Case study khởi nghiệp triệu đô "xích lô trẻ em": - Phần 1. Giá trị của đất hoang

Câu chuyện trở thành ông trùm xích lô trẻ em đã lùi vào dĩ vãng nhưng tôi vẫn rất muốn chia sẻ lại toàn bộ quá trình đó để giúp các bạn, đặc biệt là các bạn mới khởi nghiệp có cái nhìn đơn giản hơn về khởi nghiệp hiệu quả. Khởi nghiệp thành công ngay từ đầu rất quan trọng vì nó sẽ giúp bạn có được bước đệm để tiến lên những nấc thang cao hơn. Tôi rất dị ứng với kiểu nói học từ thất bại mặc dù tôi cũng có vài lần thất bại vì... lơ là.

vbi-22-1616227670.jpg

Thực chất là tôi chưa từng khởi nghiệp thất bại, tôi chỉ thất bại khi đã hái ra tiền và ngủ quên trên chiến thắng. Điều này là khác biệt hoàn toàn so với các bạn khởi nghiệp và chưa làm ra cái gì đã mất tiền oan. Chính vì thất bại của tôi là thất bại sau khi đã làm nên chuyện nên tôi chẳng có gì phải ôm hận, bởi vì làm ra rồi mới mất. Còn đa số các bạn khởi nghiệp thất bại mà tôi biết là dồn tiền của, công sức, tâm huyết vào, làm hoa cả mắt chẳng được gì rồi mất hết. Thật buồn và thảm lắm!

Tôi cũng phải nói trước là những gì tôi viết ra đây không theo bất kì tiêu chuẩn kinh doanh nào. Tôi làm việc dựa trên thế mạnh cá nhân là sự đơn giản kiểu nông dân. Người nông dân cứ thấy cây gì, con gì có khả năng phát triển xanh tươi, béo tốt là trồng, là nuôi. Tôi lăn lộn trên online nên thấy cái gì có tiềm năng phát triển mà đổ ít công sức nhưng khả năng thành công cao là tôi sẽ làm ngay và luôn. Nếu chẳng may thất bại thì cũng chẳng mất mát gì là bao. Câu chuyện xích lô trẻ em thành công không phải đơn giản là tôi chỉ tập trung vào mỗi xích lô để làm ăn mà là tôi phải thử nghiệm hàng loạt dự án để lấy xác suất, trong đó có dự án xích lô trẻ em thế thôi. Tôi làm theo kiểu nhà đông con thế nào cũng có đứa có hiếu. Xích lô trẻ em thành công là xác suất thấp nhất trong tất cả các dự án thử nghiệm của tôi nhưng rõ ràng vẫn nằm trong phễu lọc. Đứa con đi hoang vẫn có thể là đứa cuối đời lại về chăm lo tốt nhất cho cha mẹ.

Có thể là hình ảnh về 1 người và đang cười

TÌM ĐẤT HOANG TRÊN ONLINE

Trong môi trường kinh doanh khốc liệt như hiện nay thì rõ là trên online hay dưới offline đều dường như chẳng còn lấy mảnh đất hoang nào để cho anh chị em doanh nhân chúng ta khai phá nữa. Nhưng nếu như có cách để tìm ra đất hoang thì thật là tuyệt vời, vì đất hoang lúc nào cũng rẻ, thậm chí chẳng mất tiền mua, chỉ cần chiếm lấy rồi khai phá, khai thác mà thôi. Đất hoang trên online là ngành hoặc ngách mà theo ngôn ngữ bình dân thì là “chẳng có ma nào thèm.” Nếu bạn tìm ra được một mảnh đất như thế thì rõ ràng sẽ tiết kiệm được biết bao mồ hôi công sức xương máu vì khi triển khai sẽ chẳng gặp bất kì một đối thủ cạnh tranh nào, rất dễ dàng để marketing, rất dễ dàng chễm chệ ngồi ở ngôi đầu trong bảng xếp hạng.

Tôi hay tìm những ngành “chẳng ai thèm làm” như thế. Bằng chứng là khi tôi nói đi thiết kế website để bán hoặc cho thuê xích lô cách đây 4 năm trước thì không ít người cực kì xem thường. Họ không hiểu làm thế nào mà tôi có thể dùng online để kiếm tiền được từ xích lô! Nhưng tôi vẫn có cách để kiếm tiền uống cafe ngay từ khi bắt đầu dự án đó. Quan điểm của tôi là đầu tư 1 triệu đồng mà mang về 5 triệu đồng thì tốt hơn rất nhiều đầu tư 1 tỉ mà mang về 1,5 tỉ. Tôi nói kiếm tiền uống cafe là nói cho vui chứ thực ra xích lô đem về cho tôi kết quả rất tốt. Ngay cả những tháng đầu tiên xích lô lên online, bên tôi vẫn nhận được rất nhiều hợp đồng ngon lành.

Tôi lấy ví dụ những thứ tôi có thể khai thác từ xe xích lô để bạn có cái nhìn sâu hơn về cách phân tích cơ hội kinh doanh:

1. Cho thuê xích lô cưới, hỏi: xuất phát từ nhu cầu rất thực tế là nhiều cặp cưới nhau vẫn thích có cái gì đó đặc biệt, rước dâu, ăn hỏi bằng xe hơi thì quá bình thường rồi, họ muốn thực hiện điều đó bằng 1 đoàn xe xích lô để quay phim, chụp hình làm kỉ niệm, tạo dấu ấn khó quên cho ngày cưới. Ca sĩ Phan Đình Tùng, MC Thanh Bạch là những khách hàng điển hình.

2. Cho thuê xích lô du lịch: nếu bạn để ý thì bao năm nay xích lô vẫn tồn tại giữa Sài Thành của chúng ta, bên cạnh dòng xe cộ hối hả thì xích lô lại chậm rãi đưa du khách dạo phố, thưởng ngoạn trong thảnh thơi, trải nghiệm đó rất đặc biệt theo lời rất nhiều du khách.

3. Xích lô Events: không ít công ty thuê xích lô để trang trí hoặc diễn để tạo điểm nhấn trong các sự kiện lớn.

4. Bán xích lô để trang trí: trong thiết kế cảnh quan, sân vườn...xích lô là một vật trang trí khá lạ và độc đáo

5. Bán xích lô để...chạy: các resort, khu du lịch có thể mua xích lô để chạy trong khuôn viên phục vụ khách, tạo ra sự khác biệt.

6. Xuất khẩu xích lô: nghe có vẻ rất vô lí nhưng trên thực tế tôi đã xuất sang Nhật, Mỹ, Úc, Canada...Đơn giản là họ có nhu cầu về xe xích lô nhưng không ai lại đi đầu tư cả một dây chuyền để sản xuất ra một sản phẩm mà qui mô thị trường quá nhỏ như thế. Riêng chỗ này thì tôi rất tự hào vì một ngách nhỏ xíu của Việt Nam lại đáp ứng được được cho thị trường nước ngoài. Họ sẵn sàng bỏ ra chi phí vận chuyển cả nghìn USD cho mỗi một chiếc xích lô.

7. Nhu cầu trao đổi, mua bán: thực tế là tôi luôn thiếu hàng cũ mà chất lượng còn tốt để bán, phải cho người đi săn lùng khắp nơi

8. Sản phẩm thủ công, lưu niệm mô hình xe xích lô

Bên trên là 8 cách thức có thể làm ra tiền từ một mảnh đất hoang - seri dịch vụ cho thuê & bán sản phẩm rất cụ thể là xe xích lô. Tôi đã nghiên cứu thị trường cả online lẫn offline, vào thời điểm đầu năm 2013 thì không hề có bất kì một đơn vị nào phía nam Việt Nam cung cấp chuyên nghiệp những thứ mà tôi liệt kê bên trên. Search khắp trên online không hề có bất kì thông tin cung cấp sản phẩm hay dịch vụ nào cả về xe xích lô, trừ một định nghĩa của wikipedia.

Như vậy là tôi lập tức tính toán chi phí cơ hội để triển khai và triển khai ngay, tôi chọn kênh online để tiến hành trước vì online là tương đối tinh gọn và linh hoạt. Nếu không hiệu quả thì cũng chẳng mất mát gì nhiều. Sau 1 vài ngày, tôi không nhớ rõ nhưng chỉ vài ngày, không quá 1 tuần, website mang lại khách hàng đầu tiên. Tôi tìm cách kết nối với đội trưởng xích lô Sài Thành để thực sự cung cấp dịch vụ, phi vụ đầu tiên sau khi trừ đi mọi chi phí từ domain, hosting, setup, marketing, tiền điện thoại...thì có lời luôn. Tổng chi phí để làm dự án đó chỉ tính bằng con số triệu đồng, tính cả công sức của tôi vài giờ đồng hồ.

Cái gì mà thành công ngay và luôn thường là dấu hiệu của điều đúng đắn. Tôi tiếp tục tối ưu hóa tất cả những việc cần thiết để nâng tầm dịch vụ, tìm kiếm các kênh cung cấp xe cũ và tìm kiếm các đơn vị có thể sản xuất xe xích lô. Nói thì dễ nhưng để tiến hành chuyên nghiệp một ngành mà mọi người đều cho rằng không có tiềm năng là rất khó khăn. Cuối cùng thì chính tôi phải tự sản xuất, tự gia công lấy. Có lẽ tới hiện nay thì ở phía Nam chỉ còn tôi là sản xuất được xe xích lô mới (xe xích lô mà tôi đang nói tới là xe xích lô lớn mà bạn hay thấy chạy ở trung tâm Sài Thành, còn xích lô trẻ em thì lại là câu chuyện khác mà tôi sẽ trình bày ở những phần sau)

Làm thế nào tôi có thể tìm ra mảnh đất hoang xích lô này trên Online?

Thứ nhất, tôi nghe lời Bill Gates!

Năm 1999, sau khi nhập học đại học ngành CNTT trường Khoa học tự nhiên, trải qua 1 học kì chán nản ngày qua ngày với chương trình đại cương, tôi tự hỏi tại sao tôi phải học những thứ nhảm nhí đó trong khi tôi đã học hết cả những chương trình đó ở Phổ thông trung học? Sang học kì thứ 2, mọi chuyện cũng chẳng khá hơn, những môn học nhai đi nhai lại những thứ đã cũ. Tôi ít khi lên giảng đường nếu không bị kiểm tra vắng mặt. Trốn học, không có việc gì làm, từ làng đại học Linh Trung, Thủ Đức tôi hay đạp xe đạp lang thang vào thành phố thăm những anh chị đã ra trường khoảng 3 năm. Đó là những anh chị mà tôi rất ngưỡng mộ vì tôi quen trong dịp được tập hợp tại Sở Giáo dục Lâm Đồng để học bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia, lúc đó tôi mới học lớp 5 còn các anh chị đó học năm cuối Phổ thông trung học. Trong số họ có những người đạt giải cao học sinh giỏi toàn quốc, được tuyển thẳng vào đại học.

Tôi đi thăm từng người và rất hi vọng tương lai của họ sau 3 năm ra trường sẽ là một cái gì đó làm nức lòng tôi. Nhưng không, trái ngược với mọi suy nghĩ, hình dung của tôi, 100% trong số họ sống trong những căn nhà trọ tồi tàn, đi làm với đồng lương còm cõi và thất vọng về tương lai, điều đó hiện rõ trong mắt từng người. Chứng kiến điều đó, tôi choáng váng và sụp đổ hoàn toàn. Tôi nghĩ về chính tôi 7 năm sau và rùng mình sợ hãi!

Chính trong lúc chán nản đó thì một trong những người đặc biệt đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của tôi sau này xuất hiện: Bill Gates với quyển sách Con đường phía trước! Tôi không nhớ đã nghiền nát quyển sách đó bao nhiêu lần và quyết định bỏ học để khởi sự kinh doanh.

Từ đó, tôi 100% Ở TRONG môi trường công nghệ, dù có khởi nghiệp bất kì cái gì. Chỉ có liên tục ở trong môi trường công nghệ thì chúng ta mới có thể học hỏi, chiêm nghiệm, nghiên cứu, trải nghiệm, nâng tầm của mình lên. Quan trọng hơn, chính môi trường công nghệ, đặc biệt là internet sẽ giúp cho chúng ta nhìn thấy những cơ hội mà người khác nếu không can đảm lao vào môi trường này sẽ không bao giờ thấy.

Tôi tuyệt đối nghe lời Bill Gates suốt mười mấy năm nay, dù thất bại không có cơm ăn vẫn ráng kiên trì theo đuổi công nghệ. Càng về sau tôi càng thấy điều đó là một lợi thế lớn, đặc biệt là tôi trực tiếp trải qua gần như tất cả mọi thời kì phát triển của công nghệ Việt Nam, từ thời chưa có Internet, đến thời Dial Up, ADSL rồi đến cáp quang cao tốc. Từ thời điện thoại chưa có rung cho đến smartphone, tablet cảm ứng. Từ thời data center (trung tâm dữ liệu) kể cả của những tập đoàn lớn hiện nay vẫn còn rất củ chuối cho đến tiêu chuẩn Tire 3 (các bạn google giúp các thuật ngữ giúp tôi nhé)…Những trải nghiệm thực tế giúp tôi từng bước có được tư duy và tầm nhìn công nghệ tàm tạm.

Trong 17 năm khởi nghiệp, tôi mất 4 năm từ 2008 đến 2012 vật vã với hành trình đi vào bên trong (tạm gọi là hành trình tâm linh) nhằm tìm kiếm ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Nhưng từ năm 2012 tôi trở lại khởi nghiệp và áp dụng công nghệ vào quá trình đó mới thấy được sức mạnh thực sự của nó. Có thể nói công nghệ, đặc biệt là internet chính là chìa khóa cho mọi thành tựu lớn nhỏ của tôi.

2012 không một xu dính túi, 2014 là doanh số triệu/năm. Bạn nghĩ nếu không phải cơn sóng công nghệ đã đưa tôi đi thì không thể nào chạm tới những thành quả đó. Mặc dù có thể vẫn là nhỏ xíu so với những startup đình đám trên báo nhưng đối với người thích làm nhỏ như tôi thì cảm thấy rất vui vẻ vì điều đó.

Thứ hai, tôi cho rằng cơ hội càng nhỏ càng lớn!

Nghe buồn cười vậy đó nhưng rõ ràng những thứ ngon ăn thì người ta ùn ùn nhảy vào làm. Nếu bạn nhìn lại khoảng 5 năm trở lại đây thì rõ là có rất nhiều cơ hội tốt nhưng vì tranh giành nhau quá nên những cơ hội như vậy cũng chết yểu cả rồi. Khởi nghiệp kiểu của tôi là biết thân biết phận cố gắng kiên trì thử nghiệm, chắt lọc, tìm ra những cơ hội nho nhỏ rồi âm thầm làm, từng bước phát triển để nó có hiệu quả, mang lại tiền tươi thóc thật chứ không phải tô vẽ, đao to búa lớn, đầu tư mạo hiểm các kiểu rồi thất bại lại biện minh cho hàng ngàn lí do nghe chán lắm.

Cơ hội càng nhỏ nhưng mình cố gắng phân tích để nhìn ra được tương lai của nó thì không nhỏ đâu. Rõ là có những người chỉ buôn bán ve chai cũng có thể tạo ra khối tài sản hàng trăm tỉ. Có người bán sữa chua vẫn có thể cất trong két vài trăm cây vàng...Tôi hồi xưa cũng hoành văn tráng lắm, làm cái gì cũng đều chọn những cái gọi là thời thượng để...khoe thì nhiều hơn là tính đến hiệu quả thực sự. Cũng may là sau này dần dần tỉnh ra, khi tỉnh ra thì làm khởi nghiệp sẽ đơn giản như chơi một trò chơi vậy thôi. Thú vị lắm bạn ạ!

Thứ ba, tôi sẵn sàng đầu tư cho công nghệ.

Đầu tư lớn nhất trong công nghệ chính là...học. Ở Việt Nam, những cao thủ công nghệ thực sự không nhiều lắm đâu bạn, chém gió thì nhiều lắm. Những người thực sự có tư duy công nghệ, áp dụng thành công vào khởi nghiệp thực tế là rất ít so với con số trăm triệu dân. Tôi rất sợ mình sẽ ở tầng lớp bị lạc loài trong sự phát triển của nhân loại, nên từ lâu lắm rồi đã quyết tâm kiên trì học hỏi từ từ. Mình nông dân thì phải học từ từ, chẳng có cách nào khác. Ngày qua ngày, tuần qua tuần, tháng qua tháng, năm qua năm tôi tìm đủ mọi cách để thiết lập các mối quan hệ trong giới công nghệ, cũng may là tôi gặp đúng người giỏi thật chứ không gặp phải mấy anh chém gió. Tôi thực sự rất nghiêm túc trong việc học hỏi này, bạn nào làm việc cùng tôi thì đều biết tôi nghiêm túc đến mức độ nào.

Học công nghệ không có nghĩa là học kĩ thuật mà học cách để tư duy theo công nghệ, học cách ứng dụng công nghệ vào khởi nghiệp trong từng trường hợp cụ thể. Học cách sử dụng sức mạnh của nó để tìm ra những thứ ngon ăn trên thị trường, ví dụ như tôi tìm ra mảnh đất hoang của mình, rồi phát huy sức mạnh công nghệ để tiết kiệm chi phí, tăng tốc quá trình làm giàu, ứng dụng vào quản lý, thống kê, hoạch định tầm nhìn, chiến lược...đặc biệt nhất là phải tìm ra chiếc vé để bước vào cao tốc Marketing Online.

Tôi đã chứng kiến hàng chục người thành công thậm chí chỉ nhờ vào Marketing Online, có những người tung ra sản phẩm không được tốt lắm nhưng vẫn bán được ầm ầm. Cái thời facebook kem trộn chẳng hạn đã tạo ra vô vàn tỉ phú hot girl đó thôi. Mặc dù tôi chẳng ủng hộ lối kinh doanh chụp giựt đó lắm nhưng rõ ràng thông qua đó chúng ta PHẢI nhìn thấy được sức mạnh khủng khiếp của xa lộ thông tin và kết nối.

Bạn thấy đó, mặc dù trong trường hợp cụ thể này, case study khởi nghiệp xe xích lô vớ vẩn, tưởng chừng không có gì để nói nhưng thực ra là có rất nhiều điều để nói. Tôi rất muốn viết nhiều nữa nhưng thực sự là...sức người có hạn, tôi sẽ tạm kết thúc phần 1 ở đây. Tôi sẽ viết tiếp các phần sau để chúng ta có cái nhìn sâu hơn nhưng cũng đơn giản hơn về thế giới công nghệ, đặc biệt là cách ứng dụng Wordpress vào kinh doanh một cách có hiệu quả cao. Tôi hi vọng sẽ giúp ích cho những ai đang tìm kiếm.

Cảm ơn các bạn và tôi sẽ trở lại ở phần 2 sớm thôi.

Tác giả: Võ Hùng

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/case-study-khoi-nghiep-trieu-do-xich-lo-tre-em-phan-1-gia-tri-cua-dat-hoang-a22164.html