'Bóc phốt' khái niệm học giả Harvard Yenching Institute!

Chủ đề nóng bỏng tay của ngày hôm nay là về khái niệm học giả Harvard Yenching Institute (HYI). Nó là gì, hàng fake hay hàng thật? visiting scholar khác post-doc ở chỗ nào? Nó có liên quan đến Trung Quốc?. Mình từng có ít nhiều liên quan đến HYI nên hôm nay sẽ “bóc phốt” chủ đề này.

170511367-2798215623777063-6651677461986092162-n-1617938357.jpg
Harvard Yenching Institute


Prologue / Lời phi lộ

Quay ngược kim đồng hồ lại thời điểm mùa hè năm 2000, cách đây đúng 21 năm. Lúc đó mình mới 22 tuổi, gày còm ốm yếu, bị bệnh rụng tóc, mặt lại nhiều mụn. Nói chung là xấu giai hơn bây giờ nhiều. Lúc đó mình đang là giảng viên khoa Kinh tế, thuộc Đại học Quốc Gia HN. Thời điểm này mình đã thi xong TOEFL (607 điểm) và GRE (2040 điểm), chuẩn bị tìm trường để nộp hồ sơ xin đi học Ph.D. ở Mỹ.

Nếu ai đã từng có ý định đi du học thì đều biết chi phí đắt thế nào. Lúc đó dĩ nhiên mình chẳng có xu nào cả. Việc xin đi du học, vì thế, hoàn toàn dựa vào việc kiếm học bổng. Kiếm học bổng thì chủ yếu có hai nguồn, (1) xin đi làm ở trường dưới dạng trợ giảng (TA) hoặc trợ lý nghiên cứu (RA), hoặc (2) xin chỗ nào đó họ cho mình tiền.
Lúc đó, kiếm hoài cũng không ra lựa chọn số (2) nào cả. Nên mình chỉ dựa vào lựa chọn số (1), tức là xin làm việc trực tiếp những trường mình nộp hồ sơ. Dĩ nhiên mình hiểu xin như thế thì cơ hội được các trường này nhận sẽ kém hơn. Nếu có chỗ khác cho tiền sẵn rồi thì sẽ xin học dễ hơn.

Thế nhưng một hôm đi làm thì mình lại thấy có một thông báo dán trên tường về học bổng đào tạo sau đại học của Harvard Yenching Institute. Nghe thấy học bổng là mắt sáng lòa rồi nên HYI là gì nghiên cứu gấp để nộp thôi. Mà lúc đó, cũng đã chuẩn bị hết mọi thứ, nên nộp hồ sơ cái rụp. Nộp thì nộp vậy thôi chứ cũng không hi vọng lắm.

Thế nhưng mấy tháng sau, mình nhận được thông tin từ HYI, nói đến ngày này, giờ này, sẽ lên văn phòng Đại học Quốc Gia HN để gặp đại diện của HYI phỏng vấn trực tiếp. Lúc đó là tim đã bắt đầu đập lung tung rồi. May mà khi đó mình có dịp hàng tuần gặp Giáo sư Ngô Vĩnh Long (https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_V%C4%A9nh_Long) trò truyện và mình được Giáo sư dạy bảo nhiều, bao gồm cả chuẩn bị về mặt tinh thần cho các cuộc phỏng vấn kiểu này.

Người phỏng vấn mình là giám đốc chương trình học bổng của HYI, một người Mỹ da trắng đứng tuổi. Ông ấy phỏng vấn mình trong khoảng 1 giờ đồng hồ hoặc hơn. Câu chuyện khá lôi cuốn thành ra mình không có cảm giác đó là một cuộc phỏng vấn. Khi hết giờ, ông ấy bắt tay mình và nói sẽ có kết luận sau mấy tháng.

Tua nhanh thời gian thêm một chút. Đến khoảng đầu tháng 4 năm 2001, lúc này mình đã nhận được admission letters của 5 trong số 6 trường mình nộp hồ sơ. Có 4 trường này đồng ý cho học và cho làm thêm để có tiền, một trường là University of Rochester từ chối. Nhưng 4 trường đồng ý nhận đều là 4 trường mình không hào hứng lắm. Còn lại mỗi một trường là Universtiy of Texas at Austin. Nhưng thấy họ chưa trả lời mà cũng trễ rồi nên nghĩ khả năng tạch cũng cao.

Đúng lúc đó thì mình lại nhận được một cái thứ tay của HYI. Mở ra coi, thấy chữ “congratulation” cái là vứt đó nhảy lên hét ầm ĩ rồi.

Từ chỗ có HYI cấp học bổng, mình qua sự hỗ trợ của Dr. Nguyễn Quốc Toàn (lúc đó đang là nghiên cứu sinh ở NYU) liên hệ với UT-Austin một cách đầy tự tin. Mấy ngày sau, UT-Austin đồng ý luôn.

Thế là tháng 8 năm ấy (2001) mình khăn gói lên đường. Từ đó đến giờ đã 20 năm, mà cứ nghĩ như mới có 2 năm.

HYI là gì?

Harvard Yenching Institute – Viện Harvard Yenching có khuôn viên tọa lạc trong trường ĐH Harvard, có Giám đốc đương nhiệm là Giáo sư Elizabeth J. Perry (https://scholar.harvard.edu/elizabethperry/home), giáo sư ngành chính trị của Đại Học Harvard. Hội đồng Quản trị của HYI bao gồm 9 thành viên, với 3 người đại diện trường ĐH Harvard, 3 người đại diện của United Board for Christian Higher Education in Asia (Hội đồng vì Giáo dục Sau phổ thông Công Giáo tại châu Á) – một tổ chức phi chính phủ ở New York, và 3 thành viên độc lập có hiểu biết sâu rộng về châu Á (https://www.harvard-yenching.org/history-of-the-harvard.../).

Harvard Yenching không phải là một đơn vị do trường ĐH Harvard sở hữu. HYI có thể hiểu là một tổ chức thiện nguyện hoạt động độc lập, có ngân sách độc lập. Nhưng HYI là một phần không tách rời của cộng đồng Harvard. Hiểu nôm na, HYI là một dự án độc lập mà Harvard có tham gia với tư cách thành viên sáng lập.

Vậy HYI làm gì? HYI không phải là một khoa hay là một viện đào tạo. HYI không có cấp bằng gì hết. Trong lịch sử, HYI làm nhiều việc như hỗ trợ thành lập Khoa nghiên cứu về ngôn ngữ và văn minh Á Đông của Đại học Harvard, thành lập thư viện Harvard Yenching Library của Đại học Harvard, thành lập tạp chí nghiên cứu Harvard Journal of Asiatic Studies etc, hỗ trợ trực tiếp cho nhiều trường ĐH ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên từ những năm 1950s trở lại đây thì HYI tập trung chính vào việc tài trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ và các giáo viên trẻ thuộc các trường Đại học hàng đầu ở Đông và Đông Nam Á ra nước ngoài nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn. Tới nay, hơn 1200 giảng viên và hơn 600 nghiên cứu sinh đã được HYI hỗ trợ, trong đó 400 tiến sĩ và thạc sĩ đã tốt nghiệp dưới sự tài trợ của HYI.

Mình không rõ chính xác có bao nhiêu trong số 400 này là tiến sĩ. Nhưng mình là một người trong số đó. Một sản phẩm được đào tạo ra dưới sự chi trả của HYI. Không có HYI thì không có mình như bây giờ.

Cần nói rõ là với các chương trình tài trợ này, HYI không có đào tạo gì hết mà là đơn vị cấp học bổng / ngân sách. Những người nhận tài trợ sẽ học tập và làm việc tại các cơ sở đào tạo khác nhau. Thí dụ, mình học và tốt nghiệp từ UT-Austin, nhưng dưới sự tài trợ của HYI. Vì thế, sẽ rất bình thường nếu một học giả đi theo diện visting scholar do HYI tài trợ và làm việc trong thời gian visting này ở Harvard ghi vào hồ sơ là visiting scholar của Harvard. Bản thân trên website của HYI cũng ghi rất rõ là “chương trình này trao cơ hội cho các giảng viên trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có 10 tháng nghiên cứu độc lập tại đại học Harvard” (https://www.harvard-yenching.org/.../visiting-scholars.../)

HYI lấy tiền đâu ra và có thân với Trung Quốc không?

HYI là một quỹ tín thác công ích (public charitable trust) được thành lập từ năm 1928 với nguồn tài trợ thuần túy từ tài sản của một người đã mất năm 1914 – nhà khoa học Charles Martin Hall. Ông Hall là một nhà khoa học và một nhà sáng chế, đồng thời là một “đại gia” thời đó với tài sản có được vì thành lập công ty luyện kim Alcoa. Công ty này hiện giờ vẫn niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và hồi xưa mình cũng từng có thời “đánh cổ phiếu” Alcoa. Ông Hall mất lúc còn rất trẻ (51 tuổi), và không có vợ con thừa kế. Tài sản của ông để lại theo di chúc được dùng cho mục đích thiện nguyện. Harvard Yenching được thành lập dựa hoàn toàn trên nguồn ngân sách đến từ khối tài sản này.

Nhưng sao lại là châu Á? Đặc biệt là có chữ Yên Kinh (Yenching) rất chi là “Tàu”? Ông Charles M. Hall dĩ nhiên không phải người châu Á, càng không phải người Trung Quốc, và cũng không làm ăn gì ở Trung Quốc. Viện Harvard Yenching được thành lập ra 14 năm sau khi ông qua đời.

Chữ Yenching đến từ… một người da trắng khác, là tiến sĩ John Leighton Stuart (1876-1962), một nhà truyền giáo và một nhà giáo dục. Ông Stuart dành một phần lớn phần đời ở Trung Quốc hoạt động truyền đạo Công giáo và làm giáo dục. Có thời ông còn là Đại sứ của Mỹ tại Trung Quốc (1946 – giai đoạn nội chiến giữa ĐCS và Quốc dân đảng). Stuart được coi là tượng đài trong quan hệ Mỹ - Trung trong giai đoạn lịch sử đó. Ông cũng là người sáng lập Đại học Yên Kinh (Yenching University), và là chất xúc tác để hình thành Harvard Yenching Institute tại trường Đại học Harvard năm 1928. Chính HYI trong giai đoạn đầu cũng tham gia hỗ trợ trực tiếp Đại học Yên Kinh và 5 trường Đại học khác ở Trung Quốc và một ở Ấn Độ.

Như vậy, mặc dù có chữ Yên Kinh, và có nguồn gốc lịch sử liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung từ thời đầu thế kỷ 20, HYI hoàn toàn là một quỹ tín thác của Mỹ, hoạt động hoàn toàn từ ngân sách đóng góp dựa trên tài sản của nhà khoa học Charles Martin Hall để lại. Tôn chỉ mà HYI theo đó vận hành là nghiên cứu và hỗ trợ nghiên cứu, xuất bản về văn hóa Trung Hoa, Châu Á đại lục, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Balkan ở Châu Âu bằng cách sáng lập, phát triển, hỗ trợ, duy trì các tổ chức giáo dục, hoặc hợp tác và liên kết với các tổ chức giáo dục khác.

Nói cách khác, HYI không hoạt động bằng tiền của Trung Quốc và cũng không hoạt động theo agenda của Trung Quốc hay nói cách khác không “thân Trung Quốc” như một số người phán bừa.

Visiting scholars khác với postdoc hay research fellows chỗ nào?

Chủ đề tranh luận hót hòn họt ngày hôm nay còn xung quanh các khái niệm như visiting scholars, postdoc, và research fellows nữa, cái nào hơn cái nào, khác nhau ở chỗ nào, có thành hàng fake không khi dùng chữ này thay vì chữ kia.

Câu trả lời ngắn gọn là visiting scholars, postdocs, hay research fellows chẳng khác gì nhau ngoài vấn đề đối tượng và thời gian. Cả 3 dạng này đều là có một đơn vị đứng ra cấp ngân quỹ để một cá nhân qua một trường đại học hoặc một tổ chức nghiên cứu khác để nghiên cứu / làm việc trong một thời gian nhất định. Lưu ý là cả 3 đều không phải là những chương trình học, và vì thế đều không có cấp bằng gì hết. Các học giả đi theo các chương trình này đều có thời gian tự do để nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu, hoàn thành các công trình nghiên cứu đang phát triển của mình, tham dự các hội thảo hội nghị khoa học, networking với các nhà khoa học khác…

Khác biệt cơ bản giữa các chương trình này là đối tượng và thời gian của chương trình. Thí dụ postdoc (nghiên cứu sau tiến sĩ) thì dành cho những người đã tốt nghiệp tiến sĩ trong một thời gian nhất định (thường là dưới 5 năm sau khi tốt nghiệp) và các chương trình postdoc thường kéo dài 2 năm. Visiting scholars hay research fellows thì áp dụng cho các học giả theo nghĩa rộng hơn, và chương trình thường ngắn hơn, thí dụ 10 tháng theo chương trình của HYI. Research fellowships thì có thể rất ngắn (thí dụ 6 tháng) hoặc dài hơn. Thí dụ Humboldt research fellowship cho từ 6 tháng đến 2 năm (https://www.humboldt-foundation.de/.../humboldt-research...).

Nói nôm na, những người đi theo các chương trình này thường vì thiếu một số thứ gì đó. Thí dụ thiếu cơ hội cọ sát, làm việc với các chuyên gia hàng đầu trong ngành nghiên cứu của mình, thiếu thiết bị, máy móc thí nghiệm, hoặc thiếu tiền để làm nghiên cứu. Thời mình mới tốt hiệp Ph.D. từ UT-Austin, mình cũng được trao một cơ hội làm postdoc 2 năm ở Đại học University of Southern California (USC – trường top đầu nước Mỹ chứ không phải Đại học California Southern có mặt ở VN ). Tuy nhiên, lương làm postdoc thì hẻo (vì là tiền cho miễn phí), mà sau đó mình có công việc ngay nên cũng không có lý do gì ngồi thêm 2 năm ở đó làm gì nên mình không nhận. 

T.S Trần Vinh Dự

Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo dịch vụ Chiến lược và Giao dịch Tài chính (SaT), Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam

 

Trần Vinh Dự

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/boc-phot-khai-niem-hoc-gia-harvard-yenching-institute-a22344.html