Bị 'làm khó' ở sân nhà, Alibaba và Tencent cạnh tranh khốc liệt tại Đông Nam Á

Việc bị bủa vây bởi chính quyền ngay chính trên sân nhà cũng như căng thẳng chiến tranh thương mại đang khiến các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở các thị trường thay thế, cụ thể là Đông Nam Á – nơi đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa Alibaba và Tencent.

ttxvnalibaba-1631611580.jpg
Nhân viên đóng gói hàng hóa để giao cho khách hàng tại trung tâm dịch vụ của Alibaba ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. ( Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngay sau khi Tencent công bố kế hoạch huy động hơn 6 triệu đô la Mỹ cho SEA Ltd, Alibaba cũng công bố hàng loạt thương vụ đầu tư khắp Đông Nam Á, cụ thể là rót thêm 10 triệu đô la Mỹ vào công ty bán lẻ nội địa Ficus Asia Investment thông qua quỹ eWTP hay thương vụ sát nhập trị giá 18 tỷ đô la Mỹ giữa Gojek và Tokopedia (GoTo) tại Indonesia hồi cuối tháng 5.

Với khoản đầu tư mới nhất vào Ficus Asia Investment, Alibaba đã nâng tổng số vốn đầu tư vào doanh nghiệp này lên đến 60 triệu đô la Mỹ kể từ khoản vốn đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái. Tại thời điểm đó, công ty khởi nghiệp này cho biết sẽ cân nhắc mở rộng phạm vi hoạt động tại các thị trường nước ngoài thay vì chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam như hiện tại.

Do ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nên ít người biết rằng Ficus hiện đang sở hữu nhiều cổ phần tại nhiều công ty Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ, logistics, đến công nghệ. Bản thân doanh nghiệp này cũng được giới khởi nghiệp đồn đoán sẽ trở thành “ông lớn” tiếp theo tại Việt Nam và thậm chí là Đông Nam Á.

Ficus đăng ký kinh doanh tại Singapore nhưng chủ yếu hoạt động tại Việt Nam – một điều khá phổ biến ở các startup nội địa. Ông Đinh Anh Huân, chủ tịch Ficus được biết đến là một trong những đồng sáng lập Thế Giới Di Động. Giám đốc điều hành của Ficus – ông Nguyễn Hoành Tiến cũng từng đảm nhận chức vụ phó chủ tịch tại VNG – “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam.

Nắm trong tay phần lớn cổ phần tại Seedcom – vốn đang điều hành hệ sinh thái bán lẻ ấn tượng ngay tại thị trường nội địa như Scommerce (logistics, vận hành thương hiệu Giao Hàng Nhanh), The Coffee House (chuỗi cà phê), Haravan (dịch vụ bán hàng), Juno, Hnoss (thời trang), Ficus được kỳ vọng sẽ giúp Alibaba củng cố được vị thế của mình tại Việt Nam cũng như tại Đông Nam Á.

Alibaba gần đây cũng đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động bán lẻ thực phẩm nội địa thông qua khoản đầu tư vào Homefarm tuần trước hay Masan hồi tháng 5 với tham vọng sẽ chiếm lĩnh được thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Trong lúc đó, Tencent, đối thủ lớn nhất của Alibaba tại khu vực Đông Nam Á, cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi ráo riết thực hiện kế hoạch huy động vốn khủng cho SEA Ltd – công ty mẹ của Shopee đang niêm yết tại sàn chứng khoán Mỹ NYSE. Gã khổng lồ Trung Quốc trước đó từng khẳng định Shopee hiện đang dẫn đầu thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á và Đài Loan.

Nhờ vào việc nắm quyền chi phối hoạt động của SEA, Tencent trong nhiều năm vừa qua đã gia tăng sự hiện diện của mình khắp Đông Nam Á thông qua các startups như Voyacer, Sanook, Iflix, hay ứng dụng thanh toán SeaMoney.

Vào tháng 12 năm ngoái, SEA đã thành công lấy được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số. Điều này có nghĩa là SEA đã chính thức gia nhập thị trường thanh toán kỹ thuật số Đông Nam Á – ngang hàng với Ant Financial (hậu thuẫn bởi Alibaba) hay Google.

Mặt khác, trái ngược với sự sôi động tại khu vực Đông Nam Á, hoạt động của hai ông lớn này lại khá ảm đạm ngay chính trên sân nhà Trung Quốc bởi hàng loạt quy định nhằm hạn chế sự mở rộng của các tập đoàn công nghệ. Trong khi ở các nước phương Tây, sự căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Động thái mới nhất, giới chức Trung Quốc vào ngày 17/8 đã đưa ra dự thảo các quy tắc chống độc quyền có thể làm tổn hại đến mô hình kinh doanh của những doanh nghiệp như Alibaba và Tencent.

Alibaba được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả bởi các bê bối “tấn công tình dục” của các lãnh đạo công ty và vụ chèn ép các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giành thế độc quyền trên thị trường.

Trong khi đó, chính quyền các nước phương Tây vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Trung Quốc kinh doanh tại quốc gia của họ. Như trường hợp của Mỹ, đó là hoạt động niêm yết cổ phiếu. Một số nhà quản lý tài sản toàn cầu đang đưa cổ phiếu công nghệ Trung Quốc vào nhóm “không thể đầu tư.”

 

 

 

 

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/alibaba-va-tencent-canh-tranh-khoc-liet-tai-dong-nam-a-trong-luc-bi-han-che-ngay-tren-san-nha-a23802.html