Những ông trùm tài chính Việt Nam – nhóm Đông Âu (phần 16): Đặng Khắc Vỹ - ông chủ VIB Bank và 'đế chế' mì gói Mareven Food

Mặc dù trở về Việt Nam và đã trở thành ông chủ ngân hàng VIB nhưng Đặng Khắc Vỹ vẫn còn nặng lòng với “nghiệp” xưa. Hiện tại Đặng Khắc Vỹ vẫn là ông vua mì gói khi là ông chủ Mareven Food - đế chế làng kinh doanh thực phẩm ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam ông Vỹ sở hữu hai thương hiệu mỳ rất nổi tiếng, là “3 Miền” và “Reeva”, với pháp nhân lõi là CTCP Uniben. Theo thống kê, số cổ phần của gia đình ông Đặng Khắc Vỹ ở VIB có giá trị hơn 6.000 tỷ đồng.

Chân dung ông Đặng Khắc Vỹ

Ông Vỹ sinh năm 1968, học khóa 81-84 của trường cấp 3 Nghi Lộc 1 - Nghệ An. Trong lịch sử trường vẫn còn nhắc tên ông Vỹ như là một học sinh thành đạt. Sau đó ông tốt nghiệp Kỹ sư Mỏ địa chất tại Đại học Thăm dò địa chất Matxcova - Nga rồi lấy bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Học viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.

Cùng với những doanh nhân nổi tiếng như ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Cảnh Sơn… ông Đặng Khắc Vỹ, cũng nằm trong nhóm “Đông Âu” khi có quãng thời gian khởi nghiệp và hoạt động kinh doanh chính tại thị trường này.

Các sản phẩm kinh doanh hầu hết cũng chỉ xoay quanh kỳ gói – một sản phẩm không chỉ giúp những người con ưu tú của Việt Nam lúc ấy vượt qua cơn đói lòng sau mỗi buổi lên giảng đường, mà nó còn giúp một số trở nên có của ăn của để, có tích lũy tư bản và có cả những trải nghiệm kinh doanh, tổ chức kinh doanh đầu đời.

Cùng với Ngô Chí Dũng, Đặng Khắc Vỹ sáng lập nên công ty Rollton để kinh doanh mặt hàng mì gói ở Nga theo lời khuyên của ông “bạn nghèo” Vượng. Hai bên có thỏa thuận rất rõ ràng “nước sông không phạm nước giếng”, là Dũng-Vỹ chỉ bán mỳ bên Nga, Vượng chỉ bán mỳ bên Ukraina!

Tất cả các Công ty “mỳ” kể trên đều bán những mặt hàng từ Việt Nam sang, thường được đặt hàng theo mẫu mã mình chọn, công ty được lập nên theo mô hình công ty chuẩn của Nga, có cả luật sư, bộ phận an ninh, bộ phận nghiên cứu nhu cầu khách hàng, hệ thống IT riêng…Rollton và King Lion cũng mở văn phòng tại cảng Vlađivostok để quản lý dòng hàng hóa sang Nga, bởi nước Nga quá rộng nên mình Moscow sẽ không kịp xử lý.

Theo ông Trịnh Thanh Huy (người cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh thành lập Masan), Rolton của Đặng Khắc Vỹ và Ngô Chí Dũng là những người thắng trận trong “cuộc chiến” mì tôm tại Nga.

Trong các công ty của các du học sinh người Việt này thì Rollton lớn nhất và có định hướng phát triển “làm trắng” tối đa, tức là mọi chuyện thật công khai, hợp pháp…định hướng rất nhìn xa của Vỹ.

Theo đánh giá của những người cùng thời, vào lúc đó mặc dù trẻ tuổi nhưng Đặng Khắc Vỹ đã hiểu giá trị của công ty nằm ở giá trị của thương hiệu riêng, chứ không hẳn ở giá trị nhà máy hay thậm chí bán được bao nhiêu thùng mỳ-cái này nghe thì đơn giản, sinh viên năm thứ nhất nào về quản trị kinh doanh cũng có thể nói vanh vách được- nhưng áp dụng trên thực tế thì ở Nga cũng rất ít người Việt hiểu và làm được!

Không chỉ có mì gói vì có tiềm lực kinh tế mạnh nhất nên Rollton khai thác thêm sản phẩm dầu cọ từ Malaysia rất có lãi! Mặc dù là công ty mì gói nhưng cộng đồng người Việt ở Nga cũng cảm thấy tự hào khi vào giờ “vàng” của truyền hình Nga vốn đắt đỏ vô cùng lại xuất hiện quảng cáo Rollton!

Từ nền tảng tích lũy ban đầu ấy và những bài học xương máu thời “tranh tối tranh sáng” ở các nước Liên Xô cũ, họ trở lại cố quốc, lập nghiệp, phát triển và vươn lên thành nhóm doanh nhân thành đạt nhất.

Ông Vỹ là người hiếm hoi trong thế hệ trưởng thành từ Đông Âu còn tiếp tục duy trì sự nghiệp kinh doanh với trời Âu, kể cả sau khi về Việt Nam đầu tư lớn. Và trong khi hầu hết đoạn tuyệt với “nghề” cũ. Nguồn tiền mang về từ Đông Âu được họ rót vào những kênh đầu tư màu mỡ nhất, như bất động sản, tài chính - ngân hàng,…Duy chỉ có 2 người vẫn còn nặng lòng với “nghiệp” xưa. Đó là Nguyễn Đăng Quang và Đặng Khắc Vỹ!

Đáng nể là hoạt động kinh doanh xứ người của ông Vỹ lại rất có thành tựu, thậm chí vươn đến tầm đế chế. Với Mareven Food, Đặng Khắc Vỹ là ông vua mì gói trong làng kinh doanh thực phẩm ở nhiều quốc gia.

Ngoài mì gói, tại Việt Nam, ông Vỹ sớm gây dựng sự nghiệp khi tham gia sáng lập ngân hàng VIB và là một trong những cổ đông lớn nhất tại đây. Đến cuối năm 2018, ông Vỹ là cổ đông cá nhân lớn nhất sở hữu 4,99% vốn ngân hàng.

Công ty sản xuất mỳ gói lớn nhất tại Nga và đế chế mì gói Uniben ở Việt Nam 

Với doanh nghiệp Mareven Food tại Nga, ông Vỹ là người sáng lập và đang giữ vai trò chủ tịch. Đây chính là công ty sản xuất mỳ ống và khoai tây nghiền lớn nhất xứ sở bạch dương, đồng thời là một trong những tập đoàn lớn của người Việt ở nước ngoài.

Theo đó, Mareven Food là doanh nghiệp đầu tiên tại Nga sản xuất mỳ ăn liền và hiện là công ty dẫn đầu thị trường này với thương hiệu Rollton. Nhà máy Rollton từng lọt vào top 50 thương hiệu nổi tiếng nhất của Nga trong bảng xếp hạng do Forbes công bố.

Sản phẩm mỳ gói và khoai tây nghiền của Rollton hiện còn xuất khẩu đi 33 quốc gia khác trên thế giới.

Năm 2009, nhà sản xuất mỳ lớn nhất Nhật Bản - Nissin Foods Holdings - phải chi ra 26,8 tỷ Yen (240 triệu USD) để mua lại 33,5% cổ phần của Công ty Angleside (công ty con của Mareven Food).

Theo Nissin, Mareven Food là nhà sản xuất mỳ gói lớn nhất nước Nga khi đó với doanh thu hàng năm vào khoảng 270 triệu USD và lợi nhuận ròng khoảng 20 triệu USD mỗi năm.

Ở hiện tại, quy mô thị trường mì của Nga đã tăng lên rất nhiều. Báo cáo của Nissin cho biết, Mareven nắm khoảng 46% thị phần.

Đấy là riêng thị trường Nga, năm 2018, những ông chủ Việt Nam khánh thành nhà máy Mareven Food Tian Shan (Kazakhstan), công suất 400 triệu phần mì mỗi năm, thậm chí còn lớn hơn cả quy mô thị trường.

Như vậy có thể thấy, mảng kinh doanh mì của ông Đặng Khắc Vỹ vẫn ăn nên làm ra trên đất Đông Âu, sau 22 năm kể từ ngày lập nghiệp. Một trong những bước ngoặt quan trọng là bán cổ phần cho đối tác chiến lược Nissin. Ngoài ông Vỹ từng là Chủ tịch Mareven Holdings, ông Đỗ Xuân Hoàng - thành viên HĐQT VIB, đang là Tổng giám đốc Mareven Food Central (Nga).

Tại Việt Nam, mặc dù ít người để ý, ông Vỹ đang đang phát triển hai thương hiệu mỳ rất nổi tiếng, là “3 Miền” và “Reeva”, với pháp nhân lõi là CTCP Uniben (Uniben).

Uniben là doanh nghiệp hoạt động tích cực trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) với các sản phẩm mì 3 Miền, Reeva, cháo, phở, hạt nêm, nước mắm, hiện sở hữu 2 nhà máy lớn với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng tại Hưng Yên và Bình Dương.

Theo giới thiệu, hệ thống phân phối cũng được Uniben phát triển rộng khắp với 150 nhà phân phối, trên 500 siêu thị, trên 100,000 cửa hàng, với hơn 1,000 nhân viên bán hàng. Không dừng lại ở thị trường nội địa, các sản phẩm của Uniben hiện được xuất khẩu sang nhiều nước khác, tương ứng, tương lân cùng đế chế Mareven Food đã có sẵn vị thế và thương hiệu ở trời Âu.

"Thương hiệu "3 Miền" của chúng tôi trở thành một trong những thương hiệu được chọn mua nhiều nhất, Việt Nam 2016” do công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Kantar Worldpanel công bố", Uniben tự hào giới thiệu.

Song hành và có mối liên hệ mật thiết cùng với quá trình phát triển của Uniben là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UpCom: VIB) do ông Đặng Khắc Vỹ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hệ thống Quốc tế (Nettra) – cựu cổ đông lớn VIB, là công ty con của Uniben. VIB cũng là nhà băng đồng hành nhiều năm nay với Uniben. Nhà sản xuất mì gói này đã nhiều lần thế chấp tài sản có giá trị hàng nghìn tỷ đồng để vay vốn tại ngân hàng của Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ.

Theo dữ liệu của VietTimes, trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của Uniben luôn đạt từ 2.000 – 3.000 tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên biên lợi nhuận thu về khá mỏng.

Như năm 2016, Uniben ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.450,6 tỷ đồng, nhưng chỉ báo lãi thuần vỏn vẹn 3,95 tỷ đồng. Bắt đầu từ năm 2017, mức lợi nhuận đem về có phần cải thiện, lên tới con số hàng chục tỷ đồng, song vẫn khiêm tốn so với doanh thu.

Năm ngoái, doanh thu thuần của Uniben đạt 2.856 tỷ đồng, giảm 1,2% so với năm 2018. Lợi nhuận thuần tăng nhẹ từ 36,38 tỷ đồng lên mức 41,8 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Uniben báo lãi sau thuế 102,6 tỷ đồng, gấp 79 lần so với cùng kỳ năm ngoái (nửa đầu năm 2019 lãi sau thuế 1,3 tỷ đồng).

Ông chủ đứng sau ngân hàng VIB

Ngân hàng Quốc tế VIB được thành lập năm 1996 và ông Đặng Khắc Vỹ là một trong những thành viên sáng lập VIB. Hiện tại, ngoài ra, vợ và con trai ông cũng đang nắm giữ lần lượt 4,94% và 4,98% VIB. Tổng cộng, gia đình vị doanh nhân họ Đặng đang nắm giữ trực tiếp gần 15% vốn ngân hàng này.

Cũng liên quan tới doanh nhân Đông Âu là ông Đỗ Xuân Hoàng, thành viên HĐQT và người thân đang sở hữu hơn 9% vốn tại VIB. Ông Hoàng là tổng giám đốc Mareven Food, doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Vỹ.

Nắm giữ phần vốn nhiều nhất ngân hàng nhưng từ khi VIB thành lập năm 1996, ông chỉ đảm nhiệm vai trò thành viên HĐQT và phải đến năm 2013 mới chính thức lên làm chủ tịch. Kể từ đó, các chỉ số của ngân hàng đều tăng trưởng trở lại. Đây là giai đoạn VIB có giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất với các chỉ số tài chính và lợi nhuận tăng hai chữ số mỗi năm.

Hiện tại, VIB thuộc nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô tầm trung với tổng tài sản 175.658 tỷ đồng đến cuối tháng 9 năm nay, tương đương với HDBank, Lienvietpostbank, Eximbank và nhỉnh hơn TPBank…

6 năm gần đây, nhà băng này đã duy trì đà tăng trưởng tài sản trung bình 15%/năm, cho vay và huy động vốn tăng lần lượt 24% và 18% mỗi năm. Đặc biệt từ năm 2016, lãnh đạo nhà băng đã đề ra chiến lược chuyển đổi với tên gọi VIB 2.0.

Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng cũng được cải thiện đáng kể. Năm 2018, ngân hàng ghi nhận doanh thu tăng 49% và lợi nhuận trước thuế tăng hơn 95%.

9 tháng đầu năm nay, VIB tiếp tục có đà tăng trưởng tài sản 26%, dư nợ cho vay khách hàng tăng 28% và huy động vốn tăng 34%, thuộc nhóm cao nhất thị trường.

Sau 3 quý, ngân hàng này ghi nhận 5.870 tỷ đồng thu nhập, tăng 40% và lợi nhuận trước thuế tăng 69%, đạt 2.915 tỷ.

Trong công bố mới đây, lãnh đạo ngân hàng cho biết đang nắm giữ thị phần số một trong mảng cho vay mua ôtô (trên 25%) từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, VIB còn chiếm thị phần số một (80%) trong mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng của Prudential.

Giai đoạn 2017-2019, ngân hàng này duy trì tăng trưởng dư nợ bán lẻ với tỷ lệ hàng năm CAGR đạt 60%/năm. Hiện số dư bán lẻ đã vượt mức 100.000 tỷ, nằm trong top 3 ngân hàng tư nhân tại Việt Nam, tương đương với số dư tại Techcombank.

Năm 2019, lãnh đạo ngân hàng này dự kiến ROE sẽ đạt 27% và lợi nhuận dự kiến đạt trên 4.000 tỷ, mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Vỹ được giới lãnh đạo các nhà băng đánh giá rất cao và có đôi chút kiêng nể. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần trụ sở ở miền Bắc nhận xét ngắn gọn: "Ông Vỹ là một người khôn ngoan và rất có uy tín". Trong khi đó, những doanh nhân kinh doanh trong cùng ngành với ông Vỹ bình luận: "Để tồn tại và đứng vững khi kinh doanh ở thị trường Đông Âu thì không phải đơn giản. Chỉ thế thôi cũng có thể hiểu phần nào năng lực và tính cách của ông Vỹ". Ông Vỹ đã có hơn 20 năm làm việc ở Nga, đến nay hoạt động kinh doanh vẫn đang rất phát triển.

Một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán quốc tế, từng tham gia tư vấn hoạt động cho nhiều ngân hàng Việt Nam nhìn nhận ông chủ VIB là một lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược lâu dài. "Với Đặng Khắc Vỹ, tôi thấy một con người quốc tế. Ông Vỹ từng chia sẻ là với ông, nhân sự tây hay ta không có gì khác biệt và mâu thuẫn nào. Bởi ở bên kia, phần lớn nhân sự của ông đều là người nước ngoài", vị chuyên gia này kể lại.

Xem Serie bài: Ông trùm tài chính Việt Nam nhóm Đông Âu

Phần 14: Những ông trùm tài chính Việt Nam – nhóm Đông Âu (phần 14): Nguyễn Cảnh Sơn – Ông chủ Tập đoàn Eurowindow

Phần 15: Những ông trùm tài chính Việt Nam – nhóm Đông Âu (phần 15): Ngô Chí Dũng : Từ ;ông trùm' mì gói ở Nga đến ông chủ VPBank

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/nhung-ong-trum-tai-chinh-viet-nam-nhom-dong-au-phan-16-mr-viko-dang-khac-vy-ong-chu-vib-bank-va-de-che-mi-goi-mareven-food-a21042.html