Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao dưới thời của Biden?

Mình dịch và share bài của Oliver Reynolds và Arne Pohlman, hai chuyên gia kinh tế của tổ chức FocusEconomics đăng trên Harvard Business Review ngày 7/1/2021 vừa qua để các bạn tham khảo. Đọc cho bổ thay vì ảo tưởng về 1 trận mất điện toàn nước Mỹ!!!

Cảnh tượng nhà ga xe lửa Hàng Châu chật như nêm cối dịp nghỉ dài tuần lễ Vàng ở Trung quốc hồi đầu tháng 10/2020 là biểu tượng mạnh mẽ về sự hồi phục nhanh chóng của quốc gia này từ đại dịch Covid-19. Lệnh cấm di chuyển được gỡ bỏ từ lâu giúp hơn 600 triệu người dân TQ tỏa đi khắp nơi trong nước để thăm hỏi gia đình và bạn bè, góp phần quan trọng kích thích tiêu dùng nội địa.

Bức tranh đó trái ngược hoàn toàn với nước Mỹ: trong khi Trung quốc đã gần như hạn chế được đại dịch và hoạt động kinh tế tiếp tục lấy lại sức lực, nhiều bang của Mỹ đang tái thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội do số người bị nhiễm gia tăng nhanh chóng. Điều này khiến nhiều người tin tưởng vào mục tiêu của Trung quốc thay thế Mỹ chiếm vị trí cường quốc kinh tế số 1 thế giới.

Các dự báo của chúng tôi đều cho thấy TQ sẽ tiếp tục lấy đi vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong 5 năm tới. Tuy nhiên cũng có rất nhiều vấn đề cản trở mục tiêu đó: các vấn đề cơ cấu tồn tại nhiều năm trên nhiều mặt như: dư thừa công suất trong công nghiệp, mức nợ tăng nhanh, và bất bình đẳng giàu nghèo. Bên cạnh đó, căng thẳng trong những năm vừa qua với Trump đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh quốc tế của Trung quốc, trong khi chính sách đối ngoại hiếu chiến của nước này đã gây nên phản ứng ngày càng mạnh của cộng đồng quốc tế.

Phương thức xử lý quan hệ Mỹ -Trung của chính quyền Biden sẽ không chỉ quan trọng đối với nhiệm kỳ tổng thống của Biden mà còn là một trong những chủ đề mang tính bao trùm trong 4 năm tới. Các tổ chức chúng tôi tiến hành thăm dò hồi giữa tháng 10 kỳ vọng Biden sẽ nới lỏng phần nào căng thẳng thương mại, trong đó nhiều tổ chức dự kiến Mỹ ít nhất cũng sẽ rút lại phần nào các đòi hỏi về thuế và các hạn chế đối với các công ty công nghệ Trung quốc. Nếu xảy ra, thì đó sẽ là một yếu tố tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của TQ. Nhưng Beijing cũng sẽ không trông chờ hoàn toàn vào bất kỳ ân huệ nào từ Washington: hiện ĐCS Trung quốc đang rất nỗ lực tăng cường thị trường nội địa và thoát khỏi cú nắm yết hầu của Mỹ trên các domain công nghệ cao quan trong.

Mức tăng trưởng 4.9% trong quí 3/2020 của Trung quốc đã mang lại chút thất vọng cho các nhà quan sát --- thị trường kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh hơn từ nước này. Trong khi đó, các nước G7 hầu hết đều suy giảm kinh tế mạnh trong quí 3, kể cả Hàn quốc là quốc gia tương đối thành công trong việc kiểm soát Covid 19. Tính chung cho cả năm 2020, dự báo của chúng tôi là Trung quốc sẽ tăng trưởng 2%, và là nền kinh tế lớn duy nhất có tăng trưởng. Ngược lại, chúng tôi dự báo Mỹ sẽ suy giảm 4% do việc nới rồi lại ngưng lệnh giãn cách xã hội làm mất đà tăng trưởng. Cũng có 1 số nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ sự chính xác của các số liệu thống kê chính thức của TQ, nhưng 1 loạt các chỉ số khác cũng đưa ra bức tranh tương tự: xuất khẩu hàng hóa tăng vọt trong quí 3; doanh số bán lẻ dương trở lại; sản xuất công nghiệp tăng mạnh.

Mặc dù 1 số kết quả này có thể chỉ là tạm thời - tỷ trọng xuất khẩu của TQ trên toàn thế giới chắc chắn sẽ nhỏ lại khi các quốc gia khác phục hồi sau Covid 19 - bức tranh chung vẫn mang màu sắc tích cực, cho phép TQ thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Các tính toán của chúng tôi cho thấy GDP danh nghĩa năm 2020 của TQ sẽ bằng 71% của Mỹ so với mức 67% năm 2019. Tới năm 2025, tỷ lệ này sẽ là 82%.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Biden - Biden's Dilema

Theo kết quả điều tra mà chúng tôi thực hiện gần đây với 67 tổ chức quốc tế, gần 80% cho rằng Biden sẽ gỡ bỏ 1 phần hoặc toàn phần thuế suất nhập khẩu ông Trump đưa ra. Lợi ích kinh tế của việc này là rất rõ ràng: giá hàng hóa tại Mỹ giảm, và đổi lại TQ sẽ cải thiện thị phần hàng XK sang Mỹ.

Tuy nhiên với vấn đề hạn chế các công ty công nghệ TQ, ví dụ như trong trường hợp của Huawei, vốn gai góc hơn về mặt chính trị, thì kết quả điều tra ít đồng thuận hơn. Mối quan ngại về an ninh quốc gia, cộng với thái độ ngày càng thù địch đối với TQ của Quốc hội và công chúng Mỹ nói chung có thể khiến quan điểm nhẹ tay hơn với TQ sẽ không hấp dẫn lắm trừ phi Beijing có những nhượng bộ đáng kể về các vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Cân bằng lại, chúng ta có thể chờ đợi một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Mỹ và TQ về mặt hình thức dưới thời Biden, trong đó có cả việc sẵn sàng tham gia vào các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu, thay vì lấy trừng phạt thuế quan làm trọng tâm. Tuy nhiên, phía Mỹ sẽ tiếp tục duy trì gây sức ép đối với vấn đề ăn cắp sở hữu trí tuệ, và chắc chắn sẽ không quay ngược lại thời Obama vì giờ đây TQ được coi là đối thủ trực tiếp của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ mới, cốt lõi của nền kinh tế tương lai. Biden cũng sẽ sử dụng tới 1 số chiêu bài bảo hộ trong các động thái chính sách của mình, ví dụ như kế hoạch "Hãy mua hàng Mỹ" dự kiến tốn tới 400 tỷ USD nhằm kích cầu của khu vực công đối với sản phẩm của Mỹ, cũng như kế hoạch khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đưa chuỗi cung ứng quay trở lại Mỹ.

Rất nhiều thành viên tham gia điều tra của chúng tôi đồng tình với phát biểu của tiến sĩ Louis W Rose, giám đốc phụ trách nghiên cứu và phân tích, đồng sáng lập Rose Commodity Group rằng: mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và TQ sẽ "có vẻ" được cải thiện, nhưng sự bất đồng giữa Mỹ và TQ trong quá nhiều quan điểm căn bản về điều hành nhà nước sẽ khiến 2 quốc gia chưa thể có mối quan hệ gần gũi.

Giữ tổ ấm gia đình - keep home fire burning.

Nới lỏng thuế suất và các hạn chế công nghệ của Mỹ sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của TQ trong những năm tới. Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống này, một số di sản thời Trump vẫn sẽ được tiếp tục: nhiều doanh nghiệp Mỹ có thể vẫn tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi TQ, làm mất đi vai trò thống trị trong xuất khẩu của TQ. Đại dịch Covid 19 có thể làm tăng nhanh quá trình này do các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc đa dang hóa chuỗi cung ứng. Trong mọi trường hợp, Biden sẽ không làm Beijing thay đổi quan điểm rằng TQ phải thúc đẩy các hoạt động kinh tế nội địa và giảm bớt áp lực kinh tế của các ngành công nghệ cơ bản, ví dụ như bán dẫn.

Quan điểm này được hình tượng hóa bằng 1 thuật ngữ thời thượng: lưu thông kép - dual circulation. Lần đầu tiên được Tập Cận Bình đề cập tới hồi tháng 5/2020, thuật ngữ này nhấn mạnh việc chuyển hướng của nền kinh tế vào trọng tâm kích thích tiêu dùng trong nước mà không đóng cửa với thế giới bên ngoài. Trên thực tế, đây đã là chính sách của TQ trong nhiều năm nhưng nay được nhấn mạnh với ý đồ mới. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, công bố ngày 29 tháng 10 năm 2020 đưa chiến lược lưu thông kép vào trọng tâm. Lập luận đằng sau chiến lược này rất vững vàng: mô hình tăng trưởng lấy đầu tư vốn làm trọng tâm đã mất dần hiệu quả. Tăng trưởng năng suất lao động đã suy giảm. Nền kinh tế TQ hiện đang mất cân đối - tiêu dùng cá nhân giờ chỉ chiếm 40% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 60% tại các quốc gia phát triển như Mỹ...

Iris Pang, chuyên gia kinh tế về Greater China của ngân hàng ING cho rằng đã xuất hiện những dấu hiệu ban đầu cho thấy chiến lược này đã có tác dụng: chính quyền trung ương khuyến khích du lịch giữa các tỉnh trong nước của Đại Lục nhân kỳ nghỉ mùa hè vừa qua. Chương trình này đã hỗ trợ thành công khu vực dịch vụ, đặc biệt tại các địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh và các resort... Chính phủ cũng đã nhận thức được hiệu quả của biện pháp thành công này và hiện đang thúc đẩy du lịch trong nước. Với một diện tích bao la như TQ, chắc chắn nhiều chính phủ địa phương sẽ đề xuất áp dụng các biện pháp tương tự cho mình.

Trong tương lai xa hơn, các dự báo của chúng tôi cho thấy chính phủ TQ sẽ tương đối thành công với chiến lược này: dự kiến tiêu dùng cá nhân của TQ sẽ tăng trưởng 6% cho tới năm 2025, cao hơn mức tăng trưởng chung của GDP. Mức lương danh nghĩa dự kiến sẽ tăng 9% năm 2021 và 7% năm 2022.

Tuy nói vậy, chiến lược lưu thông kép này của TQ cũng không hẳn không có rủi ro. Theo chuyên gia phân tích của Nomura, "mặc dù Beijing đã nhiều lần giải thích rõ lưu thông kép không phải là hướng nội, chúng tôi e ngại rằng các rủi ro dẫn tới trào lưu hướng nội sẽ bùng phát. Hạn chế tín dụng cho khu vực bất động sản có thể phản tác dụng, các biện pháp trợ cấp và đầu tư mạnh mẽ cho ngành sản xuất chip điện tử sẽ bị khu vực tư nhân, các doanh nghiệp nhà nước và các địa phương trục lợi, khiến đầu tư kém hiệu quả và nợ xấu gia tăng”

Hơn nữa, TQ cần thực sự cải cách nhằm phát huy tận lực giới trung lưu đang ngày càng to lớn và đảm bảo tăng trưởng bền vững. Giảm lãi suất tiền gửi bằng cách đẩy mạnh lưới bảo hộ xã hội (social safety net) và điều chỉnh hệ thống Hukou hiện đang gây bất công giữa nông thôn và thành thị trong sử dụng dịch vụ công sẽ là những thách thức trọng yếu. Cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện đang được ưu ái quá mức so với các doanh nghiệp tư nhân cũng là một yêu cầu cấp bách với TQ.

Dư thừa công suất và gánh nặng nợ quá cao cũng là những mối lo ngại khác. Louis Kuijs thuộc tổ chức Oxford Economics nhấn mạnh: “Chính phủ đã có tiến bộ trong việc cắt giảm công suất dư thừa trong các ngành khai thác than và sản xuất thép nhưng vẫn cần làm mạnh hơn nữa đối với các ngành xi măng, thủy tinh, tụ điện và đóng tàu. Dư nợ phi tài chính của khối doanh nghiệp tăng mạnh trong thập niên 2010s và ở mức 159,3% GDP trong nửa đầu năm 2020. Mặc dù chúng tôi vẫn cho rằng rủi ro khủng hoảng tài chính hệ thống là thấp, nhưng nếu tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trở lại có thể sẽ gây căng thẳng tài chính nghiêm trọng, tạo rủi ro mất khả năng thanh toán và rối loạn thị trường trong tương lai”.

Giường đủ rộng cho 2 người - Room for Two?

Tuy nhiên, ngoại trừ sụp đổ chính trị hoặc khủng hoảng kinh tế, các dự đoán của chúng tôi vẫn cho thấy TQ sẽ tiếp tục rút ngắn khoảng cách về lợi thế kinh tế và công nghệ so với nước Mỹ trong vòng 5 năm tới. Điều này sẽ diễn ra bất kể thời đại Biden có tạo ra tác động tích cực tới kinh tế Mỹ, trong bối cảnh chính sách thương mại ít đối đầu hơn với TQ mang lại những ảnh hưởng tích cực cả về tâm lý lẫn đầu tư.

Sau nhiều thập kỷ bá quyền kinh tế, khả năng chịu đựng và sẵn lòng hợp tác của nước Mỹ với 1 cường quốc kinh tế tương đương về qui mô sẽ là yếu tố quan trọng chúng ta cần theo dõi trong những năm tới, tương tự như với khả năng của TQ, với hệ thống chính trị và kinh tế riêng có của mình, trong việc quá độ thành công sang 1 mô hình kinh tế bền vững hơn, cho phép cường quốc châu Á này tiếp tục rút ngắn khoảng cách với nước Mỹ về lâu dài.

Theo các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs “Trung Quốc sẽ làm gì để đạt được tăng trưởng bền vững, cân bằng và có chất lượng cao trong những năm tới để gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập cao từ vị thế nhóm thu nhập trung bình cao sẽ là câu hỏi then chốt về dài hạn đối với các nhà hoạch định chính sách của TQ. Mặc dù chính phủ TQ đã nhiều năm kêu gọi quá độ sang mô hình phát triển mới, chúng tôi nghĩ rằng 5 năm tới sẽ là những năm bản lề, cả về chính trị lẫn kinh tế”.

Giới lãnh đạo TQ hiểu rõ các thách thức phía trước: Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 công bố tháng 10 năm 2020 một mắt tập trung vào vấn đề tăng cường chất lượng tăng trưởng, kích thích tiêu dùng trong nước trong bối cảnh ngoại cảnh ngày càng khó khăn, trong khi mắt kia nhắm tới mục tiêu gây dựng uy thế quốc tế bằng việc bất ngờ cam kết trở thành quốc gia cân bằng khí thải CO2 (carbon neutral) vào năm 2060!

Dịch giả: Trần Vũ Hoài

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/quan-he-my-trung-se-ra-sao-duoi-thoi-cua-biden-a19765.html