất của Fed trong thập niên 1980, theo họ, là phá vỡ quy luật này bằng cách bảo đảm chính sách tiền tệ của họ không cho phép lạm phát diễn ra dù phải chịu suy thoái kinh tế.

Nghiên cứu của Rudd không tìm thấy bằng chứng nào cho quy luật tin có lạm phát sẽ kéo theo lạm phát. Số liệu ngược lại cho thấy mức giá cả dựa vào tính toán của người dân và doanh nghiệp trên thực tế và quá khứ họ trải nghiệm chứ không phải kỳ vọng ở tương lai. Chẳng hạn khi lạm phát thời gian trước đó là thấp thì công nhân sẽ không đòi hỏi tăng lương như khi lạm phát cao, tức khi đồng lương của họ giữ nguyên sức mua, họ sẽ không nhìn vào lạm phát sang năm hay sang năm nữa để yêu sách lương bổng.

Thế nhưng nghiên cứu của Jeremy Rudd bao quát các vấn đề lớn hơn nhiều khi đưa ra nhiều trường hợp cho thấy các tư tưởng then chốt đằng sau các chính sách kinh tế từ thập niên 1980 đến năm 2007 là không hoàn chỉnh hay thậm chí hoàn toàn sai lầm.

Nó chứng tỏ ngành kinh tế vĩ mô với hàng ngàn bộ óc thông minh trong nhiều năm liền quan sát và suy nghĩ đã không rút ra được điều gì chắc chắn – nền kinh tế của một quốc gia hay cả toàn cầu vẫn là một hộp đen bí ẩn. Mối tương tác giữa hàng triệu, hàng tỉ người trong các quan hệ mua bán, vay mượn, chi tiêu rồi đan xen với chính sách của chính phủ, ngân hàng trung ương, đủ loại doanh nghiệp với đủ loại chiến lược đã làm nên một bộ máy cực kỳ phức tạp không một chuyên gia kinh tế nào có thể hiểu hết.

Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế học quốc tế Peterson, nói với tờ New York Times: “Kinh tế vĩ mô cũng không khác gì nền vật lý lượng tử (mọi quy luật vật lý thông thường không còn đúng nữa). Ông cho rằng chúng ta chỉ mới ở mức độ hiểu biết thời Galileo và Copernicus khi họ tìm hiểu các quy luật căn bản của vũ trụ. Cả ông lẫn tác giả công trình nghiên cứu đều cho rằng cần khiêm tốn thừa nhận chúng ta chưa hiểu gì nhiều về kinh tế và những điều chúng ta đoan rằng đúng chưa hẳn đã đúng.

Nổi bật là ý tưởng về “đường cong Phillips” – là một đồ thị có trục hoành là tỷ lệ thất nghiệp và trục tung là tỷ lệ lạm phát, dọc theo đường cong này, hễ tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thì tỷ lệ lạm phát tăng lên và ngược lại. Nói cách khác, mọi người cho rằng tăng trưởng kinh tế cao đương nhiên gây ra lạm phát hay lạm phát là cái giá phải trả để giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Trong một thời gian dài mọi nhà kinh tế tin vào quy luật này và mãi đến thập niên 2000, mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp mới suy yếu và không còn được xem là nền tảng để các nước vạch chính sách nữa.

Tương tự, mấy năm gần đây cả lãi suất và lạm phát đều giảm trên khắp thế giới mà các nhà kinh tế bó tay không giải thích được vì sao. Mốc ấn định cho một lãi suất trung tính, tức lãi suất không kích thích hay hạ nhiệt nền kinh tế nay phải giảm xuống sâu hơn so với các thập niên trước. Thực tế Fed đã điều chỉnh chính sách dựa trên thực tế này, tức vẫn nhắm lãi suất thấp và đặt mục tiêu thất nghiệp cũng thấp – điều trước đây không thể có.

Trong lĩnh vực chính sách tài khóa, trước đây người ta cứ tin chắc chính phủ mà phát hành trái phiếu vay nợ càng nhiều thì lãi suất sẽ tăng và chèn ép đầu tư của khối tư nhân. Nhưng mấy năm qua, thâm hụt ngân sách lớn lại đi liền với lãi suất thấp và tín dụng dồi dào cho doanh nghiệp tư nhân.

Trong bối cảnh đó, vai trò của các ngân hàng nhà nước và những người làm chính sách càng khó khăn vì không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Cũng chưa chắc các quan sát nghiên cứu của Jeremy Rudd hoàn toàn chính xác; cũng có thể các kết luận này sẽ bị vất bỏ như các kết luận khác. Vì thế tờ New York Times đã kết luận một cách khéo léo khi nói về cái khó của người làm chính sách: “Nếu ta thấy có thể ta sai về một điều gì đó, cứ xuất bản một công trình gây sốc để nói lại cho đúng”.

Nguồn: Theo Nguyễn Vũ/TBKTSG

https://thesaigontimes.vn/chuyen-gia-het-dat-dung-vo/?

Nguyễn Vũ

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/chuyen-gia-het-dat-dung-vo-a24065.html