Vì sao các ‘ông lớn’ bất động sản, ngân hàng đẩy mạnh thâu tóm công ty chứng khoán?

Một loạt thương vụ thâu tóm công ty chứng khoán mới đây đều có hình bóng của các "đại gia'' bất động sản, ngân hàng. Việc nắm trong tay công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ đắc lực hoạt động phát hành các loại giấy tờ có giá, huy động vốn.

z-a-5696-1629809794.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đầu tư Chứng khoán)

‘’Tay to’’ rót tiền thâu tóm công ty chứng khoán nhỏ

Thời gian gần đây, thị trường tài chính Việt Nam chứng kiến một loạt thương vụ đổi chủ tại các công ty chứng khoán nhỏ. Trong đó, xuất hiện dấu ấn rõ nét của các ‘’ông lớn’’ bất động sản, ngân hàng.

Đầu tháng 1/2021, Chứng khoán Việt Nam Gateway có biến động lớn về cổ đông khi ông Diệp Thành chuyển nhượng 23,7% vốn cho 4 nhà đầu tư. 

Ngay sau đó, Chứng khoán Việt Nam Gateway đã họp ĐHCĐ bất thường, miễn nhiệm toàn bộ 5 thành viên HĐQT cũ, bầu thay thế 3 thành viên mới. CTCK Việt Nam Gateway (HRS) đã 'thay máu' đổi tên thành Chứng khoán KS hồi tháng 3/2021 và cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiều cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:8,05 để tăng vốn lên hơn 1.000 tỷ đồng. Song hành cùng việc tăng vốn, công ty này cũng bổ sung thêm các nghiệp vụ tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC)chính thức sang tay đổi chủ cho nhóm các nhà đầu tư mới từ khoảng cuối năm 2020. Cụ thể, CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng và CTCP Việt Nam Equity đã bán ra tổng cộng 4,2 triệu cổ phiếu, tương đương 70% vốn điều lệ của DNSC. Ở chiều ngược lại, trong ngày 31/12/2020, ba cổ đông cá nhân là Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Thị Thu Hà và Tạ Văn Mạnh đã mua vào tổng cộng 75% cổ phần DNSC.

Ghi nhận từ nguồn thạo tin trên thị trường, đứng đằng sau thương vụ này là Tập đoàn Thành Công – doanh nghiệp đa ngành với thế mạnh trong lĩnh vực ô tô và đang đẩy mạnh hoạt động sang mảng bất động sản. Thông tin này càng có cơ sở khi trong đợt tăng vốn “khủng’’ sắp tới, nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần Đầu tư NTP (Công ty NTP) dự kiến mua 70 triệu cổ phiếu của DNSC, tương ứng 70% vốn điều lệ sau phát hành.

Công ty NTP mới được thành lập hồi đầu tháng 3 năm nay với các cổ đông sáng lập chính là 3 cá nhân Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Thị Thu Hà và Tạ Văn Mạnh. Công ty này có trụ sở chính tại tầng 8 tòa nhà Thành Công, số 80 phố Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy – nơi đặt trụ sở chính của Tập đoàn Thành công.

Trước đó, ĐHCĐ thường niên 2021 của DNSC đã thông qua nội dung thay đổi tên công ty thành CTCP Chứng khoán DSC. Đồng thời công ty cũng sẽ thay đổi địa chỉ trụ sở chính về toà Thành Công Building ở số 80 Dịch Vọng Hậu.

Gần đây, thị trường cũng chứng kiến việc thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao ở Chứng khoán Bảo Minh và quyết định nâng số lượng chào bán riêng lẻ từ mức 23 triệu cổ phiếu lên 43 triệu cổ phiếu, với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Một số nguồn tin cho biết, công ty này đã được nhóm cổ đông từ một ngân hàng mua lại.

Trước đó, TPBank cũng đã “kết nạp’’ TPS vào hệ sinh thái và đưa người sang giữ các cương vị chủ chốt trong năm 2019. Không những vậy, TPBank cũng liên tục rót tiền trong các đợt tăng vốn ‘’khủng’’ của TPS và chuẩn bị niêm yết công ty chứng khoán này trên sàn HOSE.

Tháng 7/2020, CTCP Chứng khoán Đại Nam (DNSE) cũng đã thông qua việc chuyển nhượng 98,23% vốn cho CTCP Công nghệ Tài chính Encapital và CTCP Encapital Holdings. Trong đó, Encapital Fintech – pháp nhân nhận chuyển nhượng số cổ phần chi phối tại DNSE có liên quan đến ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT VietABank và Việt Phương Group - tập đoàn đa ngành hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: bất động sản, khu công nghiệp, tài chính,...

Vì sao các ''ông lớn'' bất động sản, ngân hàng muốn có công ty chứng khoán riêng?

Việc ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán riêng phải là chuyện lạ tại Việt Nam như Vietcombank có VCBS, BIDV có BSC, Techcombank có TCBS, MB có MBS, SHB có SHS,…. Tuy nhiên, xu hướng doanh nghiệp bất động sản thâu tóm các công ty chứng khoán là một diễn biến đáng chú ý.

Việc nắm trong tay công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngân hàng và doanh nghiệp trong hoạt động phát hành các loại giấy tờ có giá. Thực tế, trong hầu hết những đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu vừa qua, các ngân hàng đều sử dụng công ty chứng khoán trực thuộc làm đơn vị tư vấn và tổ chức đăng ký, lưu ký thậm chí là bảo lãnh phát hành.

Mặt khác, ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản là hai đối tượng phát hành nhiều trái phiếu nhất trên thị trường Việt Nam. Số liệu của SSI Research cho thấy, doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng đã phát hành hơn 160.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm tới gần 77% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm.

Với nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu lớn như vậy, không quá khó hiểu khi cả ngân hàng và các tập đoàn bất động sản đều muốn sở hữu một công ty chứng khoán trong hệ sinh thái.

z2708075418650-fe8a6e6880ed0f39724c03564d394a26-1629807817.jpg
 

Riêng về phía các doanh nghiệp bất động sản, xu hướng siết chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro của Ngân hàng Nhà nước buộc họ phải tìm kiếm các dòng vốn mới như phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Do vậy, việc sở hữu một đơn vị chuyên biệt về mảng chứng khoán sẽ bổ trợ rất lớn trong việc thu xếp và huy động nguồn vốn trong các đợt phát hành giấy tờ có giá.

Ngoài ra, làn sóng thâu tóm các công ty chứng khoán cũng bắt nguồn từ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngừng cấp phép thành lập mới công ty chứng khoán. Do đó, dù có tiềm lực tài chính nhưng nhiều “ông lớn” gặp phải rào cản gia nhập ngành này. Vì vậy, việc mua lại công ty chứng khoán là phương án khả dĩ nhất để sở hữu giấy phép. Trong đó, công ty có quy mô càng nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả lại càng được các “đại gia” săn lùng vì chi phí sẽ thấp hơn.
 

Quốc Thụy

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/vi-sao-cac-ong-lon-bat-dong-san-ngan-hang-day-manh-thau-tom-cong-ty-chung-khoan-a23619.html