Chân dung ông chủ 8x gốc Nghệ An kín tiếng đứng sau doanh nghiệp Tuấn Lộc – thế lực mới nổi trong mảng hạ tầng

Doanh nhân 8x Trần Tuấn Lộc được giới xây dựng – hạ tầng nhớ đến bắt đầu vào những năm 2014 – 2015, khi công ty của ông bắt đầu thâu tóm cổ phần của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng. Sau 16 năm xây dựng và phát triển, doanh nhân này đã biến công ty Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc trở thành một thế lực lớn, không chỉ ở quê nhà Nghệ An mà còn ở miền Nam.

Công ty Tuấn Lộc được thành lập năm 2005, với mục đích ban đầu chỉ là một đơn vị chuyên thi công hệ thống cấp thoát nước, thi công cọc bê tông cốt thép.

Đến năm 2008, doanh nghiệp này chuyển đổi thành Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc với lĩnh vực hoạt động đa dạng hơn như: xây lắp các công trình cầu đường; đầu tư các dự án BOT về giao thông vận tải; đầu tư phát triển các khu công nghiệp; đầu tư - thi công xây lắp các nhà máy sản xuất nước sạch và xử lý nước thải; đầu tư khai thác cảng biển.

Công ty Tuấn Lộc do 4 cổ đông cá nhân sở hữu, trong đó ông Trần Tuấn Lộc (sinh năm 1981) quê ở Nam Đàn - Nghệ An là Chủ tịch Hội đồng quản trị, sở hữu 60% cổ phần công ty. Ba cổ đông còn lại góp vốn vào Tuấn Lộc gồm ông Trần Tuấn Long sở hữu 15%, ông Nguyễn Trường Sơn (Nam Đàn - Nghệ An) sở hữu 15% và bà Nguyễn Thị Bình (Nam Đàn - Nghệ An) sở hữu 10%.

tran-tuan-loc-1625072415.jpg
Ông Trần Tuấn Lộc là một nhà lãnh đạo kín tiếng, trên internet, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có đúng 1 tấm hình của ông. 

Một thế lực đáng gờm tại quê nhà Nghệ An

Được biết, Công ty Tuấn Lộc đã từng trúng thầu và triển khai hàng loạt dự án lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Những dự án ‘khủng’ mà doanh nghiệp này trúng thầu có thể kể đến: Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Tuấn Lộc, dự án Khu kinh tế Đông Nam – Nghệ An với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng; dự án Đầu tư xây dựng bến 5,6,7,8 ở Cảng Cửa Lò, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng.

tuan-loc2-1625071397.jpg
Phối cảnh bến 5 và 6 cảng Cửa Lò - Nghệ An.

Theo đó, dự án Đầu tư xây dựng bến 5,6,7,8  - cảng Cửa Lò, với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế trong khu vực tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của khu bến Cửa Lò, hứa hẹn trở thành một mũi động lực phát triển kinh tế ở mảnh đất vốn khắc nghiệt này.

Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Tuấn Lộc tại Khu D – Khu Công nghiệp Nam Cấm với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp góp phần kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Nghệ An.

Giữa thập niên 2010, bành trướng ra khỏi Nghệ An khi liên tiếp thâu tóm cổ phần ở nhiều công ty xây dựng lớn

Năm 2015, trong kế hoạch IPO Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) được Bộ Xây Dựng gửi trình lên Thủ tướng Chính Phủ có đề cập đến việc tham gia của đại gia Tuấn Lộc. Cụ thể, Bộ Xây dựng đang có kế hoạch IPO CC1.Vốn nhà nước tại CC1 hiện là 763,5 tỷ đồng. Sau khi IPO, dự kiến vốn điều lệ của CC1 sẽ tăng lên 1.100 tỷ đồng.

Theo đó, CC1 phát hành lần đầu dự kiến là 110 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/1cp. Trong đó, Nhà nước nắm giữ: 44 triệu cổ phần, chiếm 40% vốn điều lệ.

Nhằm đón đầu khi IPO, công ty Tuấn Lộc đã đăng ký là nhà đầu tư chiến lược với CC1. Cụ thể, Tuấn Lộc đã cam kết mua là 48,1 triệu cổ phần, tương ứng với 38% vốn điều lệ. Như vậy, với mức giá phát hành 10.000 đồng/ cổ phiếu lúc đó, Tuấn Lộc đã dự chi tới 481 tỷ đồng.

Trước đó không lâu, Tuấn Lộc cũng dùng chiến lược tương tự để thâu tóm CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng TP. HCM (CII). Tuấn Lộc trở thành cổ đông lớn của CII từ ngày 19/6/2015 với tỷ lệ sở hữu là 5,89%. Đến tháng 7/2015, sau chưa đầy một tháng, tỷ lệ sở hữu của Tuấn Lộc tại CII đã tăng lên 12,5%.

Trước đó vài tháng, vào cuối năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã thoái toàn bộ 35% cổ phần tại Cienco 4 cho CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc. Sau giao dịch này, Công ty Tuấn Lộc sở hữu 51,5% cổ phần của Cienco 4.

tuan-loc1-1625071397.jpg
Tòa nhà đặt văn phòng của công ty Tuấn Lộc.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, công ty Tuấn Lộc đã bán hết cổ phần của CC1 và Cienco 4, phần lớn cổ phần CII

Năm 2015, chỉ sau 1 năm cố gắng thâu tóm Cienco 4, Tuấn Lộc đã bán bớt cổ phần tại doanh nghiệp này và tiến hành thoái toàn bộ vốn cuối năm 2016. Không ai biết con số cụ thể giá bán toàn bộ 51,5% cổ phần của Cienco 4, nhưng đồn thổi trên thương trường, là giá bán khá cao so với lúc mua vào.

Cũng trong tháng 7 năm 2015, Tuấn Lộc cũng 3 lần mang cổ phiếu CII ra bán, thu về 529 tỷ đồng; đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,5% xuống còn 0,8% - tương đương 1,6 triệu cổ phiếu.

Vào đầu tháng 6/2021, công ty Tuấn Lộc vừa thông báo đã bán toàn bộ hơn 20,8 triệu cổ phiếu CC1, tương đương với gần 19% vốn doanh nghiệp. Thời gian giao dịch từ 19/5 đến 1/6.

Trong thời gian này cổ phiếu CC1 chứng kiến nhiều giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn hàng triệu đơn vị, trong khi lượng khớp lệnh chỉ vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Cổ phiếu CC1 trong thời gian này biến động khoảng 16.000-17.000 đồng/cp, tạm tính số tiền Tuấn Lộc thu về gần 350 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2021, công ty Tuấn Lộc từng 3 lần đăng ký bán cổ phiếu CC1, 2 lần không bán được cổ phiếu nào và 1 lần bán được 65.600 đơn vị. Như thế, sau 2 lần bán thành công trong năm 2021, Tuấn Lộc chính thức thoái hết vốn khỏi CC1.

Trong năm 2015, việc doanh nhân 8x gốc Nghệ này ào ạt mua vào CC1 và CII, khiến nhiều người nhầm tưởng anh muốn thâu tóm Tổng Công ty Xây dựng số 1 và Đầu tư Xây dựng Hạ tầng TP.HCM, nhưng sau đó vội vàng bán ra chỉ trong 1 thời gian ngắn; khiến nhiều người nghi ngờ anh cùng doanh nghiệp mình đang ‘làm giá’ cổ phiếu.

Mới nhất, vào 30/6/2021, CTCP Đầu tư Thành Thành Công (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) thông báo rằng: họ đã hoàn tất việc bán 54,53 triệu cổ phiếu Tổng Công ty Tín Nghĩa (hơn 27% vốn cổ phần) theo phương thức thỏa thuận. Giao dịch trị giá 818 tỷ đồng, với giá bán trung bình 15.000 đồng mỗi cổ phiếu.

Cùng ngày, CTCP Đầu tư XD & VLXD Sài Gòn thông báo mua thỏa thuận thành công 48 triệu cổ phiếu Tín Nghĩa, tăng sở hữu lên gần 25%, qua đó trở thành cổ đông lớn. Như vậy có thể chắc chắn rằng, CTCP Đầu tư XD & VLXD Sài Gòn đã mua phần lớn phần vốn mà Thành Thành Công bán ra.

Trên thực tế, cổ đông mới tại Tín Nghĩa chính là một công ty thành viên của nhóm Tuấn Lộc (CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc).

Tóm lại, Tuấn Lộc đã tham gia vào nhiều thương vụ mua vốn cổ phần các doanh nghiệp, hiện doanh nghiệp này sở hữu trên 21% cổ phần Công ty Cảng Nghệ Tĩnh (NAP), 49% KCN Nhơn Trạch 6, hơn 33% tại KCN Hiệp Phước (HPI), 33% tại CTCP Sonadezi Giang Điền, 17% tại CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam (VPD), 10% tại CTCP XD & Sản xuất VLXD Biên Hòa (VLB)…

Trúng thầu nhiều dự án lớn tại miền Nam

Cũng đầu thập niên 2010, Trần Tuấn Lộc quyết định Nam tiến và cũng đã gặt hái nhiều thành công tính cho tới thời điểm này, khi trúng thầu nhiều dự án có quy mô lớn tại các tỉnh miền Tây lẫn Đông Nam Bộ.

Các dự án trúng thầu tiêu biểu: dự án Cầu Sài Gòn 2 dài khoảng 987 m, rộng 23,5 m; tổng vốn xây dựnglà 1.495,52 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 1.070,90 tỉ đồng. Ngoài ra còn có các dự án khác như: dự án cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng; dự án mở rộng xa lộ Hà Nội có chiều dài 15,7km, từ chân cầu Sài Gòn đến điểm tiếp giáp dự án BOT cầu Đồng Nai; dự án Đầu tư Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 6 – Đồng Nai.

Đặc biệt, Tuấn Lộc được biết đến với vai trò nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới với tổng vốn đầu tư 2.713 tỷ đồng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vốn đầu tư 9.668,5 tỷ đồng.

Gần đây nhất, tháng 12/2018, Tuấn Lộc liên danh với Công ty TNHH Phúc Hiếu trúng Gói thầu số 5 thuộc Dự án Đường kết nối vào cảng Phước An (đoạn từ Đường 319 đến nút giao cắt với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với giá trúng thầu 171,88 tỷ đồng.

tuan-loc-1625071397.jpg
Các gói thầu Tuấn Lộc được công bố trúng thầu từ tháng 5/2016 đến cuối năm 2018.

Không chỉ là nhà đầu tư BOT, Tuấn Lộc cũng đã lấn sân sang mảng đầu tư theo hình thức hợp đồng BT với việc đề xuất thực hiện 2 dự án BT lớn tại Đồng Nai.

Đó là dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đến Quốc lộ 1K, TP. Biên Hòa, tổng mức đầu tư là 518,874 tỷ đồng và dự án Đầu tư xây dựng đường Phước Bình đoạn từ Quốc lộ 51 đến Khu công nghiệp Phước Bình gần 493 tỷ đồng.

Tuấn Lộc sau đó được chỉ định thực hiện cả 2 dự án do sau sơ tuyển chỉ có một mình lọt vào danh sách ngắn. Hợp đồng 2 dự án được ký kết tháng 12/2018. Thực hiện 2 dự án này, Tuấn Lộc có thể sẽ được thanh toán bằng quỹ đất hơn 230 ha tại Đồng Nai.

Theo số liệu từ báo Đấu Thầu, tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của Tuấn Lộc đạt 5.153 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả là 2.236 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 2.827 tỷ đồng. Tương ứng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đạt 0,8% - một con số đặc biệt ấn tượng nếu so với các doanh nghiệp khác cùng ngành. Điều này phần nào cho thấy tiềm lực tài chính “khủng” của Tuấn Lộc.

Còn về bên kia bảng cân đối kế toán, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn 844,6 tỷ đồng. Đặc biệt là khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, công ty liên kết và liên doanh với giá trị 3.195 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tuấn Lộc năm 2017 lần lượt đạt 1.500 tỷ đồng và 125,5 tỷ đồng.

Sa Mộc

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/ong-chu-8x-dung-sau-doanh-nghiep-tuan-loc-mot-the-luc-lon-trong-mang-ha-tang-o-nghe-an-va-mien-nam-a23142.html