Thu hút vốn FDI: Chính sách nào giúp đón “đại bàng” về làm tổ?

Trong các tháng gần đây tình hình trong nước được cải thiện rất tích cực. Các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh được củng cố tạo điều kiện cho các chính sách khôi phục kinh tế với kết quả là Việt Nam trở thành nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á không rơi vào suy thoái tính đến hết năm 2020. Đây là những thuận lợi cơ bản khiến Việt Nam trở thành điểm sáng trên bức tranh toàn cầu giữa lúc nhiều quốc gia đang dần trở lại với các lệnh giãn cách. Tuy nhiên, chỉ dựa vào những nguồn lực nội tại là chưa đủ để vận hành “cỗ xe kinh tế” có độ mở lớn như Việt Nam trong thời điểm này.

Kết thúc Quý 3 với tốc độ tăng trưởng là 2.62% và tính chung chín tháng đầu năm là 2.12%, nền kinh tế xem như đã vượt qua khá tốt cú sốc của làn sóng Covid lần 2 bắt đầu vào đầu tháng Bảy. Chính phủ liên tục có các bước đi nhằm thúc đẩy sự phục hồi của hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ. Các giải pháp kích cầu hướng đến khu vực tiêu dùng đó đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Việc tăng giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình trọng điểm được cho thấy là một động lực tạm thời hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế, góp phần tái tạo lại tổng cầu và xử lý thất nghiệp giữa lúc các thị trường xuất khẩu còn đang hồi phục một cách hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tuy vậy, vấn đề khôi phục lại trạng thái tăng trưởng tốt của nền kinh tế trước đại dịch vẫn còn là một mục tiêu khá thách thức. Mục tiêu trước mắt của Việt Nam phải là thích nghi tốt được với trạng thái bình thường mới, tận dụng mọi cơ hội để tái khởi động nhằm tăng tốc cho “cỗ xe kinh tế” vượt qua khủng hoảng. Để đạt được mục tiêu đó, nếu chỉ tập trung khai thác các nguồn lực nội tại thôi là chưa đủ, Việt Nam cần có các chính sách thu hút các nguồn lực bên ngoài nhằm gia tăng năng lực tổng hợp. Đó là những nguồn vốn FDI dồi dào đang tìm địa chỉ lý tưởng.
Với những tiềm năng tăng trưởng kinh tế khả quan và cũng là nơi đang có lợi suất trái phiếu dương, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng ở châu Á cho dòng vốn ngoại. Dư luận gọi đây là “đại bàng”, vậy Việt Nam cần chuẩn bị những điều chỉnh chính sách gì dể có thể “dọn tổ” đón đại bàng?
Vấn đề tiếp tục cổ phần hóa các DNNN
Lợi ích của chủ trương này là giúp thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thu hút vốn đầu tư từ người dân và mở rộng khả năng cung ứng việc làm cho thị trường lao động. Ngoài ra, cổ phần hóa còn giúp tăng giá trị DN nhờ vào sự cải thiện trong quá trình quản trị công ty do nhiều bên tham gia quản lý.
Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước: Xử lý hơn 400 câu hỏi, vướng mắc - VTA VIỆT NAM
Thông qua việc phát hành thêm cổ phần, DN có thể tận dụng thêm nguồn vốn cho quá trình kinh doanh, các nhà lãnh đạo DN có động lực để làm tốt vai trò của mình vì sự thăng tiến trong sự nghiệp. Nhờ đó, niềm tin công chúng được cải thiện đối với hiệu quả kinh tế của các DN này.
Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa đến nay vẫn còn khá chậm vì mắc phải nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện. Những hạn chế và bất cập quan trọng có thể kể đến như:
Thứ nhất, tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Do Nhà nước vẫn giữ một lượng cổ phần chi phối làm các nhà đầu tư chiến lược e ngại về khả năng khống chế DN sau đầu tư nên họ thường không mặn mà.
Thứ hai, khung pháp lý cho các DN trong quá trình cổ phần hóa và hậu cổ phần hóa chưa được hoàn thiện. Chính sách thu hút cổ đông cho các DNNN sau khi cổ phần hóa và những quy định nghĩa vụ liên quan khác còn nhiều ràng buộc phức tạp.
Thứ ba, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, người đứng đầu doanh nghiệp còn tính chây ỳ, chưa quyết liệt trong khâu đổi mới hoạt động của DN, thúc đẩy công khai, minh bạch thông tin và thoái vốn nhà nước.
Vì vậy, Chính phủ cần có các biện pháp hiệu quả giải quyết nhanh chóng các bất cập trên nhằm tận dụng thời cơ các nguồn vốn ngoại đang hướng về Việt Nam với những dự tính làm ăn lâu dài.
Tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế
Các quốc gia có tiềm năng lớn hơn trong việc tăng trưởng kinh tế có nhiều khả năng để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn. Bởi các DN và các nhà đầu tư này hiểu rằng một nền kinh tế tăng trưởng tốt là nơi có thị trường tiêu thụ dồi dào để mở rộng kinh doanh. Đồng thời, thị trường lao động tại Việt Nam đa dạng và có chi phí thấp sẽ giúp hạ thấp chi phí đầu vào và nâng cao tính cạnh tranh cho DN.
Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt!
Bên cạnh đó, nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng tốt đồng nghĩa với lạm phát được kiềm chế, lãi suất cho vay thấp, do đó, chi phí đầu tư dễ dàng được trang trải, tiết kiệm thời gian hoạch định chiến lược của các tổ chức kinh doanh.
Do vậy, Chính phủ cần thể hiện một sự quyết tâm, nhất quán và tích cực trong việc tiếp tục bảo đảm một môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời, kiên trì, thận trọng trong ban hành các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2021 để tiếp thêm niềm tin cho các nhà đầu tư về một bức tranh sáng của nền kinh tế, đảm bảo dòng vốn kinh doanh cho các doanh nghiệp nước ngoài khi họ đến Việt Nam.
Thuế suất đánh lên thu nhập từ kinh doanh
Các quốc gia áp đặt mức thuế suất tương đối thấp lên thu nhập của các doanh nghiệp thì có nhiều khả năng hơn để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi đánh giá tính khả thi của việc chuyển vốn đầu tư kinh doanh ra nước ngoài, các công ty thường ước tính các dòng tiền sau thuế mà họ kỳ vọng có thể nhận được. Nếu dòng tiền này thỏa mãn nhu cầu về lợi nhuận mục tiêu được định trước, cơ hội nhận được nguồn đầu tư từ các các doanh nghiệp này sẽ gia tăng đáng kể.
Phân biệt Thuế suất thông thường, thuế suất ưu đãi và thuế suất đặc biệt
Từ đầu năm cho đến nay, Việt Nam đang thực hiện rất tốt các chính sách tài khóa liên quan đến các ưu đãi về thuế suất. Ví dụ như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ; kéo dài thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, đồng thời giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Việc Chính phủ cần tiếp tục làm là tạo ra nhiều hơn các ưu đãi chung về mặt pháp lý trong lĩnh vực thuế nhằm thu hút nhiều hơn các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Song song với đó, cần tiếp cận, khoanh vùng, quy hoạch rõ các nhu cầu hỗ trợ khác nhau của từng đối tượng đầu tư nước ngoài đó nhằm đi vào chiều sâu trong việc đáp ứng “khẩu vị” đầu tư của từng doanh nghiệp khi họ mang tăng trưởng đến cho Việt Nam.
Điều hành tỷ giá hối đoái
Các doanh nghiệp thường thích theo đuổi đầu tư trực tiếp nước ngoài ở những quốc gia có đồng tiền dự kiến sẽ mạnh lên so với đồng tiền của quốc gia họ trong tương lai. Biến động tỷ giá hối đoái đó được dự đoán sẽ diễn ra ở Việt Nam, phù hợp với mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong trường hợp này, họ có thể đầu tư vốn để thiết lập các hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam trong lúc đồng tiền của nước ta đang tương đối rẻ. Sau đó, khi thu nhập từ các hoạt động sản xuất kinh doanh này có thể được định kỳ chuyển sang đồng tiền của quốc gia họ và với một tỷ gia hối đoái cao hơn, dòng doanh thu nhờ đó sẽ dồi dào hơn và dễ dàng đáp ứng lợi nhuận mục tiêu của doanh nghiệp.
Tác động của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam hiện nay
Ví dụ: Khi một doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dụng cụ thể thao sản xuất và bán hàng tại Việt Nam, họ bán 100 đơn vị vợt tennis và giá của mỗi đơn vị là 100,000đ. Giả sử tỷ giá hiện tại là 23,000đ/$1. Khi chuyển sang đơn vị USD, doanh thu của 100 đơn vị vợt tennis sẽ vào khoảng $435.
Khi tỷ giá này tăng lên (do VND mạnh lên) là 22,000đ/$1 thì doanh thu của 100 đơn vị trên sẽ vào khoảng $454. Như vậy doanh thu của doanh nghiệp này tăng thêm được khoảng $19 nhờ vào tỷ giá tốt hơn.
Điều đó cho thấy một sự hấp dẫn rõ ràng khi quyết định bỏ vốn vào Việt Nam của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD theo hướng củng cố sức mua của VND là có khả năng cao bởi các lý do sau đây.
Thứ nhất, có nhiều dự đoán cho rằng đồng USD sẽ mất giá mạnh trong thời gian tới, nhất là sau khi có vaccine. Ngoài ra, do nhu cầu mua các tài sản tích trữ định giá bằng USD ít đi, thì nhu cầu với USD cũng giảm theo, trong khi lượng cung USD được dự đoán sẽ tiếp tục tăng với những chính sách hỗ trợ thanh khoản thị trường của Fed và các gói kích thích kinh tế sẽ được ban hành dưới chính quyền ông Biden. Đây đơn giản là phản ánh quy luật cung – cầu.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước và cá nhân tân Thống đốc nhận thức rất rõ sự cấp bách của việc điều hành tỷ giá theo hướng này nhằm tránh nguy cơ vượt qua ngưỡng thứ ba (can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối bằng việc mua ròng ngoại tệ với tổng giá trị trên 2% GDP) trong ba tiêu chuẩn bị coi là thao túng tiền tệ do Mỹ đặt ra. Gần đây, Mỹ đã chính thức điều tra Việt Nam thao túng tỷ giá cũng yêu cầu NHNN cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Khác với các quốc gia khác, NHNN Việt Nam không phải là một cơ quan độc lập với Chính phủ mà là một cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ, do đó, trong thời gian sắp tới, Chính phủ cần có các chỉ đạo chung và cụ thể nhằm hướng dẫn cho NHNN đề ra những chính sách đúng đắn để tăng cường dòng vốn ngoại và củng cố các chiến lược khác của quốc gia.
Trong thời điểm hiện tại, khi mà hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều không thể tránh các con số tăng trưởng âm, và thậm chí tương lai nền kinh tế họ còn đang mơ hồ, thì Việt Nam nổi lên như một nơi trú ẩn an toàn cho các dòng vốn quốc tế muốn tránh tổn thất. Việt Nam cần biết tận dụng thời cơ này để không chỉ tiến nhanh hơn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển mà còn trở thành một ngôi sao hồi phục kinh tế thời kỳ hậu COVID-19.


Lê Dương Anh Tuấn

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/thu-hut-von-fdi-chinh-sach-nao-giup-don-dai-bang-ve-lam-to-a16752.html