Nhiều người trong số đó cho biết thời gian nhận hàng của họ đang lâu hơn dự kiến.

Theo Bloomberg, từ tháng 11, Trung Quốc đã siết thêm các hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt tại các cảng biển – nơi phát sinh nhiều đợt dịch bùng phát gần đây. Đó cũng là nguyên nhân khiến giới chức nước này yêu cầu tàu có thuỷ thủ mang quốc tịch Trung Quốc trở về phải cách ly 2-7 tuần.

Trong khi đó, tàu có thuỷ thủ đoàn ngoại quốc yêu cầu giữ nguyên số lượng người, không được thay người hoặc thêm người mới trong 2 tuần trước khi đi vào Trung Quốc. Để tuân thủ những quy định đó, các chủ tàu phải chuyển hướng đi, kiểm tra thuỷ thù đoàn và trì hoãn các chuyến hàng, khiến khủng hoảng chuỗi cung ứng thêm trầm trọng hơn.

Tờ South China Morning Post trích dẫn lời của ông Eman Abdalla, giám đốc chuỗi cung ứng Tập đoàn thực phẩm Cargill (Mỹ): “Tập đoàn hiện có rất nhiều chuyến hàng phải trả phí phạt trễ hạn cho đối tác và phải thay đổi lịch trình để đến được Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp, sự chậm trễ chỉ mất vài giờ nhưng cũng có khi kéo dài tới vài ngày.”

container-un-tac-cua-khau-bac-luan-2-mong-cai-1640141203.jpeg

Tương tự, giám đốc Công ty quản lý tàu Anglo-Eastern Univan Group (Hong Kong) – ông Bjorn Hojgaar cho biết do chính quyền Bắc Kinh chỉ cho phép tối đa 3 thuyền viên Trung Quốc trên một chuyến tàu cập cảng nên nhiều người phải mất hàng tháng trời mới được trở về nhà. Khoảng 800 trong số 16.000 thủy thủ thuộc tàu Anglo-Eastern cũng đang bị quá hạn trợ cấp, hơn 100 người đã ở trên tàu hơn 11 tháng.

“TQ đang làm rất tốt trong việc ngăn chặn COVID-19 nhưng cái giá phải trả là không cho các thuyền viên cập cảng, ngay cả các thuyền viên TQ đôi khi cũng không thể quay về nước”, ông Hojgaar nói.

Các chuyến hàng online không tránh khỏi ảnh hưởng

Chia sẻ với phóng viên, A.N (27 tuổi, kế toán tại Tây Hồ, Hà Nội) cho biết hiện cô vẫn chưa nhận được các đơn hàng mình đặt mua từ đợt săn sale của Lazada, Shopee từ hôm 11/11 và 12/12. “Do phần lớn đồ tôi mua đều bán ở nước ngoài nên thời gian lâu hơn dự kiến.”

“Tôi đã chi nhiều cho dịp Noel và Tết Nguyên Đán, nhưng thông tin từ báo đài gần đây khiến tôi lo không thể nhận được hàng kịp vào những dịp này.”

Khép lại đợt mua sắm cuối năm 12/12 Siêu Sale Sinh Nhật, Shopee ghi nhận lượng truy cập tăng gấp 6 lần so với mức trung bình ngày thường. Chương trình Lễ hội mua sắm 12.12 – Sale To cuối năm của Lazada cũng giúp các thương hiệu và nhà bán hàng tăng doanh thu đến 2,5 lần.

Trong số đó, các đơn hàng được mua từ nước ngoài cũng tăng đáng kể. Dù chưa có số liệu chính thức nhưng đa số người mua hàng được hỏi cho biết hàng hoá từ nước ngoài đa dạng hơn và đôi khi rẻ hơn khiến họ “dễ mở ví”.

Mặt khác, theo số liệu Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu TMĐT xuyên biên giới trong năm 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. Tổng giao dịch xuất khẩu qua thương mại điện tử tăng hơn 40% lên 1,12 nghìn tỷ NDT, Trung Quốc nhập khẩu hàng hoá từ thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử đạt 570 tỷ NDT, tăng trưởng 16,5%.

Những con số vẫn tiếp tục tăng trong năm nay. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay – khủng hoảng chuỗi cung ứng thêm trầm trọng, ngành thương mại điện tử ở Việt Nam và cả khu vực có thể sẽ chịu ảnh hưởng nhất định.

Có thể không nhận được hàng?

Trung Quốc tuần trước phát hiện 2 ca nhiễm biến chủng Omicron. Biến chủng này thậm chí lây lan nhanh gấp 5 lần chủng Delta và đang thách thức chiến lược zero COVID-19 của nước này.

Với tình hình hiện nay, việc vận chuyển hàng hoá được dự đoán sẽ bị ngưng trệ ít nhất vài tuần, thâm chí còn lâu hơn. “Nếu nhanh thì tháng sau sẽ về hàng, còn chậm thì chúng tôi chịu,” một nhà bán hàng trên các trang TMĐT cho biết.

“Đã hai năm trôi qua. Hàng hoá tồn vẫn chất đống trong kho. Tôi không thể chỉ ngồi và đợi biên giới mở cửa. Chúng tôi vẫn phải ăn để sống”, Yan, một người bán hàng ở Trung Quốc nói với South China Morning Post. Cô cho biết bán hàng trực tiếp là giải pháp duy nhất để kiếm sống. Vào tháng 3 năm nay, Yan bắt đầu phát trực tuyến bán hàng, chủ yếu cho khách hàng trong nước. Hiện trang kinh doanh trực tuyến của cô có khoảng 200.000 người đăng ký.

Giới chức chính phủ và các chuyên gia y tế cộng đồng đã nhiều lần khẳng định Trung Quốc sẽ không từ bỏ chiến lược “không khoan nhượng” với COVID-19, và việc mở cửa biên giới không không chỉ phụ thuộc vào khả năng miễn dịch có được từ tiêm chủng mà còn cả tình hình đại dịch toàn cầu nói chung. Giới chuyên gia phân tích Trung Quốc chưa có ý định loại bỏ “zero COVID-19” trong tầm nhìn và người dân trên khắp đất nước sẽ phải đối phó với sự gián đoạn trong một thời gian rất dài sắp tới.