Cơ quan thuế quản lý tiền thuế công ty bạn như thế nào?

Cơ quan thuế quản lý Công ty bạn như thế nào? Tại sao Công ty và Kế toán thuế (hoặc Dịch vụ khai báo thuế) thường đổ lỗi cho nhau khi Công ty bị phạt thuế? Làm sao để Công ty không lo lắng khi cơ quan Thuế kiểm tra?
Để quản lý được các Công ty mà không để thất thu tiền thuế, cơ quan thuế có 2 bước để quản lý.
Bước 1: Tự khai tự nộp
Có nghĩa là bạn tự khai báo số tiền thuế phải nộp là bao nhiêu. Tiếp theo Công ty bạn tự nộp luôn số tiền thuế mà bạn đã khai báo. Như vậy thông thường, Cơ quan thuế không tham gia để kiểm tra số liệu nộp thuế của Công ty. Công ty hoàn toàn chủ động với việc khai thuế và nộp tiền thuế.
Bước này, cơ quan Thuế chỉ yêu cầu Công ty nộp đầy đủ các mẫu báo cáo thuế và đúng thời gian quy định.

Bước 2: Hậu kiểm
Một thời gian sau (3-5 năm hoặc có thể lâu hơn), Cơ quan thuế sẽ kiểm tra lại sổ sách và chứng từ của Công ty. Nếu Cơ quan thuế phát hiện ra những sai sót, thì Công ty sẽ phải nộp số tiền thuế tăng thêm, cộng thêm các khoản tiền phạt do khai báo sai và tiền lãi do nộp thiếu tiền thuế.

Có khi nào Công ty không bị kiểm tra thuế hay không?

Chắc chắn là không. Vì có thể trong thời gian hoạt động của Công ty, Cơ quan thuế sẽ không thực hiện kiểm tra. Tuy nhiên khi bạn giải thể, thì Cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra, trước khi bạn làm thủ tục giải thể.
Do vậy Kế toán thuế có 2 mục tiêu chính:
- Mục tiêu 1: Khai báo thuế đúng số tiền, đúng thời gian và đầy đủ các loại báo cáo.
- Mục tiêu 2: Làm sao để giảm tối đa để Công ty không bị phạt nhiều khi Cơ quan thuế kiểm tra.
Với Mục tiêu 1,
Quan trọng nhất ở Mục tiêu này là khai báo thuế thật chính xác theo hóa đơn và chứng từ kế toán. Do vậy không có sự khác biệt lớn giữa một kế toán giỏi và một kế toán ít kinh nghiệm.

Các chủ doanh nghiệp thường thấy rằng công việc khai thuế chỉ là cộng dồn các hóa đơn và nộp tờ khai. Nên họ cho rằng công việc Kế toán thuế không có gì phức tạp và đánh đồng những người làm kế toán với nhau và đánh đồng những Nhà cung cấp Dịch vụ khai báo thuế với nhau.
Cũng vì lý do chỉ nhìn thấy Mục tiêu 1 nên Chủ doanh nghiệp cho là Kế toán thuế là công việc đơn giản và không cần quan tâm đến.
Với Mục tiêu số 2,
Để đảm bảo Công ty không bị Cơ quan thuế phạt nhiều tiền khi kiểm tra, thường định kỳ 3-4 năm, Kế toán thuế cần thực hiện các công việc chuyên môn và cũng cần đòi hỏi những kỹ năng (kinh nghiệm) tương ứng. Một số công việc và kỹ năng (kinh nghiệm) quan trọng như sau:
- Kiểm tra chứng từ, hóa đơn có đúng quy định không và Kỹ năng: Hiểu rõ quy định luật thuế, cập nhật kiến thức thuế thường xuyên.
- Tư vấn cách nào để giảm tối đa số thuế phải nộp và Kỹ năng: Có kiến thức bao quát hoạt động kinh doanh, hiểu rõ các quy định luật thuế, hiểu rõ đặt thù của khách hàng (Công ty có lợi thế gì, không có lợi thế gì)
- Chuẩn bị chứng từ, sổ sách kế toán để sẵn sàng cho Cơ quan thuế kiểm tra và Kỹ năng: Có kinh nghiệm làm việc với cơ quan thuế, hiểu rõ luật thuế, dự tính số tiền thuế nộp phạt.

Lý do mà Công ty bị phạt tiền thuế nhiều khi bị Thuế kiểm tra là do không thực hiện các công việc ở Mục tiêu số 2 này.
Bạn thấy rằng những công việc chính của Kế toán thuế chủ yếu là Mục tiêu số 2. Nó đòi hỏi Kế toán thuế phải có nhiều kiến thức và hiểu biết (hiểu biết về Công ty và kinh nghiệm làm việc). Một Kế toán có kinh nghiệm và ít kinh nghiệm sẽ cho ra những kết quả rất khác nhau.

Tại sao Công ty và Kế toán thuế (hoặc Dịch vụ khai báo thuế) thường đổ lỗi cho nhau khi Công ty bị phạt thuế?

Đối với nhân viên Kế toán thuế (hoặc Dịch vụ khai báo thuế):
- Chỉ làm được những công việc đơn giản (Mục tiêu 1) nhưng lại cam kết chịu trách nhiệm toàn bộ luôn cho Công ty (Mục tiêu 2). Thông thường 3-4 năm sau, cơ quan thuế mới kiểm tra thuế. Cho nên những Kế toán viên hoặc Công ty Dịch vụ khai báo thuế có nhiều thời gian để nhận lương (hoặc thu phí) cho đến khi việc kiểm tra thuế xảy ra.

Đối với Công ty:
- Mong muốn Kế toán thuế phòng ngừa tất cả những gì liên quan đến Thuế (Mục tiêu 2) nhưng chỉ tuyển nhân viên kế toán ít kinh nghiệm (hoặc không kiểm tra năng lực của đối tác cung cấp Dịch vụ khai báo thuế cho Công ty).
- Đa phần chỉ quan tâm đến Mục tiêu 1, mà không quan tâm đến Mục tiêu 2 nên không chủ động kiểm tra thường xuyên tiền thuế của Công ty. Giao hết công việc lại cho Kế toán thuế (hoặc Công ty Dịch vụ khai báo thuế) mà không biết tình hình thuế của Công ty ra sao.
- Chủ Công ty không hiểu rõ các Mục tiêu của Kế toán thuế nên có xu hướng đánh đồng các Công ty cung cấp Dịch vụ kế toán thuế với nhau. Cho nên họ thường có xu hướng lựa chọn các nơi có mức phí Dịch vụ thấp. Do vậy Chủ Doanh nghiệp nhiều khả năng là lựa chọn được những nhà cung cấp Dịch vụ chỉ cung cấp được các dịch vụ cơ bản (Mục tiêu 1).
Hy vọng bài viết giúp Chủ Doanh nghiệp hiểu rõ hơn các Mục tiêu của Kế toán thuế để xem lại nhu cầu Công ty và khả năng của nhân viên kế toán thuế hoặc Nhà cung cấp dịch vụ khai báo thuế của mình.


Tác giả: Võ Trung Vương

Link nội dung: https://vietnambusinessinsider.vn/co-quan-thue-quan-ly-tien-thue-cong-ty-ban-nhu-the-nao-a14466.html