Chuyện về vị doanh nhân mồ côi cha mẹ, đỗ thủ khoa ngành địa chất Bách Khoa và “thổi hồn nặn xác” cho các khách sạn 5 tầm quốc tế Pullman, Sheraton, Somerset…

Là một doanh nhân kín tiếng, nên hầu như chỉ những người trong giới nội thất mới biết rằng ông Lê Bá Thông chính là một trong 3 người sáng lập ra TTT Corporation, công ty thiết kế và thi công nội thất hàng loạt công trình nổi tiếng…

Ông Lê Bá Thông là thành viên sáng lập, cố vấn điều hành, cựu CEO của TTT Corporation (chuyên về thiết kế - thi công nội thất).

Tìm hiểu về ông Lê Bá Thông trên mạng, có lẽ nhiều người sẽ tìm thấy thông tin về một người đàn ông hát hơn là một doanh nhân lớn. Ông từng tham gia vào nhiều chương trình ca hát và mở trường nhạc MPU, cùng với các thành viên sáng lập ra Tập đoàn TTT.

Là một doanh nhân kín tiếng, nên hầu như chỉ những người trong giới nội thất mới biết rằng ông Thông chính là một trong 3 người sáng lập ra TTT, công ty thiết kế và thi công nội thất hàng loạt công trình nổi tiếng như khách sạn Pullman, Sheraton, Somerset, Takashimaya, hay Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tòa nhà Quốc hội Việt Nam…

250019052-1617945205.jpg
Chú thích ảnh

Mồ côi cha từ lúc 10 tuổi, mồ côi mẹ lúc 12 tuổi nhưng đỗ thủ khoa khoa địa chất Đại học Bách Khoa thời đó

Ông Thông là con út của một gia đình có ba là nhà thơ, mẹ là văn công. Ông kể rằng khi ba mẹ lớn tuổi mới có thêm cậu út. Khi ông lớn lên một chút thì ba ngã bệnh. “Ba tôi vào viện, khi đó tôi nằm trên bụng ba. Ba đọc câu lục thì tôi phải đọc câu bát”, lãnh đạo TTT nhớ lại.

Tiếng thơ của ba và giọng hát của mẹ ngấm dần trong tuổi thơ của cậu bé năm xưa, nuôi dưỡng tâm hồn lãng mạn của vị doanh nhân sau này.

Ngày ấy, ông kể, ba ông không cho lát gạch bông và nuôi chó. Lớn lên ông mới hiểu, ba không lát gạch vì “bà con ở quê Cần Thơ lên không quen cởi giày nên khi vào nhà, bắt chú thím ở quê lên cởi dép thấy kỳ. Ba cũng không muốn nuôi chó vì khi khách đến nhà, lo đuổi chó không tận tâm tiếp khách.” Sự tinh tế của người cha đã ăn sâu vào tâm trí của cậu bé và theo cậu đi suốt cuộc đời.

“10 tuổi ba tôi mất. 12 tuổi, mẹ tôi mất. Lúc đó, nhà tôi bán sạch. Bộ salon là tài sản cuối cùng nhà tôi bán đi. Lúc đó, tôi nghĩ lớn lên thế nào, tôi cũng mua lại bộ salon cho mẹ. Tôi làm hết những việc có thể làm, kể cả bán thuốc lá. Để đến giờ, một ngày tôi đóng cả ngàn bộ salon”, ông Thông chia sẻ.

Vượt qua những cú sốc lớn trong cuộc đời, cậu út Thông sau đó đã đỗ thủ khoa vào ngành địa chất của ĐH Bách Khoa thời đó.

le-ba-thong-9-1637-1617945271.jpg
Doanh nhân Lê Bá Thông

Văn nghệ đưa ông Thông đến với kiến trúc

30 năm trước khi làm cho Xưởng Mỹ nghệ và Trang trí nội thất thuộc Phát Hành Sách quận 11 (là tiền thân của công ty Phương Nam), ông Thông gặp ông Trung (Kiến trúc sư Trần Khánh Trung - PV). Sau đó, ông Trung mời tôi làm một công trình nhà ở cho anh Phạm Trọng Cầu. Lúc đó, tôi có trong tay đội ngũ công nhân mà ông Trung và ông Tâm (ông Trần Minh Tâm - PV) đang thiếu. Sau lần hợp tác đó, 3 người cảm thấy hợp nhau. Vậy là ai có gì góp nấy rồi thành lập nên TTT vào năm 1992.

hqdefault-1617945327.jpg
Ông Lê Bá Thông phiêu với cây đàn.

Thương hiệu TTT được chiết tự từ chữ cái đầu tiên trong tên gọi 3 thành viên sáng lập (Trần Minh) Tâm, (Trần Khánh) Trung và (Lê Bá) Thông. Nội hàm của 3 chữ cái còn là thiết kế - thi công - trang trí nội thất. Sau này nhìn lại, những tài sản mà chúng tôi góp với nhau chỉ vỏn vẹn có giá trị khoảng 150 USD.

Ông Thông kể rằng nhờ văn nghệ mà ông đến với kiến trúc. Năm thứ 2 tại Đại học Bách Khoa, địa chất chia thành 2 ngành, địa chất công trình và khoáng sản. Ông Thông chọn địa chất công trình. Năm thứ 4, ông Thông vừa đi hát vừa đánh bóng bàn cho Công ty phát hành sách Quận 11. Ở Bách Khoa ngày đó, ông Thông vô địch bóng bàn. Sau này ông Thông vừa đi hát vừa đi đánh bóng bàn, vừa làm cán bộ Đoàn cho công ty.

Thời ấy, ra trường, Đảng và Nhà nước phân công ở đâu là về đó. Về nguyên tắc, phải về Trị An chẳng hạn. Ai muốn vào đơn vị mình muốn thì phải có 2 điều kiện. Thứ nhất là đơn vị đó phải xin, thứ hai là phải thủ khoa. Ông Thông đáp ứng cả 2 điều kiện trên.

Phát hành sách Quận 11 sau đó xin ông Thông về nhưng cũng gặp phải ý kiến phản đối vì không đúng chuyên ngành. Công ty có xưởng mỹ nghệ trang trí nội thất, có xưởng gỗ làm đồ lưu niệm và đã đưa ông Thông về làm. Vậy là ông Thông bắt đầu đến với nghề kiến trúc và nội thất.

Với doanh nhân họ Lê, âm nhạc như một người tình, người bạn. “Âm nhạc nhiều lúc sẽ giúp mình những buồn khổ. Đối với tôi, doanh nhân không lãng mạn, không bao giờ thành doanh nhân”, doanh nhân Lê Bá Thông từng chia sẻ.

Góp phần đưa nội thất Việt Nam ra thế giới

Sau 30 năm hoạt động, TTT đã khẳng định vị trí của mình trong ngành nội thất bằng những thành công nhất định và được các đối tác nước ngoài trong và nước lựa chọn.

Trong nước, TTT đã triển khai các dự án lớn như Hilton Đà Nẵng, Inter Continental 5 sao Phú Quốc...

thong-ttt-1-1617945363.jpg
 

“Rất nhiều ngành, lĩnh vực, khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì họ sẽ gần như “bức” các doanh nghiệp nội. TTT tự hào rằng, các công ty nội thất nước ngoài vào Việt Nam đấu không nổi với các công ty trong nước như TTT, AA…. Nhiều doanh nghiệp nội thất của Singapore cũng đầu tư tại Việt Nam nhưng các bạn sẽ không nghe thấy nhiều về họ vì họ không chịu nổi các công ty trong nước”, ông Thông tự hào.

Sau 30 hình thành và phát triển, TTT đã nhận hơn 5.000 dự án từ hơn 2.000 khách hàng trong và ngoài nước.

Ông Lê Bá Thông chia sẻ rằng có rất nhiều yếu tố để tạo nên sức mạnh của TTT. Một trong những yếu tố đó là TTT hình thành và phát triển ở miền Nam, nơi ngành nội thất phát triển rất sớm.

Khi các nước xung quanh khu vực vẫn còn nghèo thì nội thất ở Hòn Ngọc Viễn Đông đã phát triển rất tốt. Các trường Mỹ Thuật Đông Dương, trường Kiến trúc của Sài Gòn lừng lẫy một thời. Từ đó, mới có những người như ông Ngô Viết Thụ đã làm nên tên tuổi các công trình như Dinh Thống Nhất, chợ Đà Lạt…

Các thế hệ tiếp theo như Trần Minh Tâm ở TTT, Nguyễn Quốc Khanh ở AA Decor đã được tiếp cận với những cây đại thụ từ thời đó, nhanh chóng hội nhập chuyển đổi, đi sâu vào lĩnh vực nội thất từ khi đất nước vừa mở cửa. Sự kết nối từ các thế hệ giúp nền kiến trúc Việt Nam đi lên và ngày càng tốt hơn.

Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng là khách hàng của TTT như Nike, Adidas, Unilever, California Fitness, Pepsico, Honda, AIA…. Không chỉ vậy, TTT còn thiết kế và thi công công trình nội thất tại một số quốc gia như Mỹ, Australia, Bangladesh, Myanmar…

Trần Đạt

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/chuyen-ve-vi-doanh-nhan-mo-coi-cha-me-do-thu-khoa-nganh-dia-chat-bach-khoa-va-thoi-hon-nan-xac-cho-cac-khach-san-5-tam-quoc-te-pullman-sheraton-somerset-a22347.html