Vì sao VND lên giá cao nhất 3 năm so với USD?

Tỷ giá USD/VND hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2018 nhờ một loạt các yếu tố trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo tỷ giá cuối năm sẽ có xu hướng tăng do ảnh hưởng từ kỳ vọng tăng lãi suất của FED, cũng như những rủi ro nội tại mà Covid-19 tạo ra

Tỷ giá USD/VND xuống thấp kỷ lục

Trong tuần cuối cùng của tháng 8, tỷ giá trung tâm đã giảm 35 đồng từ 23.177 VND/USD về mức 23.142 VND/USD. Tỷ giá tại ngân hàng cũng đóng cửa tuần với mức giảm 38 đồng từ 22.818 VND/USD xuống còn 22.780 VND/USD. Đây là mức tỷ giá thực tế thấp nhất trong vòng hơn 3 năm trở lại đây.

Tính từ đầu năm, tiền Đồng đã tăng giá 1,4% so với USD và là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực.

z2737528610813-a72ec2e64f8e46341a2af738259d21a9-1630843569.jpg
Chú thích ảnh

Đà tăng giá của VND so USD là kết quả của cả yếu tố quốc tế và trong nước.

Theo đó, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối tháng 1/2020, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất điều hành về mức 0-0,25% (cận dưới-cận trên) và tái khởi động lại chương trình mua vào trái phiếu (hay còn gọi là nới lỏng định lượng “QE”), trong nỗ lực nhằm giải cứu nền kinh tế Mỹ khỏi suy thoái do đại dịch gây ra. Chính sách nới lỏng chưa từng có tiền lệ cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm của nước Mỹ đã khiến đồng USD liên tục suy yếu. 

Tại ngày 5/9, chỉ số U.S. Dollar Index (DXY) - thước đo sức mạnh đồng USD với đồng tiền chủ chốt - dừng ở 92,11 điểm, tăng khoảng 2% kể từ đầu năm nhưng đã giảm 9,7% so với mức đỉnh ghi nhận vào cuối tháng 3/2020. Sự suy yếu của USD trên thị trường quốc tế là nhân tố quan trọng giúp VND xác lập được mức đỉnh cao nhất 3 năm đối với đồng tiền này.

z2736514521661-931de1a4dd182a3718050408be58345e-1630843566.jpg
Diễn biến chỉ số US Dollar Index trong 5 năm qua. (Nguồn: Tradingview)

Trong nước, đà giảm của tỷ giá USD/VND cũng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các nhân tố liên quan đến cung cầu ngoại tệ. Cụ thể, dù cán cân hàng hóa nhập siêu gần 3,9 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nhưng nguồn cung ngoại tệ vẫn được duy trì bởi dòng vốn FDI giải ngân và kiều hối, giúp tỷ giá duy trì mức thấp như hiện nay. 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, riêng 6 tháng đầu năm, lượng kiều hối chảy về TP HCM đạt 3,2 tỷ USD, tăng 22,34% so với cùng kỳ.

Về phía cầu ngoại tệ, trong nửa đầu năm nay, NHNN đã ngừng mua ngoại tệ giao ngay từ các ngân hàng và chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang. 

Bên cạnh đó, nhà điều hành cũng đã có hai lần giảm tỷ giá mua vào USD trong tháng 6 và tháng 8 với tổng mức giảm là 375 đồng, tương đương 1,62%.

Theo giới phân tích, động thái này thể hiện NHNN không còn đẩy mạnh mua USD; đồng thời việc mở rộng kỳ hạn mua USD lên 6 tháng kèm điều kiện không được huỷ ngang 1 lần cho thấy việc bán USD có kỳ hạn cho NHNN đã trở nên khó khăn hơn nhiều.

Kết quả, trong nửa đầu năm nay, NHNN chỉ mua thêm khoảng 5,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 12 tỷ USD của cùng kỳ 2020.

Nguồn cung ngoại tệ vẫn tương đối dồi dào đi cùng với việc hạn chế mua vào của NHNN đã góp phần đưa VND lên đỉnh 3 năm so với đồng bạc xanh.

Tỷ giá USD/VND có thể tăng trở lại vào cuối năm nay

Trong thông báo mới nhất, NHNN cho biết sẽ áp dụng trở lại hoạt động mua ngoại tệ giao ngay sau hơn 8 tháng chuyển sang mua kỳ hạn.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng với việc Việt Nam đã thành công trong việc đàm phán với Mỹ để không bị gắn mác thao túng tiền tệ nhờ những lý do chính đáng và cần thiết để xây dựng dự trữ ngoại hối, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực hoạt động mua vào ngoại tệ trong thời gian tới, thay vì dè dặt như trong 7 tháng qua. Điều này có thể giúp tỷ giá USD/VND tăng trở lại, giúp giảm tải khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Trong nhận định mới đây về diễn biến kinh tế cuối năm 2021, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam, cho rằng nhìn về trung và dài hạn, đặc biệt từ nay đến cuối năm, quan điểm của đơn vị này là vẫn không bỏ ngỏ khả năng tiền đồng chịu áp lực mất giá trở lại với mức dự báo là 23.100 VND/USD vào cuối năm nay.

Theo đại diện HSBC Việt Nam, một trong những rủi ro cuối năm có thể kể đến là cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu, mối lo về giá cả hàng hóa cao hơn cùng khả năng lãi suất Mỹ bước vào chu kỳ tăng trở lại.

"Nhìn chung, có một điều khá chắc chắn rằng tỷ giá USD/VNĐ sẽ khó duy trì được xu hướng bình ổn như đã từng trải qua trong 6 tháng cùng kỳ 2020, thay vào đó sẽ có nhiều biến động hơn trong 6 tháng cuối năm, đến từ biến động trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các động thái của FED trong những tháng tiếp theo, cũng như những rủi ro nội tại mà Covid-19 tạo ra" - ông Ngô Đăng Khoa nhận định. 

Ngoài HSBC, một số tổ chức dự báo thậm chí tiền đồng tăng nhẹ, như Mirae Asset dự báo tiền đồng sẽ tăng giá trong biên độ quanh mức 0,5% trong năm nay. Công ty chứng khoán Maybank KimEng và Chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định tỷ giá USD/VND sẽ tăng nhẹ vào cuối năm nay.

Còn theo SSI Research, áp lực lên cán cân thanh toán tổng thể đã tăng dần khi số liệu về cán cân thương mại hàng hóa và giải ngân FDI trong tháng 8 không mấy tích cực. Cụ thể, theo ước tính từ Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 8 tiếp tục nhập siêu 1,3 tỷ USD trong khi đó giải ngân FDI cũng giảm tới 12% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,1 tỷ USD trong tháng 8.

“Diễn biến của VND trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát của dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai - tín hiệu quan trọng để có thể thu hút dòng vốn FDI giải ngân mới”, SSI Research nhận định.
 

Quốc Thụy

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/vi-sao-vnd-len-gia-cao-nhat-3-nam-so-voi-usd-a23735.html