no-co-xau-1675161963.jpeg
 

Nợ mà do ăn chơi phù phiếm, rượu chè cờ bạc, tan cửa nát nhà...

Nợ mà không biết lượng sức, nợ vượt quá đầu, nợ không trả nổi...

Ấy là nợ xấu.

Thế nhưng...

Nợ vì nhìn thấy một cơ hội đầu tư, vì đã trang bị kiến thức, vì đã chuẩn bị kỹ càng...

Nợ mà biết tiến biết lùi, biết vừa biết đủ...

Nợ mà lại sinh ra tiền, sinh thêm nhiều tài sản...

Ấy lại là “nợ” tốt.

Có thể kể đến nhà sáng lập của Panasonic, ông Konosuke Matsushita, Doanh nhân huyền thoại được gắn với biệt danh "Vua nợ". Giai đoạn 1918-1920, kinh tế Nhật Bản trải qua khủng hoảng nghiêm trọng, doanh nghiệp phá sản, người thất nghiệp khắp mọi nơi. Thế nhưng bất chấp thời cuộc, Matsushita vẫn đi vay mượn khắp nơi để tiếp tục mở rộng vì cho rằng, đây chính là cơ hội để phát triển kinh doanh. Có thời điểm, việc kinh doanh của ông khó khăn, riêng tiền nợ đã lên đến một tỷ yên, thậm chí đến những bữa ăn hàng ngày, ông cũng phải nhờ cậy vay mượn bạn bè. Thế nhưng "Vua nợ" vẫn không bỏ cuộc, tin vào tầm nhìn dài hạn, cần mẫn lao động để rồi gây dựng nên đế chế nức tiếng toàn cầu.

Ví như từ đất nước Bangladesh, khi Giáo sư kinh tế Muhammad Yunus cùng các cộng sự sáng lập ra ngân hàng Grameen với mô hình cho vay những khoản tiền nhỏ với lãi suất thấp. Nhờ vào số tiền từ vài chục cho đến vài trăm USD, nhiều người nghèo, đặc biệt là những người phụ nữ vùng nông thôn ở Bangladesh đã có vốn để làm ăn kinh doanh nhỏ lẻ. Điều kiện cho vay tiền ở ngân hàng này cũng rất đặc biệt, người vay cần cam kết thực hiện những thói quen tốt trong đời sống xã hội, như cho con em đi học ở những ngôi trường chính quy. Thế hệ sau được học hành tử tế sẽ tiến bộ hơn, sẽ không còn rơi vào cảnh nghèo như thế hệ trước, rồi khi trưởng thành, thế hệ này lại nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ kế tiếp. Mô hình tín dụng của Grameen nay đã phát triển ra gần 30 quốc gia; thế giới có khoảng 168 bản sao của Grameen Bank tại 44 nước, giúp hàng triệu người thoát nghèo. Từ đó cho thấy, một khoảng nợ tốt cũng giúp ích chúng ta rất nhiều.

Lửa quá to thì cháy nhà cháy chợ, lửa bập bùng vừa phải thì lại sưởi ấm, đun nước, nấu cơm. Vay nợ cũng vậy. Nhiều người nghe đến chữ "nợ" mà sợ run người. Nhưng miễn sao ta có hiểu biết, trau dồi trí lực cho minh mẫn, có tầm nhìn dài hạn, hiểu về tài chính kinh doanh, chớ nghe mỗi lời mồi chài ngon ngọt. Cứ mở máy lên mạng là nghiên cứu đầu tư loại hình nào cho phải, vay đâu cho uy tín, vay thì nên bao nhiêu, cần có thủ tục gì,... thì "nợ" sẽ tốt, sẽ sinh ra lời, phát triển cuộc sống về sau.

Theo Tony Buổi sáng

www.facebook.com/blogtonybuoisang/post