Thu lớn từ bán 49% cổ phần FE Credit, VPBank muốn tăng vốn lên hơn 75.000 tỷ đồng

Theo Chủ tịch Ngô Chí Dũng, dự kiến đến cuối năm 2021 vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ tăng lên khoảng 90.000 tỷ đồng từ tái ký hợp đồng phân phối bảo hiểm, bán vốn FE Credit và lợi nhuận để lại. Trên cơ sở đó, VPBank sẽ đề xuất cổ đông nâng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu.

1-1619694333.jpg
Toàn cảnh ĐHĐCĐ VPBank. (Ảnh: Quang Hưng)

Hôm nay, 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Tại đại hội, VPBank tiếp tục trình cổ đông thông qua việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản và chuyển nhượng 1% vốn điều lệ FE Credit cho Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Đồng thời, chuyển đổi hình thức pháp lý của FE Credit từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sau khi hoàn tất giao dịch chuyện nhượng.

Trước đó, ngày 28/4, VPBank tiến hành ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho đối tác SMBC. Được biết, giá trị thương vụ đạt gần 1,4 tỷ USD với định giá FE Credit 2,8 tỷ USD. 

Như vậy, sau khi VPBank hoàn tất chuyển nhượng vốn, cơ cấu cổ đông của FE Credit sẽ khá tương đồng với một công ty tài chính khác là HD Saison (HDBank sở hữu 50% vốn điều lệ, Credit Saison Co., Ltd. (Nhật Bản) nắm 49% và CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) sở hữu 1% vốn điều lệ).

Chia sẻ với cổ đông về định hướng của VPBank đối với FE Credit sau khi bán 49% vốn cho đối tác chiến lược, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, FE Credit vẫn là công ty con của VPBank nên sẽ tiếp tục được hạch toán trong báo cáo tài chính hợp nhất. Ngân hàng sẽ vẫn có trách nhiệm xây dựng chiến lược cùng đối tác để đưa FE Credit tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Ông Vinh nhấn mạnh, việc bán vốn không phải VPBank bỏ đi "con gà đẻ trứng vàng", mà thông qua thương vụ này VPBank tìm kiếm được đối tác chiến lược, qua đó đem lại giá trị lớn hơn nhờ nguồn vốn rẻ và cơ hội hợp tác .

''Trong 1-2 năm đầu, lợi nhuận thu được từ FE Credit có thể giảm một chút hoặc không tăng, nhưng về lâu dài lợi nhuận sẽ tiếp tục phát triển. FE Credit vẫn sẽ là nhân tố quan trọng đối với ngân hàng’’, ông Vinh cho biết.

Nói thêm về thương vụ bán vốn tại FE Credit, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết ban đầu, VPBank có hai phương án: một là IPO theo phương pháp bán dựng sổ, hai là tìm nhà đầu tư chiến lược để giữ quyền chi phối. Nếu theo phương án thứ nhất nếu IPO, VPBank có thể bán với giá cao hơn lên tới 4 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, VPBank quyết định hợp tác với SMBC.

Theo ông Dũng quyết định hợp tác với SMBC nhằm tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ đối tác chiến lược nhằm tiếp tục phát triển FE Credit lên những tầm cao mới.

‘’SMBC là 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Công ty đứng ra mua là công ty tài chính tiêu dùng lâu đời nhất, thị phần tín dụng tiêu dùng lớn nhất tại Nhật Bản. Họ cũng là công ty phát hành thẻ tín dụng số một tại Nhật Bản’’, ông Dũng cho biết.

Chia sẻ về kế hoạch sử dụng số tiền thu về từ thương vụ trên, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, nguồn vốn mới sẽ giúp VPBank cải thiện hệ số an toàn vốn. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo ngân hàng cũng muốn cổ đông ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới dựa trên nguồn vốn tăng thêm.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc nguồn vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ tăng rất mạnh sau thương vụ trên, ngân hàng có kế hoạch chia cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn lệ không, ông Ngô Chí Dũng cho hay, trong năm 2021, VPBank sẽ có những nguồn thu như từ tái ký hợp đồng phân phối bảo hiểm vào tháng 6, bán vốn FE Credit và lợi nhuận để lại của năm 2021. Dự kiến đến cuối năm, vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ vào khoảng 90.000 tỷ đồng. 

Để chia cổ tức, ngân hàng sẽ phải trình Ngân hàng nhà nước phương án cụ thể và năm nay chưa thể hòan thành. Dự kiến vào cuối năm 2021, VPBank sẽ đề xuất cổ đông nâng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cũng tại đại hội, cổ đông VPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu tổng tài sản tăng 17,4% đạt 491.886 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10,5% đạt 327.280 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6% đạt 376.340 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9% so với năm 2020. 

ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án tái phát hành/bán cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên VPBank năm 2021. 

Theo đó, ngân hàng dự kiến bán 15 triệu cổ phiếu với mức giá ưu đãi 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm và giải tỏa 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm và 35% sau 3 năm. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý 3/2021

VPBank hiện có hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ, HĐQT đề xuất sử dụng toàn bộ số cổ phiếu quỹ này để chào bán cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP hoặc cho các nhà đầu tư mới vào thời điểm thích hợp. 

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/thu-lon-tu-ban-49-co-phan-fe-credit-vpbank-muon-tang-von-len-hon-75000-ty-dong-a22543.html