KIÊN NHẪN – Và thành quả xứng đáng của nó – Bài học từ cổ phiếu VND

Hãy kiên nhẫn, kiên nhẫn một cách lỳ lợm. Nếu bạn mua vào một cổ phiếu mà bạn cho là rẻ nhưng nó lại không tăng giá. Thì cũng đừng vội vàng bán nó ngay, vì có thể nó chỉ tăng ngay sau khi bạn bán. Việc bán cổ phiếu sớm chỉ làm cho bạn mất phí giao dịch và cả cơ hội làm giàu.

Sau đây là chia sẻ của một Fund Manager đang quản lý một quỹ đầu tư ngoại với danh mục khoảng 54 triệu USD.

Quay lại thời gian, có lẽ đó là chuỗi ngày thể hiện sự quyết đoán đến lạnh lùng, sự kiên nhẫn đến chai lỳ cảm xúc và cũng là bước ngoặc thay đổi thời vận của Quỹ chúng tôi trong suốt thời gian qua. Đó là thời khắc mà chúng tôi quyết định mua vào cổ phiếu VND – Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect. Đấy là thời điểm làn sóng Covid 19 thứ hai diễn ra tại Việt Nam vào tháng 8/2020, sau khi thị trường phục hồi đáng kể do đợt Covid đầu tiên gây ra thì đợt thứ hai lại tiếp tục. Thị trường lại bắt đầu giảm sút. Nhận thấy đây là cơ hội mua vào, chúng tôi đã tất tay vào thị trường mua tất cả những cổ phiếu định giá rẻ tại thời điểm đó. Một trong những cổ phiếu mà đem lại thành công lớn lao nhất cho Quỹ chính là VND – Công ty Cổ Phần Chứng Khoán VNDirect. Chúng tôi đã mua vào một số lượng cổ phiếu rất lớn VND với giá chỉ loanh quanh khoảng 12.5k/cổ phiếu và giữ đến tận bây giờ, với mức lợi nhuận tạm tính lên đến hơn 160% và VND trở thành một trong những cổ phiếu đứng đầu danh mục hơn 54 triệu USD của Quỹ.

Vì sao lại mua vào VND?

Vào thời điểm chúng tôi mua vào VND, chúng tôi đã dựa vào tất cả những yếu tố cơ bản để định giá công ty này và xác định đây là một trong những cổ phiếu bị định giá thấp một cách đáng kể. Chỉ số P/E vào thời điểm 8/2020 chỉ có khoảng 7 và giao dịch dưới giá trị sổ sách khá xa. Hơn nữa thị trường đang phục hồi đó là một điều tốt cho một công ty môi giới đứng top 5 toàn thị trường. Tất cả những điều đấy là dấu hiệu cho thấy một công ty tốt đang bị định giá rẻ khi sự hoảng loạn của thị trường dâng cao. Chúng tôi đã quyết định rót tiền khá nhiều vào VND với giá trung bình chỉ khoảng… 12,500 đồng/cp.

Vì sao lại kiên nhẫn đáng sợ như vậy?

Như các bạn đã biết, VND cũng như những cổ phiếu khác, để đến khi đạt đến mốc như hôm nay (hơn 33,000 đồng/cp) thì nó đã trải qua bao nhiêu sóng gió, thậm chí lên đỉnh với mức giá đâu đó 35,000 đồng/cp, rồi lao dốc xuống mức quanh 22,000 đồng trước khi quay lại mốc như hiện nay. Trong suốt quá trình đó, chúng tôi vẫn nắm giữ cổ phiếu một cách trơ lỳ. Nhiều người sẽ tự hỏi tại sao không xoay vòng? Vì xoay vòng có thể đã ăn nhiều lần rồi. Thật tình mà nói, chúng tôi không giỏi phân tích kỹ thuật, nắm điểm ra vào hay đoán gió đoán sóng, đoán tiền vào tiền ra, chúng tôi không giỏi. Nên chúng tôi luôn lo lắng bán ra lúc cổ phiếu còn đang rẻ thì đấy sẽ là một trong những sai lầm lớn. Chính vì vậy chúng tôi vẫn giữ một cách kiên trì. Vì chúng tôi cho rằng giá hiện tại vẫn còn đang quá rẻ cho VND. Thử hỏi, trong top 5 công ty chứng khoán hàng đầu, niêm yết trên sàn chứng khoán gồm SSI, HCM, VCI, VND hay MBS thì đâu là công ty chứng khoán rẻ nhất? Theo nhận định của chúng tôi, đó chính là VND. Ngay cả khi nó tăng lên hơn 160% kể từ khi mua vào trong tháng 8/2020 thì chỉ số PE của VND cũng chỉ mới đâu đó 10 lần so với lợi nhuận của năm 2020. Trong khi đó các công ty khác, đều thuộc hàng loanh quanh 15.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng giá của cổ phiếu VND hiện tại chưa phản ánh đúng giá trị của cổ phiếu dù dựa trên mức lợi nhuận của 2020 chứ đừng nói đến mức lợi nhuận của của 2021. Một khi giá của cổ phiếu còn nằm dưới xa giá trị hợp lý của nó thì chúng tôi sẽ không bán ra và tiếp tục nắm giữ. Đương nhiên, cách thức đầu tư của quỹ khác xa với cách thức của một nhà đầu tư cá nhân, các bạn có thể lướt xa, lướt gần, lướt ngắn, lướt dài với một số lượng cổ phiếu tương đối dễ lướt. Quỹ thì nắm một số lượng nhiều, việc ra vô chưa bao giờ là dễ dàng cả. Tuy nhiên, điều tôi muốn chia sẻ ở đây đó chính là hãy kiên nhẫn chờ đợi, đến ít nhất giá cổ phiếu tương đối phản ánh đúng thực chất của doanh nghiệp để tránh bán rẻ rồi lại phải mua mắc hơn. Tôi dám chắc với các bạn rằng, đã không ít lần các bạn lỡ chốt lãi ở mức giá thấp rồi lại mua vào với mức giá cao hơn sau đó. Vì sao lại như thế? Vì chúng ta chưa kiên nhẫn, và chưa thực sự biết được đâu là giá trị của nó. Hoặc giả đó là sự rung động của cảm xúc khi lý trí bị lấn át bị những dao động của thị trường quật ngã các bạn làm cho các bạn nhanh chóng quên đi giá trị của công ty mà bạn mua vào. Đương nhiên chả ai hoàn hảo cả, tôi chia sẻ đây cũng không phải để nổ, để khoe khoang mà chỉ là sự chia sẻ cùng các bạn hay đơn giản là tôi cũng cần củng cố tinh thần của chính mình. Cũng chẳng thiếu những lúc bản thân tôi cũng bị dao động khi thị trường lao dốc hay lên quá độ. Đơn giản chúng ta đều là con người, mà đã là con người đương nhiên có cảm xúc, có dao động, có hoang mang, có phấn khích. Tất cả những cảm xúc đó chính là liều thuốc độc trong đầu tư. Trong danh mục cổ phiếu của chúng tôi cũng không thiếu những mã lỗ, thậm chí lỗ nặng, nhưng chúng tôi cũng vẫn kiên nhẫn chờ đợi hoặc tìm kiếm lý do cho sự thua lỗ cho đến khi hiểu mọi sự kỹ càng, lúc đó chúng tôi mới quyết định. Rõ ràng, chả ai luôn đúng, Warren Buffet cũng lỗ như ai, nhưng ông ta lãi nhiều hơn lỗ.

Khi nào mới chốt lãi?

Một câu hỏi không hề đơn giản, nhưng đối với chúng tôi mà nói, chúng tôi sẽ không bán ra khi giá của nó chưa phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp. Cũng như vài ngày gần đây, râm ran trên các diễn đàn, các nhóm facebook, hàng loạt những tin đồn, tin rao rằng VND báo lãi Quý 1/2021 gấp 9 lần cùng kỳ. Bản chất khi tôi đọc tin này, thì tôi cũng phải đi kiểm chứng. Thực sự cũng không có gì lạ, vì cùng kỳ năm ngoái công ty ghi nhận mức lợi nhuận thấp kinh ngạc do ảnh hưởng của đợt Covid thứ 1, trong khi cùng kỳ năm nay, giá trị giao dịch chứng khoán bốc đầu, phí môi giới và phí vay đương nhiên tăng cao chưa tính các khoản đầu tư cổ phiếu đem lại lợi nhuận thì xác suất tin này là đúng khá cao. Tuy nhiên chúng tôi không đưa ra các quyết định dựa trên tin đồn mà đó phải là những thông tin mang tính đại chúng và ít nhất được xác thực bởi doanh nghiệp. Dựa theo những thông tin này thì lợi nhuận của VND trong năm 2021 hoàn toàn có thể đạt con số 1,000 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận như vậy, và chỉ số P/E kỳ vọng ít nhất là 15 lần (tương đương trung bình các công ty chứng khoán khác) thì giá trị của VND sẽ đạt khoảng 15,000 tỷ đồng, tương đương với mức giá cổ phiếu khoảng… 70,000 đồng/cp. Giả sử bạn cẩn trọng giảm trừ đi 20% cho biên độ an toàn, thì giá của nó cũng phải loanh quanh 56,000 đồng/cp. Như vậy, VND vẫn còn một khoảng khá xa mới đạt tới mức này. Đứng ở góc độ Fund Manager của một quỹ đầu tư, việc bán dưới giá này được xem là một thất bại lớn trừ khi bạn có thể tìm thấy một cổ phiếu khác rẻ hơn nhiều lần để thay thế nếu bạn có phương án bán nó. Tuy nhiên, đây là góc độ đánh giá chủ quan của cá nhân tôi thôi, các bạn đầu tư thì cũng cần đưa ra nhận định của riêng mình và chịu trách nhiệm với kết quả của mình đưa ra.

Bài học đưa ra?

Hãy kiên nhẫn, kiên nhẫn một cách lỳ lợm. Nếu bạn mua vào một cổ phiếu mà bạn cho là rẻ nhưng nó lại không tăng giá. Thì cũng đừng vội vàng bán nó ngay, vì có thể nó chỉ tăng ngay sau khi bạn bán. Việc bán cổ phiếu sớm chỉ làm cho bạn mất phí giao dịch và cả cơ hội làm giàu. Có những cổ phiếu nằm im cả năm trời và sau đó tăng mạnh 100% chỉ trong vòng một tháng. Nếu bạn không chờ đợi đến tháng đó thì có phải mọi thứ trở nên công cốc? Vội vàng, nóng vội là tội đồ của đầu tư là một liều thuốc độc có thể giết chết bạn trong nháy mắt. Tham lam nhảy vào những cổ phiếu nóng mà không hề biết đầu là nguồn cội thì một ngày nào đó chính nó sẽ dìm chết bạn.

Bài tiếp theo: “Thị trường đang lên, danh mục thì lỗ chổng vó, đây là những điều bạn cần làm!”

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/kien-nhan-va-thanh-qua-xung-dang-cua-no-bai-hoc-tu-co-phieu-vnd-a22322.html