VN Index khó bứt phá khi vĩ mô kém khả quan, cần thêm chính sách hỗ trợ cụ thể hơn

1. MỘT SỐ THỐNG KÊ ĐÁNG CHÚ Ý QUÝ III/ 2021
 
-   GDP quý III giảm 6,17% YoY. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
 
-   Giải ngân vốn đầu tư công: dự kiến đến ngày 30/9/2021 ước giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt trên 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2020 (56,33%).
 
-  PMI tháng 9 duy trì ở vùng 40 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh đã suy giảm đáng kể.
 
-  FDI đăng kí mới tăng 4,4% YoY, vốn FDI thực hiện giảm 3,5% YoY
 
-  Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 9 giảm 7.1% YoY
-  Tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021
 
-  Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng năm nay ước tính đạt 292,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.042 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020
 
 -  Kim ngạch xuất khẩu quý III/2021 ước tính đạt 83,89 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với quý II năm nay (tăng 7% so với quý I). Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 62,72 tỷ USD, tăng 8,5%, chiếm 26,1% tổng kim ngạch xuất khẩu
 
-  Kim ngạch nhập khẩu quý III/2021 ước tính đạt 84,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,5% so với quý II năm nay (tăng 11,8% so với quí I). Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 83,72 tỷ USD, tăng 25%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 158,93 tỷ USD, tăng 33,6%
 
 -  CPI tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung quý III/2021, CPI tăng 0,93% so với quý trước và tăng 2,51% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
 
-   Lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 0,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
 
2. ĐÁNH GIÁ
Tình hình kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự kiến. Việc giãn cách xã hội quá lâu dẫn đến 2 hệ lụy đáng chú ý:
-         GDP cũng như nền kinh tế suy giảm sâu hơn, cụ thể đã được thống kê qua các con số. Đương nhiên đi theo là lợi nhuận và doanh thu các doanh nghiệp nói chung trong quý III cũng sẽ thấp hơn kỳ vọng
-         Khả năng phục hồi trong quý IV cũng sẽ diễn ra chậm hơn, nguyên nhân đến từ chuỗi cung ứng bị đứt gãy và thiếu hụt lao động trầm trọng, khó khăn trong việc đi lại giữa các tỉnh, thành phố
Ngoài ra chi phí tài chính, chi phí đảm bảo phòng chống dịch tăng cũng đè nặng lên các doanh nghiệp, nếu không có các chính sách hỗ trợ kịp thời, nhiều doanh nghiệp SME có thể lún sâu vào khó khăn
Tháng 10 mới chỉ là tiền đề cho sự trở lại, và có thể tháng 11, tháng 12 nền kinh tế mới bước vào giai đoạn bình thường mới, thì dự tính GDP cả năm chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 2%
 
 3. ĐÁNH GIÁ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
 
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/10, VN Index ở mức 1362 điểm, tương ứng với P/E khoảng 16.5 lần, cùng với đó là diễn biến vĩ mô kém khả quan, thì đây được coi là vùng giá hợp lý của VNI. Ngắn hạn để có sự hấp dẫn cần sự điều chỉnh, còn dài hạn thì cần chờ đợi diễn biến của nền kinh tế cũng như tình hình dịch bệnh.
Diễn biến đi ngang của VN Index sẽ còn tiếp tục xảy ra cho đến khi báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp niêm yết được công bố. Lực cầu khá tốt quanh vùng 1330 khiến cho chỉ số nhiều lần hồi phục khi chạm ngưỡng này, đây cũng được coi là hỗ trợ cứng của VNI trong thời gian tới. Phiên giao dịch 28/9 được coi là khá nhạy cảm và đã phản ánh hết rủi ro trong quý III.
Nếu nhìn nhận rộng hơn, sau một thời gian dài với sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư cá nhân (từ đầu năm đã có xấp xỉ 1 triệu tài khoản chứng khoán mở mới) thì rõ ràng hiện tại, lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường là rất nhiều và điều này còn tiếp diễn. Vậy nên rất khó có sự đồng thuận để tạo ra một con sóng lớn của cả thị trường chung cũng như trên từng nhóm ngành. Sự phân hóa sẽ ngày một rõ ràng hơn không chỉ giữa các nhóm ngành, mà còn trên từng mã cổ phiếu.
Kháng cự cũng như vùng giá hợp lý của VN Index có thể đạt được là quanh 1380 - 1400 điểm. Mức tăng của chỉ số chính không quá ấn tượng, nên nhà đầu tư cần lựa chọn danh mục đầu tư có định giá phù hợp để tối ưu hóa lợi nhuận.
Yếu tố duy nhất hỗ trợ thị trường lúc này là dòng tiền rẻ, các chính sách tiền tệ có thể tiếp tục nới lỏng trong thời gian tới khiến định giá của thị trường chung cũng cao hơn. 

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/vn-index-kho-but-pha-khi-vi-mo-kem-kha-quan-can-them-chinh-sach-ho-tro-cu-the-hon-a24036.html