Chân dung De Heus - đối tác vừa nhận phát triển mảng thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife

De Heus Việt Nam - công ty trực thuộc tập đoàn De Heus (Hà Lan), một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi hơn 100 năm tuổi, nằm trong top 3 công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất, đồng thời là công ty phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Tại Việt Nam, năm 2020 doanh nghiệp này đạt doanh thu 12.763 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp ở mức cao với 16%. Khấu trừ chi phí, De Heus Vietnam đạt lợi nhuận sau thuế 952 tỷ đồng.

Ngày 14/9 vừa qua đã diễn ra sự kiện đáng chú ý trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất thực phẩm. Đó là cái “bắt tay” giữa 2 ông lớn Masan và De Heus khi trở thành đối tác chiến lược của nhau. Hai bên sẽ ký Bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác đối tác (MOU). Theo đó Masan MEATLife (MML) sẽ tập trung vào thế mạnh chính là doanh nghiệp tiên phong ở thị trường thịt mát. Còn đối tác của MML quản lý giai đoạn cung cấp kỹ thuật nuôi dưỡng, chăn nuôi và con giống.

242077754-4323139554460541-1822158074106534684-n-1631852031.jpg 

Sự hợp tác của hai doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam này dự kiến sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên toàn bộ thị trường. Theo đánh giá của ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á, sự kiện lần này là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao các quy định về an toàn, vệ sinh cho chuỗi đạm động vật tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, nâng cao giá trị cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam ở khu vực và thế giới.

Đây cũng là dấu mốc mới đưa tên tuổi của De Heus đến gần hơn với người tiêu dùng, khi doanh nghiệp này được vinh danh trong top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín Việt Nam 2020, và top 11 tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất toàn cầu.

Doanh nghiệp 100 năm tuổi và 12 năm chiếm lĩnh thị trường Việt

De Heus Việt Nam là công ty trực thuộc tập đoàn De Heus (Hà Lan). Tập đoàn này tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành thức ăn chăn nuôi gia súc, thủy sản và gia cầm. Hiện nay De Heus đã có nhà máy tại hơn 80 quốc gia, với 6000 nhân viên làm việc ngày đêm.

capvture-1631804404.PNG

Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam (Nguồn: coa.ctu.edu.vn)

Được thành lập ngày 28 tháng 4 năm 1911 bới Hendrik Anthonie de Heus, dưới cái tên ‘Graan- en Meelhandel H.A. de Heus’ (công ty Thương mại Ngũ cốc và Bột mì H.A. de Heus). Đến năm 1998 công ty đã trở thành doanh nghiệp lớn thứ 2 về thức ăn chăn nuôi tại Hà Lan. Với thương vụ mua lại một số nhà máy tại Ba Lan năm 2002, tập đoàn này chính thức bước chân vào thị trường quốc tế. Trong những năm tiếp theo, công ty liên tục vươn rộng và thành công trong các hoạt động mua lại và liên doanh tại các nước khác như: Ai Cập, Cộng hòa Séc, Nga…

Năm 2008 - đánh dấu sự đầu tư của nhà De Heus vào thị trường Việt Nam bằng việc mua lại hai nhà máy tại Bình Dương và Hải Phòng. Sau 12 năm phát triển, con số hiện tại là vô cùng ấn tượng với 9 nhà máy cùng hệ thống kho bãi trải dài khắp Việt Nam. Gần đây tập đoàn tiếp tục có thêm 1 nhà máy tại Cambodia cùng hệ thống phòng thí nghiệm và đội ngũ chuyên gia dày dạn.

Đến nay, De Heus đã nằm trong top 3 công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất, đồng thời là công ty phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Trong 4 năm từ 2016 - 2019, doanh thu công ty tăng trưởng 34%, lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 715 tỷ đồng. Năm 2020 De Heus Vietnam đạt doanh thu 12.763 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp ở mức cao với 16%. Khấu trừ chi phí, De Heus Vietnam đạt lợi nhuận sau thuế 952 tỷ đồng, ngang ngửa với tập đoàn lớn hiện nay là Dabaco (DBC).

Trong chuỗi sản xuất và nuôi trồng ở nước ta, De Heus vẫn luôn có được vị trí vững chắc ở tất cả các phân khúc sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho động vật, thủy hải sản. Có được thành công như vậy là chính sách áp dụng khắt khe các tiêu chuẩn quốc tế nhằm cung cấp những sản phẩm tốt nhất, với giá trị bền vững cho khách hàng.

Triết lý “không cạnh tranh với người nông dân”

163454390-3802687193172449-3827426854561430903-n-1631851969.jpg

Nhà máy của De Heus

Giá trị làm nên thương hiệu vững mạnh của De Heus suốt 12 năm qua là triết lý “không cạnh tranh với người nông dân”. Theo ông Gabor Fluit, khi tập đoàn mua lại 2 nhà máy vào năm 2008, ban lãnh đạo vẫn tiếp tục ký hợp đồng 6 tháng với các công nhân, rồi sau đó mới áp dụng cụ thể các kế hoạch. Ông nêu rõ “De Heus cam kết không cạnh tranh với người chăn nuôi. Họ là đối tác, chứ không phải đối thủ của chúng tôi”.

De Heus liên kết với các hộ chăn nuôi, cung cấp và đào tạo những kiến thức và dụng cụ cần thiết để tạo ra những sản phẩm sạch. Với sự cải tiến không ngừng các công nghệ kỹ thuật, doanh nghiệp này được đánh giá cao khi góp phần làm thay đổi bộ mặt ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

21192325-1278373745605295-6510516884952389690-n-1631853085.jpg

Gabor Fluit - Tổng giám đốc điều hành De Heus Châu Á

Là doanh nghiệp luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, ngoài sản xuất kinh doanh thì công ty cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Trong đó, nổi bật là dự án  ‘Powering Progress with Eye Care’ hướng đến nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe mắt, bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại tỉnh có tỉ lệ bệnh mắt cao nhất – Vĩnh Long. Ngoài ra, De Heus còn là một trong những nhà tài trợ chính của dự án “Hạt Mầm Xanh” – nuôi dưỡng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em học tiếng Anh, tin học và hỗ trợ các em thành công dân có ích cho xã hội.

Chí Thanh - Vietnam Business Insider

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/doi-tac-moi-cua-masan-la-doanh-nghiep-trong-top-10-cong-ty-thuc-an-chan-nuoi-a23838.html