FE Credit, HD Saison, MCredit, SHB Finance,... đang kinh doanh như thế nào?

Sau giai đoạn bùng nổ, tăng trưởng của các công ty tài chính bắt đầu chậm lại với sự sụt giảm của lợi nhuận và gia tăng nhanh chóng của nợ xấu.

Tính đến cuối năm 2020, thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam có 16 công ty tài chính đang hoạt động. Trong đó, khoảng 75% thị phần do ba công ty lớn nhất là FE Credit, Home Credit và HD Saison nắm giữ (theo số liệu của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV). 

Miếng bánh còn lại được phân chia cho các công ty khác với những cái tên nổi bật được hậu thuẫn bởi ngân hàng mẹ như HD Saison của HDBank, SHB Finance của SHB, Mcredit của MB, PTF của SeABank và FCCOM của MSB.

Sau giai đoạn “vàng” 2014-2019, hoạt động của các công ty tài chính đã bắt đầu gặp khó từ năm 2020 do tác động của dịch COVID-19 khiến lợi nhuận sụt giảm và nợ xấu gia tăng nhanh chóng.

fecredit-p1-xyla-2-1620305503.jpg
Một điểm giao dịch của FE Credit. (Nguồn: VPBank)

Lợi nhuận đi xuống, nợ xấu tăng mạnh

Theo báo cáo kết quả hoạt động VPBank, lãi trước thuế quý I/2021 của FE Credit đạt 800 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 20% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

Tính đến ngày 31/3/2021, tổng dư nợ tín dụng tăng 7,1% so với cùng kì 2020, lên mức 66.000 tỷ đồng. Trong đó, chiếm 38% là dư nợ tín dụng của các khách hàng mới. Trong quý vừa qua, doanh số giải ngân của FE Credit đạt 15.525 tỷ đồng, tăng 5% so với quý I/2020.

Về các chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu trung bình (ROAE) giảm từ mức 26,9% xuống 23,4%; tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản trung bình (ROAA) giảm từ 4,2% xuống 3,6%.

Số lượng nhân viên trung bình tại FE Credit trong quý I/2021 là khoảng 12.500 nhân viên, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước (17.380 nhân viên).

Trước đó, công ty tài chính này ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 đạt 3.713 tỷ đồng, giảm 16,3% so với 2019 và chỉ đóng góp 28,5% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank, thấp hơn so với mức 30 - 40% của các năm trước.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng chỉ tăng 8,9% đạt 66.000 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu gia tăng nhanh chóng từ mức 6% vào thời điểm cuối năm 2019 lên 6,6%, cao nhất kể từ cuối năm 2017.

Không chỉ FE Credit, một công ty tài chính hàng đầu khác là HDSaison cũng chứng kiến sự chững lại trong hoạt động kinh doanh.

Theo số liệu được HDBank công bố mới đây, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của HD Saison 1.001 tỷ đồng, giảm gần 3,8% so với 2019.

Tính đến 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng của HD Saison chỉ tăng 13,1% so với cuối năm trước, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. 

Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 5,44% tại thời điểm cuối năm 2019 lên mức 5,81% vào cuối năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 54,5% xuống 47,3%.

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán SSI cho biết trong năm 2021, HD Saison đặt mục tiêu lợi nhuận 1.150 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.

Theo ban lãnh đạo công ty, cơ sơ đưa ra con số này là kỳ vọng hoạt động cho vay mua xe máy và đồ gia dụng sẽ quay lại dẫn dắt tăng trưởng chung, đặc biệt khi thu nhập của khách hàng phục hồi cùng với sự phục hồi kinh tế nói chung.

Tại SHB Finance, lợi nhuận năm 2020  giảm gần 34% xuống 70,7 tỷ đồng bất chấp dư nợ cho vay tăng 35,3% lên 3.689 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo công ty, lợi nhuận sụt giảm là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến chi phí dự phòng rủi do tăng cao.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại công ty tài chính trực thuộc MSB – FCCOM. Kết thúc năm 2020, lợi nhuận của FCCOM chỉ đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019.  

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của FCCOM đạt hơn 621 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 606,8 tỷ đồng, hầu như không tăng so với năm trước. Dư nợ tín dụng của công ty cũng chỉ tăng 1,4 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên, nợ xấu của công ty tăng vọt lên 28,4 tỷ đồng, cao hơn 10,1 tỷ đồng năm 2019 và chiếm tới 8,83% tổng dư nợ so với mức 3,15% vào cuối năm 2019. Nợ xấu tăng mạnh khiến công ty phải nâng trích lập dự phòng lên 36,7 tỷ đồng.

MCredit là công ty hiếm hoi đi ngược lại xu hướng chung của toàn ngành khi lợi nhuận năm 2020 đạt 320 tỷ đồng, tăng 77%. Mức tăng trưởng tốt có được nhờ dư nợ tăng 18% được thúc đẩy từ việc kết hợp tác với các đối tác lớn như VietttelPay, kết hợp với một số sản phẩm bán qua kênh số của ngân hàng mẹ. Tỷ lệ nợ xấu của MCredit ở mức 6,38%.

Theo ban lãnh đạo ngân hàng, dự kiến dư nợ 2021 tăng trưởng ít nhất 20% và lợi nhuận tăng trưởng gấp đôi lợi nhuận năm 2020.

Dù có mức tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh, song hiện MCredit cũng chỉ mới chiếm 3% tổng lợi nhuận của MB. So với công ty tài chính có thị phần lớn nhất thị trường là FE Credit (lợi nhuận hơn 3.700 tỷ đồng năm 2020) thì lợi nhuận của Mcredit chưa bằng 1/10. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, các công ty tài chính thuộc nhóm dẫn đầu như Home Credit hoặc HDSaison thậm chí cả FE Credit đều phải dè chừng.

Khó tăng tốc vì COVID-19

Theo giới phân tích, khó khăn của các công ty tài chính dưới tác động của dịch bệnh là điều khó tránh khỏi khi các tổ chức này cung cấp các khoản vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng, vốn có thu nhập thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế.

Trong một báo cáo đánh giá về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng Việt Nam, hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm Moody's lo ngại về cú sốc kinh tế do dịch bệnh có thể gây tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính.

Moody's cho rằng các công ty tài chính có nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp, nhắm vào phân khúc khách hàng thu nhập thấp – đây là những người dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế. Hơn nữa, thất nghiệp có nguy cơ gia tăng sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của nhóm khách hàng phân khúc này, do nguồn thu nhập bị hạn chế, thiếu ổn định.

Bên cạnh tác động tiêu cực từ dịch bệnh, Thông tư 18/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2020 qui định về việc giảm tỷ lệ cho vay tiền mặt đối với các công ty tài chính cũng tạo áp lực lên mô hình kinh doanh của nhiều công ty tài chính tiêu dùng nhỏ và mới.

Theo đó, việc siết cho vay tiền mặt sẽ đồng nghĩa các công ty tài chính không được phép cho vay tiền mặt với những khách hàng không có thông tin tín dụng. Điều này khiến con đường phát triển cho vay tiền mặt tiêu dùng - vốn được xem là phân khúc béo bở nhất sẽ bị chặn bớt.

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/fe-credit-hd-saison-mcredit-shb-finance-dang-kinh-doanh-nhu-the-nao-a22602.html