'Kỹ thuật' đẩy lỗ về quá khứ của Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu cho 'thành quả'

Sau 2 năm thua lỗ liên tiếp, HAGL đã có lãi trở lại do không còn phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi thậm chí còn được hoàn nhập đã giúp lãi ròng quý II đạt 86 tỷ.

hoang-anh-gia-lai-huy-dong-thanh-cong-90-trieu-usd-trai-phieu-quoc-te-1-jpg1-1508212121-1627393112.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn)

HAGL lãi nhờ trút bỏ gánh nặng dự phòng

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 69 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 1.327 tỷ. Đây là quý đầu tiên HAGL có lãi sau 8 quý lỗ liên tiếp.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, HAGL lỗ trước thuế hơn 179 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lỗ gần 1.400 tỷ đồng của cùng kỳ 2020.

Trong quý II, các nguồn thu của HAGL đều sụt giảm với doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 16% xuống còn 535 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu trái cây giảm mạnh từ 517 tỷ (quý II/2020) xuống mức 189 tỷ đồng, nguyên nhân do không còn hợp nhất với nhóm HAGL Agrico (HNG). Tập đoàn cũng không còn doanh thu bán mủ cao su do không còn hợp nhất với HNG.

Còn mảng chăn nuôi heo sau 1 năm tuyên bố đầu tư chính thức ghi nhận doanh thu với 190 tỷ đồng, thậm chí cao hơn doanh thu cốt lõi là mảng trái cây. Cùng với đó, doanh thu bán hàng hoá đóng góp 77 tỷ và các dịch vụ khác mang về 78 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn, công ty lãi gộp 181 tỷ đồng

HAGL tránh được tình trạng lỗ trong quý II là nhờ được hoàn nhập chi phí dự phòng 261 tỷ đồng tại cấu phần chi phí quản lý doanh nghiệp thay vì phải trích lập hơn 1.243 tỷ đồng như cùng kỳ năm trước.

z2643806213024-fc21b1444597f455fd7de620025591f2-1627399203.jpg
Kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai trong quý II/2021.

Được biết, doanh nghiệp này đã phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi lần lượt trong các năm 2018, 2019 và 2020 là 4.957 tỷ đồng, 99,9 tỷ đồng và 1.425 tỷ đồng, khiến kết quả kinh doanh đi xuống trầm trọng. Tình trạng này xuất phát từ việc HAGL sử dụng "kỹ thuật" hồi tố, đẩy hơn 5.000 tỷ đồng thua lỗ - một con số khổng lồ, về quá khứ.

Theo đó, trong báo cáo tài chính quý 4/2020, HAGL đột ngột xuất hiện khoản lỗ lũy kế hơn 5.000 tỷ trên bảng cân đối kế toán vào cuối kỳ trong khi kết quả kinh doanh trong năm 2020 không tệ đến vậy. Cụ thể, trong báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2019, công ty ghi nhận lãi lũy kế hơn 290 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Đến báo cáo hợp nhất quý IV/2020, lỗ lũy kế thể hiện là 5.085,8 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2020.

Tại BCTC kiểm toán 2020, HAGL cho biết đơn vị kiểm toán đã có ý kiến tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 về việc HAGL ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng với tổng giá trị hơn 10.504 tỷ vào cuối năm 2019 (7.594 tỷ vào cuối năm 2018). Phía kiểm toán cho biết không thể thu thập đầy đủ bằng chứng để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng này vào ngày 31/12/2019 là 5.668 tỷ (vào ngày 31/12/2018 là 2.593 tỷ) bao gồm trong số dư nói trên. 

Tuy đã được nhắc đến trong báo cáo năm 2018 - 2019 nhưng đến cuối năm 2020, HAGL mới thực hiện điều chỉnh lại khoản mục này. 

Theo đó, HAGL đã quyết định trích lập dự phòng 4.957 tỷ cho năm 2018 và 99,9 tỷ năm 2019, tổng cộng 5.057 tỷ đồng, trong đó dự phòng cho khoản phải thu của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai là 3.412 tỷ và dự phòng cho khoản phải thu của Công ty Cổ phần Lê me là 1.644 tỷ. 

Giải trình về quyết định này của HAGL cho biết, lĩnh vực nông nghiệp của HAGL là một lĩnh vực mang tính phụ thuộc và chịu sự tác động bởi các yếu tố thị trường. Trong các năm trước, dựa theo tình hình khả quan trong ngành nông nghiệp nên Ban Tổng giám đốc đánh giá khả năng thu hồi của các khoản phải thu là cao. 

Trong năm 2020, dịch Covid-19 bùng bổ khiến rủi ro của thị trường nông sản và ngành nông nghiệp rõ ràng hơn. "Vì vậy, Ban Tổng giám đốc nhận thấy xác xét đoán về rủi ro trước đây chưa được đánh giá một cách thận trọng nhất nên đã đưa ra quyết định điều chỉnh hồi tố Báo cáo tài chính đã kiểm toán của công ty năm 2018 và 2019 bằng cách trích lập dự phòng cho các khoản phải thu tồn đọng nhằm giúp cho báo cáo tài chính năm 2020 không tiếp tục bị ý kiến kiểm toán ngoại trừ", giải trình nêu rõ. 

HAGL cũng tin rằng, trong tương lai, khi các dự án và tài sản làm, cơ sở đảm bảo phát triển và tăng giá trị thì các khoản dự phòng này có thể được hoàn nhập dần dần. 

Được biết, sau khi đẩy các khoản trích lập về các năm 2018, 2019 và 2020. Đến cuối quý I, HAGL không còn còn phải trích lập dự phòng và chuyển sang hoàn nhập từ quý II. 

Như vậy, có thể nói HAGL đã điều chỉnh giảm kết quả kinh doanh các năm trước để tránh gánh nặng trích lập ở hiện tại và tương lai. Nói cách khác, con số lãi trong quý II/2020 chính là kết quả của biện pháp kỹ thuật đẩy lỗ về quá khứ của doanh nghiệp này. Và thực tế, dù báo lãi trong quý vừa qua nhưng HAGL vẫn lỗ lũy kế khủng gần 7.550 tỷ đồng.

Giảm được gần 10.000 tỷ nợ vay nhờ buông HAGL Agrico

Tại cuối tháng 6, tổng tài sản của tập đoàn này giảm phân nửa so với đầu năm về 18.150 tỷ đồng. Mức giảm này chủ yếu xảy ra trong quý I khi công ty không còn hợp nhất báo cáo tài chính với HAGL Agrico kể từ ngày 8/1 và tiếp tục giảm 266 tỷ trong quý II.

Cơ cấu tài sản phân bổ chủ yếu ở khoản mục phải thu về ngắn hạn 5.332 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 3.356 tỷ đồng, tài sản cố định hơn 2.900 tỷ đồng và đầu tư tài chính 1.779 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn cũng có thay đổi tương ứng khi tổng nợ phải trả hiện còn 13.000 tỷ đồng, tức giảm hơn 14.260 tỷ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vay ngân hàng và vay trái phiếu gần 8.280 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 9.800 tỷ so với đầu năm. 

Các chủ nợ lớn của HAGL gồm ngân hàng Sacombank (524 tỷ), Eximbank (678 tỷ), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (262 tỷ), TPBank (192 tỷ),...

Hết quý II, vốn chủ sở hữu cũng giảm gần phân nữa về 5.175 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vẫn đang ở mức 2,5 lần.
 

Quang Diệu

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/ky-thuat-day-lo-ve-qua-khu-cua-hoang-anh-gia-lai-bat-dau-cho-thanh-qua-a23374.html