Hòa Bình lần đầu vượt Coteccons về doanh thu và lợi nhuận trong kỳ báo cáo quý: 3.180 tỷ đồng và 58 tỷ đồng vs 2.550 tỷ đồng và 45 tỷ đồng

Cổ đông Hòa Bình từng hỏi Chủ tịch Lê Viết Hải: “Liệu trong 3 năm tới, Hòa Bình có thể vượt Coteccons về doanh thu hay không? lúc đó ông Hải trả lời ‘chưa thể chắc chắn’. Tuy nhiên, 'điều không chắc chắn ấy' đã phần nào thành sự thật, song không phải bởi Hòa Bình làm gì đó thần kỳ mà đơn giản bởi Coteccons đang trượt dốc không phanh. Trong quý II/2021, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt gần 3.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 58 tỷ đồng. Trong khi con số của Coteccons là 2.550 tỷ đồng và 45 tỷ đồng

22-04-2015-8-50-28-ch-1429711059142-636607055074603030-1627653926.png
 

Lần đầu tiên trong lịch sử, doanh thu 6 tháng đầu năm của Hòa Bình vượt qua Coteccons

Hòa Bình và Coteccons vừa thông tin về báo cáo tài chính về quý II/2021 cũng như 6 tháng đầu năm 2021.

Theo BCTC hợp nhất quý II/2021, doanh thu thuần của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đạt gần 3.180 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu tài chính của công ty đạt hơn 65 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ gần 51 tỷ đồng phát sinh từ chuyển nhượng các khoản đầu tư. Cùng với đó, chi phí trong kỳ của HBC nhìn chung giảm.

Mặc dù chi phí bán hàng tăng 29% song cả chi phí tài chính và chi phí quản lý đều giảm mạnh, lần lượt giảm 18% và 12%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của HBC đạt hơn 58 tỷ đồng trong quý II, gấp gần 28 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HBC đạt gần 5.443 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nhập đột biến từ chuyển nhượng các khoản đầu tư cộng với tiết giảm chi phí, lãi sau thuế của HBC ghi nhận hơn 67,4 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với nửa đầu năm 2020.

Năm 2021, Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu 13.500 tỷ đồng và lãi sau thuế 235 tỷ đồng, tăng hơn 180% so với năm 2020.

Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, dòng tiền kinh doanh của HBC trong nửa đầu năm đã được cải thiện và dương trở lại với gần 733 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 451 tỷ đồng. Điều này cho thấy HBC đã từng bước cải thiện được công tác thu hồi công nợ, ví dụ như vụ thắng kiện FLC.

Ngược lại với bức tranh tương đối tươi sáng phía Hòa Bình, Coteccons đang ngày càng trượt dài kể từ năm 2018.

coteccons1-1627644178.jpg
Tình hình của Coteccons vẫn đang rối như tơ vò dù đã có Ban lãnh đạo mới.

Tính riêng quý II/2021, Coteccons ghi nhận 2.550 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, thấp hơn 36% so với cùng kỳ năm trước. Thay đổi này tương đương với mức giảm ròng hơn 1.400 tỷ ở chỉ tiêu doanh thu thuần quý gần nhất của Coteccons.

Đà giảm của doanh thu là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận gộp kỳ này chỉ đạt 135 tỷ đồng, thấp hơn 45% so với quý II/2020. Biên lãi gộp quý II năm nay của Coteccons cũng giảm tương ứng về mức 5,28%, từ 6,13% quý cùng kỳ.

Trong khi doanh thu và lợi nhuận gộp suy giảm, các chi phí phát sinh của Coteccons vẫn tăng lên, kết quả là nhà thầu xây dựng này chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế 59 tỷ đồng trong tháng 4-6 năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt tới 199 tỷ.

Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế của Coteccons giai đoạn này cũng chỉ đạt gần 45 tỷ, giảm 71%. Đáng chú ý, đây là quý thứ 2 liên tiếp chủ thầu này ghi nhận suy giảm lợi nhuận. Ngoài ra, đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất trong gần một thập niên kinh doanh của Coteccons.

So với giai đoạn 2016-2018, thời được coi là hoàng kim của Coteccons, mức lợi nhuận quý II vừa qua chỉ tương đương khoảng 1/10.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Coteccons vẫn thu về 5.119 tỷ doanh thu thuần, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự các chỉ tiêu kinh doanh quý II, lợi nhuận gộp 6 tháng của nhà thầu này cũng suy giảm trong khi các chi phí đều tăng.

Sau cùng, Coteccons chỉ đạt 129 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 64%. Lợi nhuận ròng sau thuế thu nhập doanh nghiệp cùng giai đoạn là 99 tỷ đồng, cũng thấp hơn 65% cùng kỳ năm 2020.

Vào tháng 4/2021, Coteccons hạ chỉ tiêu doanh thu 2021 từ 1 tỷ USD xuống còn 17.413 tỷ đồng; song có vẻ thị trường còn tệ hơn họ dự đoán, khi sau nửa năm mới chỉ hoàn thành gần 40% chỉ tiêu.

Theo đó, dù doanh số 6 tháng đầu năm của Hòa Bình không nhỉnh hơn Coteccons bao nhiêu, nhưng sự thật là họ vẫn nhỉnh hơn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, doanh thu 6 tháng đầu năm của Hòa Bình có thể vượt qua Coteccons.

Hòa Bình đang không tốt, song Coteccons còn tệ hơn

Trong khoảng 4 năm, từ 2015 đến 2018, khoảng cách doanh thu – lợi nhuận sau thuế giữa Hòa Bình và Coteccons luôn vời vợi, chuyện đuổi kịp là như ‘người si nói mộng’.

hoa-binh1-1627644178.png
Hòa Bình luôn bị Coteccons bỏ xa từ khoảng năm 2013 đến 2018.

Năm 2015, Hòa Bình mang về doanh thu 5.133 tỷ đồng – lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng còn Coteccons là 13.669 tỷ đồng – 927 tỷ đồng; các con số tương ứng các năm tiếp theo: 2016 là 10.788 tỷ đồng – 715 tỷ đồng vs 20.783 tỷ đồng – 1.763 tỷ đồng, 2018 là 18.201 tỷ - 627 tỷ vs 28.560 tỷ - 1.510 tỷ, 2019 là 18.647 tỷ - 407,3 tỷ vs 23.733 tỷ - 710,92 tỷ, năm 2020 11.244 tỷ - 86,37 tỷ vs 14.558 tỷ - 334,5 tỷ.

Có thể thấy, trong khoảng năm 2016 đến 2018, doanh số của Coteccons luôn nhiều hơn 10.000 tỷ đồng, một khoảng cách mênh mông. Tuy nhiên, sau đỉnh cao 2018, Coteccons bắt đầu lao dốc, một phần vì thị trường xây dựng ngày càng khó khăn và phần khác là những mâu thuận nội bộ không thể giải quyết giữa các cổ đông lớn.

Vào năm ngoái, nhà sáng lập và ‘linh hồn’ của Coteccons – ông Nguyễn Bá Dương đã rời Coteccons ra ngoài làm ăn riêng, kéo theo ½ doanh nghiệp trong hệ sinh thái Coteccons. Theo đó, Coteccons không chỉ hao hụt về nguồn lực mà còn về cả chất xám, khi rất nhiều cán bộ trung và cao cấp của Tập đoàn này rời đi. Hiện tại, Coteccons vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu với rất nhiều khó khăn cả từ bên trong lẫn bên ngoài.

Cũng trong ĐHCĐ 2017 chúng tôi nói ở đầu bài, ông Trần Viết Hải còn trả lời thêm: “Hy vọng để Hòa Bình có thể vượt qua Coteccons có thể đến từ việc tiến công ra thị trường nước ngoài’. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, doanh thu chủ yếu của Hòa Bình vẫn đến từ thị trường trong nước.

Mặc dù không trượt dài như Coteccons sau đỉnh 2018, song tình hình kinh doanh của Hòa Bình cũng không tăng trưởng như trước, đi ngang trong năm 2019 và giảm tới 40% doanh thu trong năm 2020, giống đà giảm chung của nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Trong nửa đầu năm 2021, cũng như Coteccons, Hòa Bình vẫn chưa hoàn thành 50% chỉ tiêu.

Thế nên, việc Hòa Bình có thể lần đầu qua mặt Coteccons về doanh thu trong nửa đầu 1 năm, không bởi vì họ quá xuất sắc, mà chỉ bởi Coteccons quá tệ.

Sa Mộc

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/hoa-binh-lan-dau-vuot-coteccons-ve-doanh-thu-va-loi-nhuan-trong-ky-bao-cao-quy-3180-ty-dong-va-58-ty-dong-vs-2550-ty-dong-va-45-ty-dong-a23400.html