Facebook bị chính quyền Mỹ đề nghị "chia nhỏ" để chống độc quyền - bản chất câu chuyện này là gì?

Vừa qua, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã thực hiện một bước đi quan trọng, khiến đế chế Facebook đứng trước nguy cơ tan rã. Cụ thể, cơ quan này đã đệ đơn kiện chống độc quyền chống lại gã khổng lồ công nghệ, cáo buộc họ lạm dụng sự độc quyền của mình trong mạng lưới mạng xã hội để hạn chế sự cạnh tranh. Faceboook phản bác lại vụ kiện, cho rằng Ủy ban đã không nhắc tới việc chính họ là người thông qua các vụ mua bán này vài năm trước. Vậy bản chất câu chuyện này là gì?

1. Ngày hôm qua 9/12/2020, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) cùng ít nhất 46 tiểu bang, Thủ đô Washington và vùng Lãnh thổ ủy trị Guam đã đồng loạt đệ đơn kiện Facebook liên quan đến đạo luật chống độc quyền.

2. Facebook hiện giữ vai trò "thống trị" trên mạng xã hội vì không có đối thủ cạnh tranh. Cùng với mạng xã hội Facebook, Facebook Inc. còn sở hữu 2 nền tảng khác là WhatsApp và Instagram. Tổng cộng cả 3 nên tảng này có số người sử dụng thường xuyên là 3 tỷ trên khắp địa cầu.

3. Đơn kiện của FTC và gần 50 tiểu bang và các đơn vị hành chính khác có trích dẫn một email nội bộ của ông chủ FB Mark Zuckerberg từ năm 2008 gửi cho các nhân viên của mình rằng: Tốt hơn hết là là mua các đối thủ cạnh tranh còn hơn là phải cạnh tranh với họ. Theo "chiến lược" đó của Mark, thay vì phát triển các nền tảng riêng, FB lần lượt mua các nền tảng chia sẻ là Instagram năm 2012 và WhatsApp năm 2014 cùng rất nhiều các nền tảng nhỏ khác, nhưng có tiềm năng phát triển, để ngăn chặn cạnh tranh từ trứng nước.

4. Trước mắt, FTC và các tiểu bang kiện Facebook, đề nghị buộc Facebook phải bán Instagram và WhatsApp để hạn chế sự thống trị của Facebook Inc. Còn sau đó, bất cứ thường vụ nào của Facebook tìm cách mua, hoặc sáp nhập các "đối thủ" nhỏ hơn có trị giá từ 10 triệu USD trở lên đều phải được FTC và một ủy ban giám sát đặc biệt đồng ý ý thì mới được tiến hành giao dịch.

5. Vài trò của Facebook đặc biệt nổi bật trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày mùng 3/11/2020 vừa qua. Đáng chú ý là FB đã bỏ hàng trăm triệu USD cho các lớp "tập huấn về bầu cử" trước 3/11, trong đó chủ yếu "bơm tiền" vào các địa hạt dân chủ và huấn luyện các tình nguyện viên Đảng DC tại các tiểu bang dao động.

Tính trung lập của Facebook như việc chỉ đóng vai trò là một nền tảng chứ không kiểm soát nội dung cũng bị đặt dấu hỏi. Đặc biệt là khi Facebook, mặc dù không có chức năng và không đủ khả năng để kiểm soát sự sai đúng của tất cả nội dung được đưa lên mạng, nhưng cũng cho phép tự cho phép mình đóng vai trò kiểm duyệt xem nội dung nào được đưa lên, nội dung nào cần phải để ở trạng thái ẩn, thậm chí khóa cả tài khoản của những người dùng mà Facebook cho rằng "vi phạm" các tiêu chuẩn của Facebook và quy chế cộng đồng. Rõ nhất là các thông tin liên quan đến bầu cử "không có lợi" cho ƯCV Dân chủ Joe Biden.

6. Câu hỏi đặt ra là tại sao có khá nhiều tiểu bang có Thống đốc và Tổng chưởng lý là những người Dân chủ, những người dường như được "hưởng lợi" từ các chính sách của Facebook, vậy tại sao họ tham gia kiện Facebook theo đạo luật chống độc quyền?

Khách quan mà nói, sau thời gian phát triển như thánh gióng, khoảng 5-6 năm nay Facebook đã nổi lên thành con "khủng long" của mạng xã hội, góp phần làm tăng tương tác, giúp mở mang trí tuệ của con người.

Tuy nhiên, khi "người khổng lồ" Facebook đi "quá đà", tìm cách kiểm soát nội dung và "tham gia" vào các vấn đề chính trị, thì vô hình chung Facebook đã mất phần nào tính trung lập, được một bộ phận tán dương, trong khi một bộ phận khác lại tỏ ra nghi ngại.

Ngay cả những người Dân chủ chịu trách nhiệm "cầm cân nảy mực" ở những bang tự do bậc nhất nước Mỹ, nhưng họ cũng không thể không có những bất an vì:

(i) Nếu như hôm nay Facebook có thể thành công trong việc "loại bỏ" hoặc "đè nén" tiếng nói của những người CH, đối thủ của Đảng DC, thì cũng có thể một ngày không xa Facebook sẽ có những hành xử tương tự với chính những người DC hiện tìm cách "dung túng" cho họ;
(ii) Ẩn sâu xa là người Mỹ nói chung, thuộc bất kỳ đảng phái nào, là những người có trong máu yêu thích chủ nghĩa cá nhân, cạnh tranh tự do, nên họ rất "dị ứng" với sự tập trung quyền lực, độc quyền và sức mạnh có tính chi phối.

7. Ngoài các vụ kiện chống độc quyền, Facebook cũng đang chịu sức ép rất lớn từ chính Tổng thống và chính quyền Trump trong việc loại bỏ Điều 230 trong luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ (Communication Decency Act) được ban hành năm 1996 nhằm bảo vệ các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung. Cần nhắc lại là trong những năm 1990 internet và các mạng xã hội rất yếu và cần có các luật đặc biệt như Communication Decency Act ra đời làm "bà đỡ" để các nền tảng này ra đời và phát triển.

Sau đó, cùng với thời gian khi internet và các nền tảng xã hội đã phát triển vững mạnh, hầu hết nội dung trong luật này đã bị các tòa án Mỹ bác bỏ trong nhiều năm vì vi phạm hiến pháp về tự do ngôn luận, nhưng riêng Điều 230 vẫn tồn tại.
Nếu điều 230 bị loại bỏ, thì việc sử dụng đạo luật chống độc quyền có thể chẳng còn giá trị nhiều vì Facebook sẽ buộc giảm đáng kể vai trò can thiệp vào nội dung người dùng nếu không sẽ phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện dân sự vì "chống lại" tự do ngôn luận, tự do biểu đạt.

8. Lịch sử Mỹ trong hơn 100 năm qua đã chứng kiến những vụ kiện chống độc quyền đình đám, và kết quả là nhiều gã khổng lồ bị buộc phải "chia nhỏ", bị phá thế độc quyền nhằm kích thích sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh.
Các ví dụ này gồm phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ 5/1911 "chia nhỏ" Tập đoàn dầu lửa khổng lồ Standard Oil của Tỷ phú Rockefeller thành 34 công ty nhỏ riêng biệt và phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1982 chia nhỏ gã điện thoại khổng lồ AT&T thành một số hãng nhỏ hơn hoạt động độc lập và cạnh tranh với nhau.

Về bản chất, các vụ kiện đối với Standard Oil, AT&T và Facebook lên Tòa án Tối cao Mỹ đều liên quan tới chống độc quyền, vai trò chi phối thị trường, giá cả, bóp nghẹt đối thủ cạnh tranh...

Tuy nhiên, vụ kiện Facebook còn có yếu tố ẩn ý sâu xa và lo ngại khác liên quan đến việc bóp nghẹt tính sáng tạo, dẫn dắt tư duy của khách hàng một cách có chủ ý theo cách mà Facebook mong muốn. Lo ngại hơn nữa là thị trường chỉ có rất ít các ông lớn tham gia và tham gia với các nền tảng khác nhau như Facebook, Tiktok, Instagram, Twitter, YouTube và hầu như không có cạnh tranh giữa các nền tảng này.

Nếu "thành công" với Facebook, các mục tiêu tiếp theo mà chính quyền sắp tới của Mỹ và các tiểu bang nhắm tới có thể sẽ là Google và Twitter.

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/facebook-bi-chinh-quyen-my-de-nghi-chia-nho-de-chong-doc-quyen-ban-chat-cau-chuyen-nay-la-gi-a18028.html