[Hồ sơ Nhà sáng nghiệp] Cuộc đời của ông chủ đế chế socola tỷ đô Hershey: Ba lần phá sản vẫn không đầu hàng số phận

Milton Snavely Hershey chỉ học đến lớp 4, được vợ khuyên nên đi khám lại thần kinh nhưng vẫn trở thành ông chủ của hãng socola nổi tiếng khắp thế giới, được người lao động ngỏ ý muốn làm việc cho ông đến hết đời.

1-1633437643.jpg

Nếm trải cuộc sống cơ cực từ thuở bé

Milton Snavely Hershey sinh ngày 13 tháng 09 năm 1857 tại bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Cha ông là Henry Hershey và mẹ là Veronica Fanny Snavely. Gia đình ông theo đạo Tin lành và là thành viên của cộng đồng Mennonite tại Pennsylvania. Được sinh ra trong một gia đình ở nông thôn nên từ bé, Milton đã tiếp xúc với nhiều công việc trong trang trại. Điều này giúp ông rèn luyện được tính chăm chỉ, kiên trì và hiểu được giá trị của những công việc tay chân. 

Khi công việc chủ yếu của đa số người dân Pennsylvania là làm nông, cha của Milton Hershey lại rất đam mê với việc kinh doanh. Những công việc làm ăn của Henry Hershey khiến gia đình phải di chuyển đến rất nhiều nơi khác nhau. Phần lớn những công việc đó đều không thành công khiến thu nhập của gia đình Hershey không ổn định. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của Milton Hershey. Ông chỉ học đến hết lớp 4 rồi bỏ học để phụ giúp gia đình.

Năm 1872, hành trình đến với ngành bánh kẹo của Milton bắt đầu khi ông được nhận vào làm việc tại một nhà máy bánh kẹo ở Lancaster. Vào thời điểm này, nền kinh tế Mỹ bùng nổ với sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp như khai khoáng, đóng tàu,.. Thế nhưng Milton Hershey lại chọn theo đuổi ngành bánh kẹo và mẹ ông cũng chính là người bên cạnh ủng hộ ông từ những bước đầu. Milton thể hiện niềm yêu thích với ngành này và nhanh chóng chứng tỏ được năng lực của mình khi thuộc lòng các công thức làm kẹo.

Năm 1876, với tất cả tâm huyết và sự tự tin, Milton Hershey quyết định vay 100 USD từ người dì của mình để kinh doanh kẹo cứng và caramen tại Philadelphia. Ông làm kẹo vào buổi tối muộn và đem kẹo đi bán vào sáng hôm sau. Milton cho biết: “Đây là cách tốt nhất để tôi giữ cho kẹo được thơm ngon khi đến tay khách hàng. Mỗi khách hàng đều xứng đáng có được sản phẩm tốt nhất". Milton bán kẹo trên chiếc xe đầy ở những nơi đông người trong suốt 6 năm. Thời gian này, vì không có chất bảo quản nên bánh kẹo thường không để được lâu. Nếu không được tiêu thụ, chúng sẽ bị ỉu hoặc bị hỏng.

2-1633437684.jpg

Năm 1882, Milton bị kiệt sức vì làm việc quá nhiều và ông cũng đang phải gánh một số nợ lớn. Ông buộc phải dừng việc kinh doanh bánh kẹo của mình. Sau đó, Milton cùng cha đến Denver để đào bạc - một trong những cách làm giàu nhanh nhất khi đó.

Trở thành ông chủ của một công ty caramen sau nhiều lần thất bại

Sau khoảng thời gian đào bạc cùng cha, Milton Hershey nhận ra sâu bên trong ông vẫn thôi thúc đam mê làm kẹo. Ông muốn làm giàu với tư cách là một doanh nhân bán kẹo chứ không phải là một thợ đào bạc. 

Rời khỏi công trường, Milton xin vào làm việc tại một tiệm kẹo địa phương. Cũng tại nơi đây, ông học được công thức pha trộn sữa bò tươi với caramen và việc trộn hai loại nguyên liệu này với nhau giúp bảo quản thành phẩm được lâu hơn. Đây được xem là một trong những bước ngoặt trong cuộc đời của ông. Không lâu sau đó, Milton chuyển đến Chicago rồi mở một cửa hàng bán kẹo. Tuy nhiên, ông lại thất bại và phải đóng cửa tiệm của mình. 

Dù thất vọng nhưng không nản chí, một lần nữa Milton lại chuyển đến thành phố New York và mở một cửa hàng bán kẹo. Cửa hàng liên tục bị mất tiền và rơi vào tình trạng khó khăn. Milton Hershey lại phá sản một lần nữa.

Sau khi thất bại ba lần liên tiếp, Milton Hershey quyết định về quê tìm sự giúp đỡ của người thân. Tuy nhiên, không một ai tin tưởng và chịu giúp đỡ ông. Đa số họ đều nghĩ Milton sẽ không thể thành công sau khi chứng kiến chuỗi thất bại của ông. May mắn thay, Milton đã nhận được sự giúp đỡ của bạn bè và đồng nghiệp cũ. Henry Lebkuchen - một người bạn lâu năm đã cho ông tá túc và vay tiền. 

Năm 1886, sau khi chuyển các thiết bị làm kẹo từ New York về quê, ông đã thành lập công ty sản xuất kẹo Lancaster. Bằng công thức trộn sữa tươi vào caramen, Milton đã tạo ra được một loại kẹo có hương vị đặc trưng. Ông đặt tên cho nó là Hershey’s Crystal A. Sản phẩm này nhanh chóng được đón nhận và trở nên nổi tiếng. Một doanh nhân người Anh quyết định đặt một lô hàng lớn và cho Milton vay 250.000 USD để mở rộng sản xuất kinh doanh. Công việc làm ăn của Milton ngày càng phát triển và giúp ông trở nên giàu có hơn. Vào đầu những năm 1890, ông sở hữu 2 nhà máy làm kẹo với hơn 1.300 công nhân làm việc. 

3-1633437733.jpg

Gầy dựng đế chế sô-cô-la Hershey nổi danh

Năm 1982, ông đã đến Thụy Sĩ với mong muốn học được cách làm pho mát. Nhưng tại đây, ông đã được chứng kiến quy trình làm socola. Từ đó, Milton có thể nhiều ý tưởng kinh doanh khác trong đó có việc sản xuất socola. Ông quyết định bán công ty Lancaster với giá 1 triệu USD rồi dùng số tiền đó thành lập Hershey Chocolate Company.

Thời điểm này, socola là một sản phẩm khá đắt đỏ và kén người ăn. Quyết định thành lập công ty socola của Milton bị rất nhiều người thân của ông phản đối, trong đó có vợ ông. Bà cho rằng ông cần đi khám lại thần kinh khi đã bán đi công ty Lancaster đang làm ăn rất tốt chỉ để theo đuổi một sản phẩm được cho là rất khó để thành công.

Milton Hershey vẫn kiên quyết theo đuổi ước mơ socola của mình. Đầu thập niên 1990, ông liên tục cho ra mắt những sản phẩm socola mới lạ để khảo sát khẩu vị của người tiêu dùng. Milton còn mua một trang trại bò sữa nhằm ổn định nguồn cung ứng. Những chiếc socola sữa thơm ngon đã được tạo ra nhờ kinh nghiệm trộn lẫn sữa vào caramen trước đây của ông.

Năm 1903, nhà máy socola với hàng loạt máy móc thiết bị hiện đại nhất được Milton xây dựng. Năm 1905, nhà máy được hoàn thành và bắt đầu sản xuất các loại socola thơm ngon với mức giá phải chăng. Các sản phẩm mới này đều đạt được thành công và bán rất chạy. Milton đã biến socola từ mặt hàng xa xỉ thành đồ ăn vặt mà mọi người đều có thể dễ dàng mua được.

Năm 1907, sản phẩm socola Hershey’s Kisses được cho ra mắt lần đầu tiên đã tạo được một cơn sốt trên toàn nước Mỹ. Doanh thu của công ty socola Hershey đạt mức chưa từng có trong lịch sử. Mỗi ngày, công ty sản xuất hơn 100 nghìn thanh socola, tiêu thụ ở thị trường trong nước và cả xuất khẩu. Sau đó, Milton đã cho ra mắt thêm 114 hương vị socola khác và những sản phẩm này cũng được công chúng đón nhận

Bên cạnh những nhà máy với trang thiết bị hiện đại, Milton Hershey còn cho xây dựng một thành phố thu nhỏ với đầy đủ tiện nghi như trường học, bệnh viện, nhà hát, thư viện,... Ông mong muốn công nhân của mình có thể sống, lao động và vui chơi trong môi trường tốt nhất. Vì vậy, nhiều công nhân bày tỏ nguyện vọng được làm việc đến hết cuộc đời cho Milton. Hershey là một trong những công ty hiếm hoi không cắt giảm hay sa thải người lao động trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế những năm 1930.

Thế chiến thứ II nổ ra, để giúp đỡ người dân trong tình trạng thiếu lương thực, Milton đã nghĩ ra một sản phẩm socola nhỏ gọn chứa nhiều chất dinh dưỡng. Thậm chí, quân đội Mỹ còn đặt hàng kẹo dinh dưỡng này. Trong giai đoạn 1940-1945, quân đội đã mua hơn 3 tỷ thanh socola từ công ty Hershey. Bên cạnh đó, nhà máy Hershey còn được nhận huy chương cống hiến cho đất nước.

Sản phẩm socola Hershey nhanh chóng nổi tiếng không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Cuối những năm 1945, sản lượng socola được sản xuất bởi nhà máy Hershey là 24 triệu thanh mỗi tuần.

Ngày nay, Hershey là một trong những nhà sản xuất socola lớn nhất thế giới. Các sản phẩm của công ty có mặt khắp nước Mỹ và hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới. Về tình hình kinh doanh, năm 2020, công ty Hershey có doanh thu 8,1 tỷ USD (tăng 2,04% so với năm 2019), lợi nhuận ròng đạt 1,28 tỷ USD (tăng 11,25% so với năm 2019).

Đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất với Hershey là Mars. Cả Hershey và Mars vẫn đang có một cuộc chiến khốc liệt tranh giành ngôi vương. Kể từ thập niên 70, Mars đang đứng đầu thị phần bánh kẹo, lớn hơn 14% so với Hershey. Nhưng Hershey cũng đã làm rất tốt trong việc đa dạng hóa sản phẩm của mình. Trong 60 loại kẹo bán chạy nhất nước Mỹ, Mars chỉ có 9 thương hiệu, còn Hershey chiếm đến 17 loại. Thị phần về kẹo socola ở Mỹ do hai ông lớn này đang chiếm 70%, còn lại là Cadbury chiếm 9 và Nestle là 6%. 

Lòng nhân ái thể hiện qua các hoạt động thiện nguyện

Milton Hershey kết hôn với Catherine Kitty Sweeney vào ngày 25 tháng 05 năm 1898. Vợ ông không may qua đời sớm vào năm 1915, sau đó ông cũng không tái hôn. Với mong muốn giúp đỡ mọi người đặc biệt là những trẻ em mồ côi, vợ chồng ông đã thành lập trường công nghiệp Hershey vào năm 1909. Đây là trường nội trú dành cho các gia đình có thu nhập thấp giúp con em của họ có thể tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao. 

Năm 1918, Milton Hershey bí mật chuyển tất cả cổ phần trị giá khoảng 60 triệu USD vào một quỹ ủy thác mà chức năng chính của quỹ ủy thác này là tài trợ cho trường công nghiệp Hershey. Năm 1951, ngôi trường này được đổi tên thành trường Milton Hershey. Milton đã giải thích lý do vì sao ông thành lập trường: “Tôi không có người nối nghiệp, vì vậy tôi muốn các cậu bé mồ côi ở Mỹ trở thành người nối nghiệp của tôi”.

Năm 1935, Milton thành lập quỹ MS Hershey. Đây là một quỹ từ thiện với mục đích hỗ trợ các tổ chức từ thiện về giáo dục và văn hóa. Quỹ này đã xây dựng vườn thực vật, nhà hát và một bảo tàng lịch sử về cuộc đời và thành tựu của Milton Hershey.

4-1633437891.jpg

Milton Snavely Hershey mất vào ngày 13 tháng 10 năm 1945 do căn bệnh viêm phổi. Ông đã cho đi mọi thứ trong suốt cuộc đời của mình. Trong lễ tang của ông. chủ tịch Ngân hàng Citibank thời bấy giờ đã dành hết những lời tôn vinh cho Milton: “Một người đáng trân trọng”.

*Bài viết cần sự đồng ý của tác giả trước khi dẫn lại về website khác. Mọi hình thức copy không xin phép đều vi phạm bản quyền.

Nguyên Thảo

Vietnam Business Insider

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/ho-so-nha-sang-nghiep-cuoc-doi-ba-lan-pha-san-van-khong-dau-hang-so-phan-cua-ong-chu-de-che-socola-ty-do-hershey-a24013.html