Thịt mát MEATDeli cung không đủ cầu, mì tôm tăng trưởng vượt bậc, có chuỗi trà sữa duy nhất được mở hàng - doanh thu Tập đoàn Masan tăng 16% so với cùng kỳ

Là một trong những nhà sản xuất – phân phối nhu yếu phẩm hàng đầu Việt Nam, nên không có gì khó hiểu khi Tập đoàn Masan tăng trưởng rất tốt trong thời gian qua. Trong tất cả, MEATDeli, mì tôm và hệ thống kioks Phúc Long trong chuỗi siêu thị VinMart chính là 3 ngôi sao sáng nhất trong tiến trình tăng trưởng đó. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm Masan đạt 41.196 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan, mã chứng khoán MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần hợp nhất đạt 41.196 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty đạt 979 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với mức 117 tỷ của nửa đầu năm 2020. Trong kỳ, kết quả kinh doanh của các công ty thành viên và liên kết của Masan biến động tương đối mạnh.

Kioks Phúc Long trong chuỗi siêu thị VinMart+ là hệ thống trà sữa duy nhất được phép mở cửa ở thời điểm hiện tại

Với việc chỉ thị 16 được siết chặt trong thời gian gần đây, tất cả các hệ thống trà sữa nổi tiếng tại TP.HCM đều phải đóng cửa, vì không được phép giao cả online; trừ Phúc Long. Tuy nhiên, Phúc Long không được mở tất cả cửa hàng trên hệ thống của mình mà chỉ có 30 kioks tích hợp với VinMart. Đây là thành quả của thỏa thuận mua lại 20% cổ phần Phúc Long từ Masan vào cuối tháng 5/2021.

Tức là, kioks Phúc Long trong VinMart đang là lựa chọn khả dĩ nhất của những con nghiện trà sữa trong thời điểm này, vì ngay cả trà sữa đóng chai cũng khó mua online do tình hình khan hiếm shipper trên thị trường.

Với việc đang một mình một ngựa trên thị trường trà sữa, cho dù là sức mua của người dân đang giảm xuống, thì mục tiêu chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+ của kioks Phúc Long là trong tầm tay.

Mì tôm tăng trưởng vượt bậc 

Số liệu thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới cho biết, trong năm 2020 đã có 116,5 tỷ gói mì được tiêu thụ trên toàn cầu, tăng 10 tỷ gói so với năm trước, tương đương mức tăng 9,47%.

Trong đó, top các nước đứng đầu trong danh sách tiêu thụ mì gói lần lượt là Trung Quốc/Hong Kong (46,35 tỷ gói), Indonesia (12,46 tỷ gói), Việt Nam (7 tỷ gói), Ấn Độ (6,7 tỷ gói), Nhật Bản (5,97 tỷ gói)…

Theo đó, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tổng sản lượng tiêu thụ mì gói trong năm 2020, tăng xấp xỉ 30% so với 2019 (5,43 tỷ gói). Đây là mức tăng trưởng cao nhất thế giới, xếp sau là Philippines - 16%, Brazil - 11%, Trung Quốc - 11,8%.

Ngoài ra, nếu tính theo bình quân đầu người thì Việt Nam đứng top 2 thế giới, trung bình hơn 72 gói mì/người/năm, chỉ xếp sau Hàn Quốc (80,6 gói mì/người/năm), cao gấp rưỡi Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Philippines và gấp đôi Trung Quốc, gấp 3 Mỹ. Năm 2019, trung bình lượng mì gói mà mỗi người Việt Nam tiêu thụ mới chỉ là 57 gói/năm.

sieu-thi-vinmart-1627568032.JPG
 

Còn theo 1 khảo sát của Nielsen năm 2020, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%. Đặc biệt, khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước diễn biến phức tạp, có công ty của Việt Nam xuất khẩu mì tăng 300%.

Masan Consumer là một trong 4 ‘ông lớn’ đang dẫn dắt thị trường mì gói Việt Nam, cùng Acecook, Uniben và Asia Foods; tất nhiên cũng sẽ vớ bở trong đại dịch.

Trong năm 2019, ngành hàng thực phẩm tiện lợi của Masan Consumer, chủ yếu là mì gói đạt doanh thu thuần 4.968 tỷ đồng, tăng 7%. Báo cáo thường niên của công ty này nói rằng: Omachi tiếp tục dẫn đầu phân khúc cao cấp, tăng trưởng 25% nhờ vào việc liên tục giới thiệu các trải nghiệm độc đáo của sản phẩm mì hộp, mì trộn.

Trong quý I/2021, Masan Consumer ghi nhận doanh thu thuần 5.494 tỷ đồng, tăng trưởng 18,8% so với doanh thu thuần 4.625 tỷ đồng vào quý I/2020 và biên EBITDA tăng trưởng 20,8% dù giá nguyên liệu thô tăng.

Thịt mát MEATDeli cung không đủ cầu

“Thịt mát với những ưu điểm đã được minh chứng ở nhiều quốc gia phát triển, tôi tin rằng đây cũng là xu hướng tiêu dùng tương lai tại Việt Nam. Nói vậy để thấy, dù có Covid-19 hay không thì việc người tiêu dùng dần chuyển sang lựa chọn các sản phẩm có thịt thương hiệu, tươi ngon, truy xuất được nguồn gốc là tất yếu.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự dịch chuyển này. Trong bối cảnh đại dịch, người dân quan tâm đến vấn đề sức khỏe hơn, lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng cho bữa ăn gia đình.

Quý I/2020, ngành thịt và chăn nuôi của Masan MEATLife (MML) tiếp tục mở rộng quy mô, đạt doanh thu thuần 453 tỷ đồng, tăng trưởng 85% so với quý IV/2019. Nửa đầu năm nay, doanh thu từ thịt của MML đạt 1.055 tỷ đồng, với đà tăng trưởng 32,7% trong Quý 2/2020 so với quý I/2019”, ông Phạm Trung Lâm – Tổng Giám đốc Masan MeatLife tự tin phát biểu trong năm 2020.

Và với những gì đang diễn ra gần đây, sự tự tin của sếp Masan MEATLife là có cơ sở.

khach-hang-mua-thit-meatdeli-tai-sieu-thi-vinmart-1627567979.jpg
 

Quý I/2021, Masan MEATLife đạt biên EBITDA ổn định ở mức 10,6% trong dù giá cả hàng hóa tăng. MML tăng trưởng doanh thu 38,5% so với quý I/2020 do quy mô mảng kinh doanh thịt có thương hiệu tăng gấp đôi và sản lượng thức ăn chăn nuôi tăng hơn 20% do người chăn nuôi heo bắt đầu tái đàn.

Bệnh dịch càng phức tạp, MEATDeli càng tăng trưởng tốt – đặc biệt trong giai đoạn hiện tại, khi rất nhiều chợ đầu mối và truyền thống vẫn đang đóng cửa, việc thiếu lượng lớn shipper khiến hoạt động mua hàng online thêm khó khăn. Kể từ đầu tháng 7, VinMart+ tại TP. HCM đã tăng gấp đôi nguồn cung thịt heo MEATDeli, song vẫn thường xuyên cháy hàng.

Vào đầu tháng 7, TP.HCM hiện có 555 điểm bán thịt heo sạch MEATDeli, bao gồm hệ thống cửa hàng VinMart+ (hiện tại hệ thống VinMart+ bán cả thịt heo MEATDeli và CP). Còn nếu tính đến cuối năm 2020, thương hiệu MEATDeli đã có mặt tại 1.606 điểm bán trong cả nước, trong đó có hơn 1.200 cửa hàng VinMart+ tại Hà Nội và TP.HCM, so với 664 điểm bán vào cuối năm 2019.

May mắn nữa nữa cho MEATDeli khi 2 nhà máy sản xuất của họ tại Hà Nam và Long An vẫn trong khu vực an toàn, không như nhiều đồng nghiệp khác trên thị trường – như Vissan.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tập trung cung ứng đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thịt sạch với giá cả ổn định cho người tiêu dùng. Tại TP.HCM, MEATDeli cung ứng 100.000 – 150.000 hộp thịt mát/ngày, tương đương từ 35 – 50 tấn thịt mát/ngày. Tại Hà Nội, sản lượng cung ứng được chuẩn bị ở mức tăng gấp đôi so với trước đây.

Về nguồn cung nguyên liệu, Masan sở hữu trang trại nuôi heo công nghệ cao tại nghệ An với quy mô 250.000 heo thịt/năm. Bên cạnh nguồn lợn tự cung cấp này, chúng tôi còn có các hợp đồng dài hạn đến cuối năm với các nhà cung cấp khác, đảm bảo cung cấp nguồn heo sạch đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ linh hoạt điều chuyển nguồn cung từ Bắc vào Nam và ngược lại”, đại diện MEATDeli tiết lộ chiến lược cho thời gian sắp tới.

Ông Phạm Trung Lâm cũng từng tiết lộ mục tiêu ngắn hạn của MEATDeli: đạt được 10% thị phần ở thị trường thịt heo tại TP.HCM - Hà Nội vào cuối năm 2021 và hướng đến 10% thị phần toàn quốc vào năm 2022. Với công suất như đã nói ở trên, không cần đợi cuối năm, xem như MEATDeli đã chiếm 10% thị phần TP.HCM.

Sa Mộc

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/thit-mat-meatdeli-cung-khong-du-cau-mi-tom-tang-truong-vuot-bac-co-chuoi-tra-sua-duy-nhat-duoc-mo-hang-tap-doan-masan-thu-gan-2-ty-usd-a23391.html