Doanh nghiệp FDI đóng góp như thế nào trong nền kinh tế Việt Nam?

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe một số chuyên gia kinh tế nói rằng: “tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI, đóng góp của doanh nghiệp nội rất ít”. Vậy thực tế, doanh nghiệp FDI có vai trò như thế nào trong việc tăng trưởng của Việt Nam và của các nước đang phát triển?

fdi-1587814814-0855-1620018361.jpg
 

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã và đang có vai trò và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng hoá.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá, FDI vừa chiếm tỷ trọng cao, vừa có tốc độ tăng trưởng cao hơn khối doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2020 tổng kim ngạch XNK của khối FDI đạt 371,9 tỷ USD chiếm 68,38% (trên tổng 543,9 tỷ USD), riêng xuất khẩu đạt 202,89 tỷ USD, chiếm 72,07% (trên tổng 281,5 tỷ USD).

Chính vì chiếm tỷ trọng cao (cỡ 2/3) trong XNK hàng hoá mà một số người, một số chuyên gia đã hiểu sai lệch, cho rằng kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào FDI, FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng GDP quốc gia, nếu bỏ doanh nghiệp FDI đi thì kinh tế Việt Nam rất èo uột, chẳng còn gì.

Thực ra để có 202,89 tỷ USD hàng hoá xuất khẩu năm 2020 thì FDI đã phải nhập khẩu 169,01 tỷ USD hàng hoá, thặng dư XNK của FDI chỉ là 33,88 tỷ. Điều đó có nghĩa rằng XNK hàng hoá của FDI chỉ đóng góp 33,88 tỷ USD vào GDP, chiếm 9,76% GDP của Việt Nam.

Phải công bằng thừa nhận rằng ngoài 9,76% GDP do XNK hàng hoá, FDI còn đóng góp cỡ 10% GDP trong việc sản xuất hàng hoá tiêu dùng trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng gói, vận chuyển hàng hoá, sử dụng đất đai, tài nguyên, văn phòng, nhà xưởng, điện nước, sinh hoạt và đi lại của chuyên gia và gia đình, quảng cáo, đóng thuế....

Như vậy mặc dù khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới 68,38% kim ngạch hàng hoá XNK, 72% hàng hoá xuất khẩu, nhưng chỉ đóng góp có 20% GDP quốc gia thôi (công bố mới nhất của Bộ KHĐT).

Trong 40-50 năm gần đây, với xu hướng toàn cầu hoá, hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, các nền kinh tế phát triển đã dịch chuyển việc sản xuất hàng hoá sang các nước đang phát triển. Trong những năm 1970-1995, khi Việt Nam bị cấm vận kinh tế, các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Mexico, Ấn Độ đã hưởng lợi trước từ xu hướng đầu tư FDI này.

Do được ưu đãi lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác (chưa tính việc chuyển giá, né thuế), nên tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của các doanh nghiệp FDI còn thấp hơn tỷ lệ đóng góp vào GDP.

Đây là số liệu đóng thuế năm 2020: Tiền thuế của Samsung Electronics Việt Nam (doanh nghiệp FDI lớn nhất) còn thấp hơn cả công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Gia Lâm (Vin Group Gia Lâm), cao hơn ngân hàng Techcombank chút đỉnh. Tiền thuế của Honda Việt Nam, HEINEKEN Việt Nam còn thấp hơn cả ngân hàng Nông nghiệp. Trong top 30 công ty đóng thuế lớn nhất thì có 23 doanh nghiệp Việt Nam (76,67%) và 7 doanh nghiệp FDI (23,33%), top 3 công ty đóng thuế lớn nhất 100% là doanh nghiệp Việt Nam.

Điều đó đã chỉ ra rằng: kinh tế Việt Nam tuy cần thu hút vốn, cần công nghệ, cần qui trình quản trị, qui trình sản xuất tiên tiến từ FDI, nhưng nhất định phải phát triển trên nền tảng doanh nghiệp Việt, nhất định doanh nghiệp Việt phải lớn mạnh, nhất định doanh nghiệp Việt phải là trụ cột, là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Muốn vậy thì việc đầu tiên là doanh nghiệp Việt cần được bình đẳng với doanh nghiệp FDI, không thể chỉ trải thảm đỏ chào đón đại bàng ngoại, mà bỏ lơ, mà ngược đãi chim sẻ Việt.

 

Tác giả: Đỗ Cao Bảo

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/doanh-nghiep-fdi-dong-gop-nhu-the-nao-trong-nen-kinh-te-viet-nam-a22558.html