Nhân vật bí ẩn đằng sau vụ sụp đổ quỹ đầu cơ lớn nhất tại Mỹ trong 13 năm qua

Đòn bẩy tài chính là nguyên nhân đằng sau vụ đầu tư thất bại khiến quỹ đầu tư 10 tỷ USD bốc hơi lần này.

Cho mãi đến gần đây, ông Bill Hwang vẫn là một trong những người giàu có và kín tiếng nhất trung tâm tài chính của nước Mỹ. Và rồi, mọi chuyện thay đổi chóng vánh chỉ sau vài ngày, theo nội dung bài báo mới được New York Times đăng tải. 

billhwang-rbxq-1617761907.jpg
Bill Hwang

CANH BẠC NHIỀU TỶ USD SỤP ĐỔ 

Năm nay 57 tuổi, ông Hwang là nhà đầu tư kỳ cựu trên phố Wall. Ông quản lý tài sản 10 tỷ USD thông qua quỹ đầu tư của riêng ông có tên Archegos Capital Management. 

Thời gian gần đây, ông đã vay hàng tỷ USD từ các ngân hàng trên phố Wall nhằm đầu cơ vào một số cổ phiếu của doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc. Ở thời điểm giữa tháng 3/2021, ông nắm 20 tỷ USD cổ phiếu của công ty truyền thông ViacomCBS và ông trở thành cổ đông tổ chức lớn nhất của công ty này. 
Tuy nhiên, chẳng có ai có thể tính toán được thựa ra ông nắm bao nhiêu tỷ USD cổ phiếu bởi ông sở hữu cổ phiếu chủ yếu thông qua nhiều công cụ tài chính phức tạp được gọi là phái sinh do các ngân hàng tạo ra. 

Cuối tháng 3/2021, cổ phiếu của công ty ViacomCBS giảm chóng mặt xuống dưới ngưỡng an toàn so với tài sản đảm bảo của các công ty, các bên môi giới lập tức kích hoạt lệnh yêu cầu tăng tài sản ký quỹ, khi mà quỹ Archegos không đáp ứng được, lập tức các ngân hàng thâu tóm tài sản và đồng loạt bán ra. Vụ sụp đổ quỹ đầu tư lớn nhất tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã diễn ra như thế.

Chỉ sau một đêm, tài sản cá nhân của ông Hwang bốc hơi. Câu chuyện như thế này cũng thường diễn ra trên phố Wall khi mà sự kết hợp của tham vọng, lòng tham và việc tính toán thời điểm sẽ giúp mang lại lợi nhuận cực lớn, nhưng ngược lại, nếu tình hình thay đổi, thảm họa sẽ xảy ra.

Một chuyên gia lâu năm trên phố Wall, ông Charles Geisst, phân tích: “Vấn đề hiện nay chính là ví dụ minh họa cho môi trường pháp lý lỏng lẻo trên phố Wall trong vài năm qua. Quỹ Archegos đã giấu được danh tính với các nhà quản lý bằng việc vay tiền thông qua các ngân hàng bằng các giao dịch trong bóng tối”.
Vụ sụp đổ quỹ đầu tư của ông Hwang mới chỉ là khởi đầu. 2 trong số ngân hàng cho ông vay tiền công bố thua lỗ hàng tỷ USD. Giá cổ phiếu của ViacomCBS giảm hơn 50% trong vòng 1 tuần. 

Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Mỹ (SEC) đã mở cuộc điều tra ban đầu với Archegos và các thành viên thị trường đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của những quỹ đầu tư gia đình kiểu như của ông Hwang, loại hình quỹ này ước tính đang kiểm soát lượng tài sản lên đến hàng nghìn tỷ USD. Nhiều người khác cũng đang kêu gọi cần có sự minh bạch cao hơn trên thị trường phái sinh, đặc biệt với loại mà quỹ Archegos từng mua. 

TỶ PHÚ KÍN TIẾNG CỦA PHỐ WALL 

Ông Bill Hwang từng được coi như câu chuyện “tay trắng thành công” điển hình trên đất Mỹ. Sinh ra tại Hàn Quốc, ông chuyển đến sống tại Las Vegas vào năm 1982 khi đang học trung học. 

Những ngày đầu trên đất Mỹ, ông không nói được nhiều tiếng Anh. Ban đầu ông làm đầu bếp tại nhà hàng McDonald ở Las Vegas Strip. Chỉ trong vòng 1 năm, cha của ông và đồng thời là chỗ dựa quan trọng của ông qua đời. 

Ông và mẹ ông chuyển đến Los Angeles. Ông theo học chuyên ngành kinh tế tại đại học University of California tuy nhiên ông lại cảm thấy hứng thú với sự náo nhiệt của thành phố Santa Monica, kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood và khu vực của những người giàu có Beverly Hills. 

“Tôi thường chỉ trích những người đã quyết định đặt đại học ở một khu vực hấp dẫn đến như vậy, tôi không thể đi học nhiều, thực sự là như vậy”, ông Hwang từng kể lại.

Cuối cùng, ông cũng tốt nghiệp được trường với điểm số suýt xoát và sau đó tiếp tục theo học ngành quản trị kinh doanh tại đại học Carnegie Mellon University ở Pittsburgh. Ông làm việc 6 năm tại công ty dịch vụ tài chính Hàn Quốc ở New York và sau đó đảm nhiệm vị trí tư vấn đầu tư cho  Julian Robertson người được mệnh danh “phù thủy của phố Wall” và là người đứng đầu quỹ đầu cơ Tiger Management được sáng lập năm 1980.

Năm 2000, ông Robertson thu hẹp đối tượng nhận tiền vào quỹ, theo đó chỉ những nhà đầu tư tại New York mới được đổ tiền vào đây. Ông Robertson đã giúp ông Hwang thành lập quỹ đầu cơ của riêng mình có tên Tiger Asia. Quỹ này tập trung vào các cổ phiếu tại châu Á và vì vậy tăng trưởng nhanh chóng. Đã có lúc quỹ quản lý 3 tỷ USD cho nhà đầu tư bên ngoài. 

Ông Hwang nổi tiếng vì thích “chơi lớn”. Ông thường “đặt cược” cao vào các cổ phiếu ở Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc và nhiều nơi khác, ông sử dụng đòn bẩy tài chính rất nhiều, bằng cách này, có thể ông kiếm được lợi nhuận cực cao nhưng cũng có thể mất sạch tài sản.

Trong cuộc sống cá nhân của mình, ông khiêm tốn và kín tiếng. Vợ chồng ông mua căn nhà ở Tenafly (quận Bergen, bang New Jersey) có giá khoảng 3 triệu USD, một con số quá khiêm tốn so với chuẩn chung của giới đầu tư phố Wall. Ông thành lập quỹ có tên Grace and Mercy Foundation chuyên tài trợ cho hoạt động đọc kinh thánh và câu lạc bộ sách tôn giáo. Quy mô của quỹ này tăng lên mức 500 triệu USD từ 70 triệu USD trong vòng 1 thập kỷ. Quỹ cũng đã quyên hàng chục triệu USD cho các tổ chức Thiên Chúa giáo.

LUÔN NÉ TRÁNH CÁC QUY ĐỊNH KIỂM SOÁT 

Trong đầu tư, quỹ của ông rất chuộng rủi ro và có cách né tránh khôn khéo tầm ngắm của các nhà quản lý. Năm 2008, quỹ Tiger Asia mất tiền khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers nộp hồ sơ xin phá sản ở thời kỳ khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất. Năm sau đó, các nhà quản lý Hồng Kông cáo buộc quỹ này sử dụng thông tin nội gián khi giao dịch một số cổ phiếu Trung Quốc. 

Năm 2012, ông Hwang bị phạt 44 triệu USD vì hành vi giao dịch nội gián. Cùng năm đó, quỹ Tiger Asia cũng phải thừa nhận cáo buộc giao dịch nội gián và buộc phải trả lại tiền cho nhà đầu tư. Ông Hwang bị cấm quản lý tiền của công chúng trong vòng 5 năm và ông mới được gỡ lệnh này vào năm ngoái.

Sau khi quỹ Tiger Asia sụp đổ, ông Hwang đã thành lập quỹ Archegos được đặt theo tên Hy Lạp có nghĩa là lãnh đạo hoặc hoàng tử. Quỹ mới đầu tư vào cả cổ phiếu Mỹ và châu Á. Quỹ này tương đương với quỹ đầu tư, tuy nhiên tài sản chủ yếu đến từ tiền cá nhân của ông Hwang và một số thành viên gia đình. Cấu trúc tài sản quỹ mới này giúp nó thoát khỏi sự giám sát của nhà quản lý bởi không có nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào.

Từng là cổ đông tổ chức lớn nhất tại công ty công ty ViacomCBS nhưng tiền ông đầu tư vào đây chủ yếu đi vay ngân hàng. Chính vì vậy nếu giá cổ phiếu đảo chiều, ông sẽ phải trả thêm tiền cho các ngân hàng để bù lỗ hoặc nếu không sẽ mất sạch các cổ phiếu đang nắm giữ. 

Khi giá cổ phiếu của Viacom CBS lao dốc, ông không thể đáp ứng được yêu cầu margin call mà các ngân hàng đưa ra, kết quả tài sản cổ phiếu của ông tại các ngân hàng bị bán sạch. Ban đầu Goldman Sachs bán và sau đó đến Morgan Stanley và nhiều ngân hàng khác. Credit Suisse cho biết thiệt hại lớn còn Nomura thua lỗ đến 2 tỷ USD.

Ngọc Diệp

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/nhan-vat-bi-an-dang-sau-vu-sup-do-quy-dau-co-lon-nhat-tai-my-trong-13-nam-qua-a22315.html