Những khúc gấp ở Sacombank - Từ cuộc thâu tóm năm xưa đến ngân hàng của những nhà đầu tư F0

Cổ phiếu STB của Sacombank tăng giá trong vòng 15 tháng qua mang lại không ít trái ngọt cho nhà đầu tư mới. Song, ai là người thực sự "hạnh phúc" khi chứng khiến đà tăng này.

Làn sóng tăng giá của cổ phiếu dòng ngân hàng vừa qua, trong đó có Sacombank (HoSE: STB) mang lại không ít trái ngọt cho thế hệ nhà đầu tư mới, thường được gọi là F0. Song hẳn ít người chú ý đến một nhân vật mà lâu nay lại ít được nhắc tới. Đó là ông Trầm Bê. Có lẽ ông mới là người hạnh phúc hơn cả khi chứng kiến sự tăng trưởng phi mã về thị giá STB.

Cuộc thâu tóm Sacombank của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê không thể đến đích nếu không có sự “hậu thuẫn” của bầu Kiên.

Kỳ 1: Người “hạnh phúc” khi cổ phiếu STB tăng giá

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã bán phân nửa trong số hơn 75 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang nắm giữ và tiếp tục bán. Thực tế, đây là số cổ phiếu được dùng làm tài sản đảm bảo cho một số khoản vay và Eximbank đã giải chấp để người vay bán cổ phiếu trả nợ ngân hàng. Bên vay là nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê. Như vậy, Eximbank thu hồi được khoản nợ lớn, xử lý dứt điểm sở hữu chéo với Sacombank. Còn với bên vay, họ giải quyết được món nợ lâu năm.

Hết tiền mua cổ phiếu

Nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê, trong đó chủ yếu là ông Trầm Bê, là những người “hạnh phúc” hơn cả khi cổ phiếu của Sacombank tăng giá trong vòng 15 tháng qua. Cổ phiếu STB tăng trưởng trong trào lưu phát triển chung của thị trường chứng khoán và nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sự tăng giá của STB không một mình một chợ.

Ông Trầm Bê đã chờ đợi quá lâu thời điểm này. Mười hai năm trước, khi mua cổ phiếu STB, hẳn ông không bao giờ tính được phải giữ cổ phiếu dài hơi đến thế.

Khi còn nhỏ, ông Trầm Bê không được học hành nhiều, có lẽ, tại gia đình ông nghèo. Bố mẹ ông có bốn người con, đặt tên là A, Bê, Xê, Đê. Ông là con thứ hai, nên có tên Trầm Bê.

Tuy nhiên, việc không được học hành đến nơi đến chốn không ảnh hưởng đến sự nhạy bén trong kinh doanh của ông.    

Thường người ta thâu tóm một ngân hàng khi thị giá cổ phiếu của nó quá thấp, thấp hơn giá trị thực. Năm 2009, cổ phiếu ngân hàng rớt giá thê thảm và cổ phiếu STB cũng không là ngoại lệ. Đấy là lúc ông Trầm Bê bắt đầu mua vào STB. Đến giữa năm 2011, ông nhẩm tính ông và những người có liên quan đã có trong tay 23-24% cổ phần của Sacombank và ngừng mua.

Sự nhẩm tính của ông cao hơn thực tế. Vào thời điểm đó, nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông sở hữu chưa đầy 20% cổ phần STB, vì Sacombank đã sử dụng nguồn vốn thặng dư mua 10% cổ phiếu quỹ, do đó, tỷ lệ của nhóm ông bị pha loãng. Và nhóm ông không mua tiếp vì hết… tiền. Phần lớn tiền mua cổ phiếu STB cho đến bấy giờ được nhóm nhà đầu tư này vay của Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank). Southern Bank mất thanh khoản, bị kiểm soát đặc biệt và buộc phải ngừng cung cấp tín dụng.

Tôi hẹn phỏng vấn ông Trầm Bê tầm ba tháng trước khi Southern Bank bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. Ông tiếp tôi tại trụ sở của ngân hàng này ở quận 11, TP.HCM. Ban đầu, ông Nguyễn Văn Nhân, nguyên Tổng giám đốc Southern Bank cũng có mặt. Ông Trầm Bê hút thuốc liên tục, khói mù mịt, ông nghiện thuốc lá.

“Vì sao ông chọn cổ phiếu  của Sacombank?” - tôi mào đầu. “Vì nó rẻ. Một, hai năm sau hết khủng hoảng, giá sẽ lên, tôi bán lại kiếm lời” - ông thủng thẳng trả lời, đi ngay vào vấn đề, không quanh co. Một số lần gặp sau này, kể cả khi đã tiếp quản Sacombank, ông cũng trả lời ngắn gọn, thẳng thắn những câu hỏi của tôi.

Khi ông Trầm Bê ngừng mua cổ phiếu STB, ai đã mua tiếp? Năm 2011-2012, đó là một số thể nhân và pháp nhân có liên quan đến Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu (Eximbank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Nhóm nhà đầu tư và ông Trầm Bê đã mua cổ phiếu STB theo kiểu cuốn chiếu. Họ thế chấp cổ phiếu STB đang có ở những ngân hàng khác như Eximbank, ACB, VietBank, KienLongBank để mua tiếp. Đến nay, trừ Eximbank còn nắm giữ vài chục triệu cổ phiếu STB dưới dạng tài sản đảm bảo, tất cả cổ phiếu của Sacombank thế chấp ở ngân hàng khác đã được xử lý, thu hồi nợ gốc và lãi.

Sau từng ấy năm sở hữu, cộng lãi tiền vay, giá thành cổ phiếu STB mà nhóm ông Trầm Bê giữ đã tăng gấp đôi so với giá gốc. Chưa kể, đầu năm 2012, khi mua lại cổ phiếu của những thành viên Hội đồng Quản trị Sacombank cũ, nhóm ông Trầm Bê đã trả một mức giá cao hơn giá thị trường khoảng ba chấm, tức 30.000 đồng/cổ phiếu.

Bây giờ, thị giá cổ phiếu STB dao động quanh 30.000 đồng, nhóm ông Trầm Bê đã có thể bán ra, thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng.

Ngày đáng nhớ của Sacombank

Ngày 26/5/2012, Sacombank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, bầu những người đại diện mới vào Hội đồng Quản trị. Hôm đó, lần đầu tiên, ông Kiều Hữu Dũng xuất hiện. Ông mặc áo vest rất đẹp và cười rất tươi, cầm trong tay bài phát biểu được chuẩn bị dài hai trang giấy. Ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) được cho là người đã giới thiệu ông Dũng với ông Trầm Bê. Ông Kiên hôm ấy cũng có mặt. Ông Kiên nói với ông Dũng: “Ông vào đây đại diện cho số cổ phần của tôi”. Trong phần lớn thời gian đại hội, ông Dũng ngồi gần ông Trầm Bê. Ông hỏi ông Bê: “Anh ơi, ông Kiên có bao nhiêu phần trăm cổ phần ở đây?”. Ông Trầm Bê không nói gì, chỉ ra hiệu bằng cách khoanh ngón tay trỏ vào ngón tay cái thành vòng tròn, ý nói không phần trăm.

Sau từng ấy năm sở hữu, cộng lãi tiền vay, giá thành cổ phiếu STB mà nhóm ông Trầm Bê giữ đã tăng gấp đôi so với giá gốc.

Ông Trầm Bê không nói sai. Sự thực, bầu Kiên chẳng nắm giữ mảy may một cổ phiếu STB nào. Nhưng cuộc thâu tóm Sacombank của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê không thể đến đích nếu không có sự “hậu thuẫn” của bầu Kiên. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, bầu Kiên có vai trò nặng ký ở ACB và Eximbank. Muốn vay thêm tiền ở hai ngân hàng này (sau khi đã vay những ngân hàng khác) để mua cổ phiếu STB đủ giữ tỷ lệ chi phối, nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê cần có tiếng nói “phê duyệt” của bầu Kiên. Đây là một trong những lý do có thể giải thích tại sao không ít người trong ban lãnh đạo cũ của Sacombank nghĩ rằng, bầu Kiên mới là “tổng chỉ huy” thương vụ thâu tóm Sacombank.    

Sau Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/5/2012, ông Trầm Bê chính thức trở thành Phó chủ tịch của Sacombank. Giữa tháng 10/2015, Southern Bank chính thức sáp nhập vào Sacombank. Từ cuộc sáp nhập gây nhiều tranh luận trong giới tài chính này, Sacombank trở thành một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản thấp trong hệ thống.

Đầu năm 2014, tôi viết bài “Bầu Kiên và vàng” (xem link Những câu chuyện độc về bầu Kiên, vàng và ACB). Nhiều bạn đọc đã đề nghị viết tiếp câu chuyện về bầu Kiên và cuộc thâu tóm Sacombank. Hôm nay có thể là thời điểm thích hợp để kể lại chuyện ngày cũ.

Người thu xếp vốn

Ông Trầm Bê buôn bán vàng khá sớm. Khác với bầu Kiên, ông ít khi “thua” ở mảng này. Đơn giản, như ông từng “bật mí” trong một lần phỏng vấn: “Giá thấp tôi mua, giá cao tôi bán và cứ có lãi là bán”. Ông không tham lãi nhiều. Ông canh chừng giá thấp để mua. Công ty Kinh doanh vàng bạc đá quý của Southern Bank thời gian đầu có lợi nhuận tương đối.

Sau này, khi về Sacombank, nơi cũng có công ty kinh doanh vàng bạc đá quý, ông lập một đội 8 nhân viên giỏi để chuyên theo dõi giá vàng quốc tế, trong nước và ông chỉ đạo kinh doanh cả 8 người một lúc. Một nhân viên của Sacombank từng quan sát ông “chỉ huy” mua bán vàng nhận xét rằng, ông “cảm nhận” được vàng!

Giao dịch vàng, bầu Kiên không khó để nhận ra sự nhanh nhạy của ông Trầm Bê đối với vàng. Họ đã biết tiếng nhau trong giới tài chính, nhưng vàng là “đầu câu chuyện” của họ. Một số người trong giới kinh doanh vàng thời ấy nói bầu Kiên “sảy chân với vàng”, vì ông nhanh và nóng, còn Trầm Bê thì nhanh và lạnh.

Nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê đã vay được một số vốn nhất định từ ACB để tiếp tục thâu tóm Sacombank khi họ hết tiền mua. Trên thị trường bắt đầu có những ý kiến cho rằng, ACB dàn xếp vốn và đứng sau thương vụ thâu tóm. Năm 2011, tôi hỏi bầu Kiên: “ACB có mua STB không?”, ông nói: “Không”, nhưng ông thừa nhận, ông dàn xếp vốn cho nhóm nhà đầu tư của ông Trầm Bê. Ông nhấn mạnh chỉ dàn xếp vốn, chứ “ không sở hữu một cổ phiếu nào của STB”.

Vì sao bầu Kiên thu xếp vốn cho nhóm ông Trầm Bê mua cổ phiếu STB và một số ngân hàng khác nữa? Tôi đã gặng hỏi bầu Kiên nhiều lần câu này. Một lần, ông trả lời đại ý là chuyện dài lắm. Lần khác, ông hỏi ngược lại tôi: “Cho vay độ một năm họ có trả được không?”. Tôi ngẫm nghĩ: “Không trả được thì kéo dài thành 2 năm”. Ông bảo tôi: “Đoán sắp tới rồi đấy”. “Tới rồi là sao?”. “Khi họ không trả được nợ, họ sẽ giao cổ phần các ngân hàng họ đang giữ cho tôi”.

Lúc ấy, tôi mới vỡ lẽ về “thế trận thâu tóm ngân hàng” của bầu Kiên. Ông “vận dụng” luật lệ, quy định một cách “khéo léo” đến mức khó tin và đáng ngại.

Kỳ 2: Sacombank - ngân hàng của nhà đầu tư F0?

Sacombank - ngân hàng của nhà đầu tư F0?

Hiện tại, các nhà đầu tư F0 dành cho cổ phiếu STB sự quan tâm đặc biệt. Họ chính là một trong những vị chủ nhân hiện tại và tương lai của thị trường tài chính Việt. Khi đó, bóng dáng nhóm nhà đầu tư ông Trầm Bê mới có thể khuất hẳn ở Sacombank và câu chuyện thâu tóm “cá bé nuốt cá lớn” ly kỳ sẽ khép lại.     

Bước ngoặt đầu tiên

Tháng 8/2015, cơ quan quản lý ngành có những buổi làm việc quyết liệt với Sacombank về tái cơ cấu, xử lý khối nợ của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê ở cả Sacombank, Southern Bank và một số tổ chức tín dụng khác. Trước các cuộc họp, Southern Bank đã xin được sáp nhập vào Sacombank.

Khi làm đề án tái cơ cấu sau sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, dường như không ai nhìn thấy con đường để giải quyết tổng nợ gộp lại trong đó. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lúc bấy giờ, ông Nguyễn Phước Thanh sau này nói lại trong một buổi trò chuyện: “Nếu thu được 20% lãi dự thu là mừng”.

Ngày cuối cuộc họp cuối diễn ra căng thẳng. Đại diện thanh tra NHNN vò đầu bứt tai. Vụ Pháp chế (NHNN) đã soạn thảo trước một văn bản, theo đó điểm mấu chốt là nhóm nhà đầu tư liên quan ông Trầm Bê phải ủy quyền 52,35% cổ phần STB cho NHNN hoặc tổ chức do NHNN chỉ định. Cổ phần thì ủy quyền hết, nhưng nghĩa vụ trả nợ thì nhóm nhà đầu tư vẫn phải gánh. Ông Trầm Bê cắc cớ: “Tài sản là cổ phiếu NHNN lấy, nợ chúng tôi chịu, vậy chúng tôi làm gì trả nợ?”

Những người trong Hội đồng Quản trị Sacombank đã khuyên ông Trầm Bê hợp tác với Nhà nước để giải quyết nợ, đừng đi theo “vết xe đổ” của những ngân hàng trước đấy, dẫn đến việc NHNN mua lại bắt buộc. Một trong số họ có mặt hôm ấy bày tỏ với NHNN ý muốn hợp tác của ông Trầm Bê. Người đứng đầu cơ quan quản lý đáp: “Chúng tôi cũng mong như vậy”.

Cuối cùng, các bên thống nhất ủy quyền là quyền biểu quyết, quyết định các vấn đề quan trọng về quản trị, không ủy quyền sở hữu. Quyền sở hữu 52,35% cổ phần STB vẫn của nhóm nhà đầu tư liên quan ông Trầm Bê.

Ngày 13/8/2015, NHNN phát đi thông cáo báo chí về việc “ông Trầm Bê hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan. Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập”.

Động thái này đã mở ra một chương mới mang tính bước ngoặt cho việc tái cơ cấu Sacombank. Ở đây, cần phải ghi nhận sự đóng góp công sức không nhỏ của ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank hiện nay trong việc vận động các cấp quản lý của Nhà nước thông qua đề án tái cơ cấu ngân hàng.

Trong đề án tái cơ cấu Sacombank, có một điều khoản yêu cầu Ngân hàng định giá cổ phiếu STB của nhóm ông Trầm Bê. Quan điểm của NHNN được thể hiện rõ: Nhà nước đưa ra cơ chế để giải quyết, thì lợi ích cổ phiếu tăng giá là của Nhà nước. Vấn đề là định giá cổ phiếu STB thế nào. Thị giá cổ phiếu STB trên HoSE năm 2015 không phản ánh đầy đủ tiềm năng xử lý nợ của Ngân hàng. Chính vì thế, việc quyết định cho phép xử lý (bán) lượng cổ phiếu uỷ quyền nói trên thuộc Thủ tướng Chính phủ. 

Vận may còn lại 

Trước khi ông Trầm Bê ra khỏi Sacombank, có khá nhiều mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước về việc tham gia vào ngân hàng với tư cách cổ đông lớn. Một số tập đoàn tài chính ngoại đánh tiếng về việc mua lại cổ phần của nhóm ông Trầm Bê tại Sacombank với giá từ 3 đến 4 chấm, đủ cho ông Trầm Bê trả nợ gốc và một phần lãi số tiền vay để mua cổ phiếu trước đây.

Đại diện cấp cao NHNN, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tôi tại thời điểm đó, đã nói, ông tin Sacombank sẽ tái cơ cấu được vì hai lý do. Thứ nhất, tài sản đảm bảo cho các khoản vay ở Sacombank chủ yếu là bất động sản, rất có giá trị khi nhìn về tương lai 5 năm tới, lúc giá nhà đất phục hồi. Thứ hai, Sacombank có mạng lưới rộng, đặc biệt là khu vực miền Nam. Nếu cổ đông ngoại nào đó nắm quyền chi phối Sacombank, phát triển ngân hàng số kết hợp với mạng lưới truyền thống, có thể tác động đến việc huy động vốn trên thị trường tiền tệ. Đây là điều cơ quan quản lý không thể không để ý đến.

Nhận định trên của NHNN tỏ ra có cơ sở khi từ giữa năm 2017, Sacombank có dàn lãnh đạo mới và tốc độ xử lý nợ xấu được đẩy nhanh. Những khoản vay lớn đầu tiên được bóc gỡ thông qua việc phát mãi tài sản thế chấp là đất đai. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phục hồi, cổ phiếu ngân hàng, trong đó có cổ phiếu STB, bước vào “làn sóng thứ hai” - làn sóng tăng trưởng mới.

Lần này, vận may đã thực sự mỉm cười với nhóm nhà đầu tư ông Trầm Bê. Cổ phiếu STB thế chấp ở một số tổ chức tín dụng khác như KienLongBank đã được giải quyết bằng cách giao dịch thoả thuận với một số tổ chức, cá nhân, sau đó các đối tác mua thoả thuận mang ra bán lại trên sàn. Các nhà đầu tư F0 đã dành cho cổ phiếu STB sự quan tâm mà không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng có được. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng cổ đông của Sacombank tăng gấp đôi, hiện tại khoảng 100.000 người. Sacombank trở thành doanh nghiệp niêm yết đại chúng nhất trên sàn xét về số lượng cổ đông.

Trong hơn một năm qua, sức hút cổ phiếu STB ngày càng lớn. Có những phiên STB khớp lệnh 100 triệu đơn vị, mức thanh khoản mà nhiều cổ phiếu khác mơ ngày ước đêm. Tin tức thị trường cũng chuyển động quanh cục cổ phiếu 32,5% mà nhóm ông Trầm Bê còn quyền sở hữu nhưng không có quyền biểu quyết.

Tin nhóm này nhóm kia thâu tóm Sacombank thêm một lần lan rộng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đồn thổi vẫn chỉ là đồn thổi. Tôi đã đặt câu hỏi về Sacombank với đại diện một số nhóm nhà đầu tư liên quan đến tin đồn trên thị trường. Câu trả lời nhận được là những cái lắc đầu. Thời nay, kinh doanh ngân hàng đã khác. Họ không cần phải bỏ ra một khoản tiền quá lớn, cả tỷ đô la Mỹ để đặt chân vào vị trí “ông chủ” Sacombank. Hấp lực kinh doanh ngân hàng đang thể hiện trên nhiều góc độ, ở nhiều ngân hàng mà tốc độ phát triển cũng như quy mô cao hơn Sacombank. Hà cớ gì cứ phải “lao vào” một ngân hàng vốn không ít “dớp”, như một vài nhóm nhà đầu tư coi trọng tâm linh nhìn nhận Sacombank?

Làn sóng thứ hai của cổ phiếu ngân hàng mới chỉ đi được một đoạn đường. Chứng khoán có thời điểm chùng xuống, nhưng nhìn về lâu dài sẽ tiếp tục vươn cao cho mốc 2.000 điểm trong những năm tới. Hoà vào dòng chảy tăng trưởng chung của thị trường, cục cổ phiếu 32,5% của STB rồi sẽ được xử lý trên sàn với sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư. Sacombank sẽ thành ngân hàng của các nhà đầu tư F0 - một trong những vị chủ nhân hiện tại và tương lai của thị trường tài chính Việt. Khi đó, bóng dáng nhóm nhà đầu tư ông Trầm Bê mới có thể khuất hẳn ở Sacombank và câu chuyện thâu tóm “cá bé nuốt cá lớn” ly kỳ sẽ khép lại.

Các nhà đầu tư F0 đã dành cho cổ phiếu STB sự quan tâm mà không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng có được. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng cổ đông của Sacombank tăng gấp đôi, hiện tại khoảng 100.000 người. Sacombank trở thành doanh nghiệp niêm yết đại chúng nhất trên sàn xét về số lượng cổ đông.

Hải Lý/Báo Đầu Tư

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/nhung-khuc-gap-o-sacombank-ky-1-nguoi-hanh-phuc-khi-co-phieu-stb-tang-gia-a23805.html