[Hồ sơ doanh nhân] Ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson: Từ bán báo rong trở thành tỷ phú

Sheldon Adelson, nhà đầu tư và là ông chủ của nhiều sòng bạc nổi tiếng tại nước Mỹ và trên thế giới, đã từ trần hôm qua sau thời gian điều trị ung thư. Với xuất thân tầm thường và trải qua nhiều thất bại trong sự nghiệp, bằng nỗ lực không ngừng ông đã thành công rực rỡ và trở thành tỷ phú khi đã qua tuổi lục tuần.  Ông cũng chính là nhà tài trợ hàng đầu của Tổng thống Donald Trump.

Theo Bloomberg, Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn sòng bạc và nghỉ dưỡng hàng đầu nước Mỹ Las Vegas Sands đã qua đời tối ngày 11/1 do các biến chứng của căn bệnh ung thư.

Ông Sheldon Adelson được mệnh danh là trùm sòng bạc Mỹ, sinh năm 1933, là một doanh nhân, nhà đầu tư, nhà hoạt động xã hội và nhà tài trợ cho các chiến dịch chính trị nổi tiếng ở Mỹ. Ông là nhà sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn sòng bạc và nghỉ dưỡng Las Vegas Sands, công ty sở hữu Marina Bay Sands ở Singapore.

Công ty của ông Adelson cũng sở hữu công ty Venetian Macao Limited, công ty điều hành khu phức hợp khách sạn, nghỉ dưỡng, sòng bạc cao cấp The Venetian Resort Hotel Casino và Sands Expo and Convention Center.

Theo bảng xếp hạng Real Time Billionaires của Forbes, ông Adelson sở hữu khối tài sản 35 tỷ USD. Trong đó, ông trùm sòng bạc Mỹ sở hữu hơn một nửa trong số 14 tỷ USD doanh thu của đế chế cờ bạc ở Las Vegas, Singapore, Macau và Trung Quốc.

Tỷ phú Andelson trở thành người bạn và nhà tài trợ hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, nhờ vào các mối quan hệ làm ăn với Jared Kushner - con rể ông Trump, và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Theo trang web điều tra chiến lược tài chính Open Secrets, tổng số tiền ông Sheldon Adelson quyên góp cho các chiến dịch chính trị trong năm 2020 đã lên tới 172,7 triệu USD.

Khởi nghiệp từ nghề bán báo rong

Sheldon Adelson sinh năm 1933 trong một gia đình gốc Do Thái tại bang Massachusetts, Mỹ. Từ khi 12 tuổi, ông đã mượn người nhà một khoản tiền nhỏ để mở một sạp báo ở góc phố. Việc tiếp cận với công việc bán hàng từ sớm giúp Sheldon hiểu được về các khoản nợ, lãi suất và trên hết là lòng tin trong kinh doanh. Những bài học đã giúp ông có được thành công tại các sòng bạc lớn ở Las Vegas, Macau và Singapore.

Những năm 1970, Sheldon Adelson sau khi trải qua một số hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ như phân phối các dụng cụ vệ sinh cho các khách sạn và mở công ty kinh doanh du lịch cùng với người bạn nhưng chưa đạt được thành công đáng kể. Chỉ cho đến khi ý tưởng về việc mở hội chợ triển lãm máy vi tính, Sheldon Adelson mới thật sự bắt đầu chuỗi thời gian thành công. Ông và các cộng sự thành lập Công ty Interface Group và đứng ra tổ chức triển lãm máy vi tính Comdex.

Comdex được tổ chức vào tháng 11 hàng năm kể từ năm 1979 cho đến năm 2003, quy tụ nhiều ông lớn trong ngành máy tính mang các sản phẩm phần mềm lẫn phần cứng đến tham gia triển lãm. Các ông lớn máy tính vào thời điểm đó như Microsoft hay IBM với tiềm lực tài chính mạnh mẽ đã không ngần ngại chi tiền để các gian hàng to nhất. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận của Sheldon Adelson tại Comdex ngày càng lớn theo các gian hàng.

Triển lãm Comdex của Sheldon Adelson ngày càng thành công rực rỡ, chỉ với 4.000 người tham dự vào năm 1979, đến năm 1994 thu hút đến 200.000 người tham dự, biến nó trở thành hội nghị thương mại lớn nhất Mỹ vào thời điểm đó. Interface đã kiếm được khoảng 20-45 triệu USD sau mỗi kỳ triển lãm, đồng thời hàng năm thu về 165-225 triệu USD từ các cuộc triển lãm trên khắp nước Mỹ.

Không chỉ tổ chức trong nước, Sheldon còn đưa Comdex vươn ra nước ngoài, trong đó có triển lãm tại Tokyo, Nhật Bản. Tại đây, ông trùm máy vi tính Son Masayoshi, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ đa ngành Software, nhận thấy tiềm năng to lớn đã đề nghị mua lại Interface Group. Năm 1995, thương vụ Software mua lại Interface Group được định giá 852 triệu USD, cao hơn 8 lần so với doanh thu trung bình của công ty. Sheldon Adelson , người sở hữu 60% cổ phần của Interface Group, đã thu về tài khoản 500 triệu USD. Vào thời điểm bán lại công ty cho Son Masayoshi, Sheldon Adelson đã ngoài 60 tuổi.

Ông trùm những sòng bạc lớn nhất thế giới

Năm 1996, Sheldon Adelson đã mua lại khách sạn Sand Hotel and Casino ở Las Vegas và đầu tư xây dựng thành một tổ hợp khách sạn và sòng bạc đổi tên thành The Venetian gồm 4.000 phòng với đầy đủ tiện nghi, sòng bạc, khu nghỉ dưỡng và trung tâm thương mại sang trọng. Với 36 tầng, cao đến 145m và nằm trên mảnh đất có diện tích 11.000m2, The Venetian là quần thể khách sạn, sòng bạc lớn thứ 2 thế giới.

Sự nổi tiếng của The Venetian đã khiến Sheldon Adelson vô tình trở thành “người có nhiều kẻ thù nhất” tại Las Vegas Strip. Stephen A.Wynn, một doanh nhân bất động sản nổi tiếng khác tại Las Vegas, ông chủ của 2 khách sạn-sòng bạc lớn tại Las Vegas và là kình địch đáng gờm nhất của Sheldon Adelson. Đỉnh cao của cuộc đối đầu giữa 2 ông chủ sòng bạc cạnh tranh tại Macao (Trung Quốc), kinh đô cờ bạc lớn nhất của châu Á.

Tháng 5-2004, Sheldon Adelson đã lên kế hoạch xây dựng một khách sạn tương đương với Las Vegas The Venetian tại đặc khu Macau với tổng chi phí xây dựng lên đến 265 triệu USD. Chỉ sau vài tháng, tháng 12-2004, Sheldon Adelson bước chân lên sàn chứng khoán với danh nghĩa của công ty Las Vegas Sands, sự phát triển lớn mạnh đã giúp cổ phiếu của công ty ông tăng giá đáng kể, Sheldon Adelson trở thành tỷ phú chỉ sau một đêm.
Chỉ sau 1 năm mở cửa, khách sạn-sòng bài Sands Macao đã đón 10,5 triệu lượt khách, gấp 147% lượng khách đến Las Vegas The Venetian. Năm 2006, Macao trở thành kinh đô cờ bạc mới của thế giới với doanh thu lên đến 6,9 tỷ USD, cao hơn 25% doanh thu của Las Vegas. Thành công nối tiếp thành công, Sheldon Adelson tiếp tục mở thêm khạch sạn-sòng bạc The Venetian Macau, một phiên bản lớn hơn của Las Vegas The Venetian. The Venetian Macao với 980.000m2 với tổng kinh phí xây dựng lên đến 2,4 tỷ USD đã biến sòng bạc này trở thành sòng bạc có quy mô và diện tích lớn nhất trên thế giới.

Sau 2 năm hoạt động, 2 sòng bạc của Sheldon Adelson tại Macao hoạt động hiệu quả đến mức mỗi giờ Sheldon lại nhận được hàng triệu USD lợi nhuận. Sheldon Adelson lại tiếp tục lên ý tưởng mở một sòng bạc khác tại châu Á ngoài Macao. Ông đã chọn Singapore, quốc gia giàu có về phía Nam của Macao và nằm trong khu vực của những quốc gia đang lên.

Năm 2006, chính phủ Singapore thông báo rằng công ty Las Vegas Sands của tỷ phú Sheldon Adelson đã trúng thầu xây dựng dự án khách sạn-sòng bạc Marina Bay Sands. Dự án này được thực hiện ngay sau khi lệnh cấm cờ bạc tại Singapore được bãi bỏ sau 40 năm và Sheldon Adelson là người đầu tiên có được cơ hội bước chân vào quốc đảo giàu có này.

Marina Bay Sands là quần thể khách sạn-sòng bạc với tổng kinh phí xây dựng lên đến 3,85 tỷ USD với diện tích lên đến 560.000m2. Marina Bay Sands gồm 3 tòa nhà với kiến trúc cực kỳ phức tạp, rộng ở chân và hẹp trên đỉnh. Bên cạnh đó, điểm độc đáo của kiến trúc này chính là tầng thượng SkyPark, một công viên nối liền đỉnh của 3 tòa nhà với hồ bơi, sân vườn…

Nhìn từ xa, công viên SkyPark như một chiếc thuyền mắc cạn trên đỉnh của 3 tòa nhà với một phần được đúc hẫng ra khỏi tòa tháp phía Bắc nhìn từ xa như mũi thuyền. Marina Bay Sands là một trong những sòng bạc có lợi nhuận cao nhất thế giới. Với tỷ suất lợi nhuận dao động từ 53-56% trong 3 năm liên tiếp tính đến 2019, Marina Bay Sands đóng góp hơn 20% trong tổng doanh thu 13,7 tỷ USD và hơn 1/3 giá trị thu nhập hoạt động của tập đoàn Las Vegas Sand.

Ngoài danh hiệu ông trùm sòng bạc, Adelson còn được giới khởi nghiệp kính nể khi tính đến thời điểm hiện tại, ông đã tự tay xây dựng được khoảng 50 công ty kinh doanh khác nhau và trở thành một tỷ phú tự thân, nhà khởi nghiệp điển hình tại Mỹ.

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/ho-so-doanh-nhan-ong-trum-song-bac-sheldon-adelson-tu-ban-bao-rong-tro-thanh-ty-phu-a19768.html